Báo Công An Đà Nẵng

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Hoàng Văn Lai:

Phẩm chất kiên trung người chiến sĩ Công an nhân dân

Thứ ba, 23/05/2023 07:00
Đồng chí Hoàng Văn Lai (bên phải) chụp ảnh cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ.

Người chiến sỹ ưu tú, kiên trung

Đúng ngày này 100 năm trước (23-5-1923), đồng chí Hoàng Văn Lai ra đời tại vùng quê nghèo Giảng Hòa, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Người con ưu tú ấy lớn lên, trở thành một chiến sỹ Cộng sản tài ba, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ, trong đó có Trưởng Ban an ninh Đặc khu Quảng Đà. Nỗi buồn ập tới khi cuối tháng 7-1978 đang trên đường thực hiện nhiệm vụ đặc biệt, đồng chí không may gặp tai nạn, đã hy sinh. Nhưng những cống hiến lớn lao của đồng chí luôn được lưu truyền nhiều thế hệ mai sau.

Rất nhiều lần chúng tôi theo các đoàn công tác của Bộ Công an đến thăm căn cứ cách mạng Nước Oa. Lần nào trở lại "đại bản doanh" của An ninh Khu V này, Thượng tướng Lê Thế Tiệm- nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an đều dành cả giờ để kể cho cán bộ chiến sĩ thế hệ trẻ sau này về người thủ trưởng của mình- đồng chí Hoàng Văn Lai, nguyên Thường vụ Đặc khu ủy, Trưởng ban An ninh Quảng Đà, nguyên Trưởng ty Công an Quảng Nam- Đà Nẵng trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy cam go, gian khổ, nhưng rất đỗi hào hùng.

Đồng chí Hoàng Văn Lai thường hay đọc sách, nghiên cứu kế sách để đánh quân địch.

Năm 23 tuổi, đồng chí Hoàng Văn Lai rời quê hương Đại Thắng, thoát ly gia đình tham gia kháng chiến chống Pháp. Lúc đất nước đang giai đoạn đánh Mỹ, năm 1967, đồng chí được điều chuyển sang làm Bí thư Huyện ủy huyện Duy Xuyên, một trong những địa phương mà Mỹ và chính quyền Sài Gòn tập trung quân đội chà xát, càn quét. Thời gian này, đồng chí góp phần lớn cùng Huyện ủy Duy Xuyên hoàn thành tốt nhiệm vụ lãnh đạo quân và dân trong huyện, tiêu diệt địch, bảo vệ căn cứ cách mạng. Một năm sau, đồng chí được giao nhiệm vụ làm Trưởng ban An ninh tỉnh Quảng Đà…

Thượng tướng Lê Thế Tiệm kể: Thời điểm đó địch liên tục tăng cường càn quét, đánh phá trên diện rộng, dồn dân vào các khu dồn, nhiều cán bộ bị bắt giữ. Địch còn tung mạng lưới thám báo, gián điệp, biệt kích đến các địa phương hoạt động, nắm tình hình để phục vụ "Việt Nam hóa chiến tranh" của Mỹ. Đồng chí Hoàng Văn Lai đã chỉ đạo toàn lực lượng luôn nâng cao cảnh giác, kiên quyết diệt ác, phá kìm, trấn áp bọn phản cách mạng; điều tra các tổ chức địch, nắm quy luật hoạt động bọn cầm đầu để có kế hoạch tiêu diệt. Với ý chí kiên cường, dũng cảm, mưu trí, lực lượng Ban An ninh Đặc khu Quảng Đà đã kiên quyết bám đất, bám dân và liên tục làm nên những chiến công vang dội. Điển hình như: Tháng 2-1969, Ban An ninh Đặc khu Quảng Đà tấn công vào Trụ sở CIA của Mỹ, đánh vào trụ sở tình báo Phượng Hoàng, tiêu diệt hàng chục tên, thu giữ nhiều tài liệu tối mật của địch. Chỉ tính riêng năm 1969, Ban An ninh Đặc khu Quảng Đà đã loại khỏi hàng ngũ địch hơn 1.000 tên, trong đó có 135 tên tình báo, 119 cảnh sát ngụy, 49 tên Mỹ, 59 sĩ quan tâm lý chiến, 15 mật báo viên, chỉ điểm, 35 tên dân ý vụ, 20 tên mật báo tiểu khu, chi khu, làm bị thương trên 200 tên, bắt sống 75 tên, phá hủy hàng chục đồn bốt, trụ sở hội đồng, thu giữ nhiều tài liệu, phương tiện chiến tranh của địch. "Từ năm 1970 - 1972, Ban An ninh triển khai nhiều trận đánh táo bạo trên địa bàn tỉnh, tiêu diệt 1.293 tên, trong đó có 595 tên cảnh sát, 220 ngụy quyền, 122 tình báo, gián điệp. Thời gian này, một sư đoàn bộ binh Mỹ vây căn cứ Hòn Tàu, nhằm tiêu diệt cơ quan đầu não Đặc Khu ủy Quảng Đà nơi có hàng nghìn cán bộ từ cấp huyện trở lên dự tập huấn tại đây. Trước tình thế đó, đồng chí Hoàng Văn Lai đã trực tiếp chỉ huy 2 Đại đội trinh sát vũ trang C113, C114 mở nhiều đợt tấn công vòng vây của địch, đồng thời chỉ đạo lực lượng an ninh đưa các đồng chí lãnh đạo đến địa điểm an toàn", Thượng tướng Lê Thế Tiệm nói.

Sau Hiệp định Paris, địch tăng cường lực lượng đàn áp, từ hơn 2.000 cảnh sát đến đầu năm 1974 tăng lên 9.000 tên, thành lập thêm 8 Chi cảnh sát quốc gia và 85 đồn cảnh sát cấp xã, phường và mở hơn 300 lượt càn quét, bắt bớ, tra khảo nhân dân. Đồng chí Hoàng Văn Lai chỉ huy đã triển khai 52 trận đánh táo bạo, bất ngờ, tiêu diệt hơn 300 tên địch, bắt sống hàng chục tên chỉ điểm, chiêu hồi. Đáng chú ý, đồng chí còn đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ nội bộ, chỉ đạo lực lượng an ninh tiến hành soát xét hàng nghìn cán bộ, nhân viên từ cấp huyện trở lên, qua đó phát hiện 26 cán bộ bị địch cài cắm vào nội bộ…

Xứng danh Anh hùng

Những ngày cuối tháng ba lịch sử của 48 năm trước, với tinh thần "Tất cả cho giải phóng Đà Nẵng", 184 cán bộ, chiến sĩ An ninh dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Hoàng Văn Lai đã hạ quyết tâm phối hợp cùng lực lượng chủ lực chiếm lĩnh các điểm trọng yếu của giặc trong lòng thành phố Đà Nẵng. Mờ sáng 29-3-1975, lực lượng An ninh áp sát các mục tiêu, sau đó làm chủ nhà máy điện, Đài Phát thanh, Nha Cảnh sát vùng I, trụ sở Quốc dân đảng, cơ quan CIA, Tòa Thị chính, Trung tâm thẩm vấn Thanh Bình… Ngày 30-3-1975, đồng chí chỉ đạo Ban an ninh thiết lập 28 điểm để kêu gọi ngụy quân, ngụy quyền ra trình diện với 7 đại tá, 55 trung tá, 220 thiếu tá, 1 ngụy quyền cấp Trung ương, 10 tên cấp Quân khu, 220 tên cấp tỉnh cùng hàng ngàn sĩ quan, binh lính. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng an ninh phối hợp với 3 Đại đội trinh sát do Bộ Công an, Công an Thanh Hóa, Hải Phòng chi viện, tổ chức truy bắt hơn 1.700 ngụy quân, ngụy quyền, trong đó có 551 tên đảng phái phản động, 264 cảnh sát, 21 tên biệt đội sưu tầm, 2 tình báo Phượng Hoàng, thu giữ gần 25.000 khẩu súng quân dụng, hàng ngàn trang tài liệu địch.

Đồng chí Hoàng Văn Lai (thứ 2, bên phải, hàng đầu) chụp ảnh cùng các đồng đội thời chiến tranh.

Sau ngày giải phóng, đồng chí Hoàng Văn Lai tiếp tục làm Trưởng ty Công an tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng; chỉ đạo bắt tên Trần Quốc Dân, Bí thư Việt Nam Quốc dân Đảng Đà Nẵng và kêu gọi gần 200 đảng viên Quốc dân đảng ra trình diện. Trong thời gian này, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo lực lượng Công an tỉnh phá hàng chục tổ chức phản động, đáng chú ý là tổ chức phản động "Việt Nam dân tộc cách mạng Đảng" do Nguyễn Văn Bảy cầm đầu. Để đấu tranh với tổ chức này, Ty Công an tỉnh quyết định lập Ban chuyên án do đồng chí Hoàng Văn Lai làm Trưởng ban. Sau một thời gian điều tra, ngày 7-7-1978, đồng chí đã chỉ đạo lực lượng đồng loạt tấn công vào "mật khu" Nam Yên, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, bắt giữ nhiều đối tượng nguy hiểm.

Thượng tuần tháng 7-1978, sau khi làm việc với Công an các huyện Điện Bàn, Đại Lộc trở về, đồng chí Hoàng Văn Lai vẫn không chịu nghỉ ngơi, mà quyết định lên hiện trường thị sát tình hình cuộc đột kích của lực lượng An ninh vào hang ổ của bọn phản động. Ngày 23-7-1978, trên đường vào "mật khu" Nam Yên để chỉ đạo lực lượng truy bắt số tên còn lại thì một tai nạn không may xảy ra, đồng chí đã hy sinh.

Nhiều cán bộ Công an lão thành tâm sự rằng, phá hang ổ Nam Yên của bọn phản động "Việt Nam dân tộc cách mạng đảng", quân ta bắt được 239 tên, thu nhiều vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng. Đây là chiến công xuất sắc của lực lượng Công an Quảng Nam- Đà Nẵng; trong đó có sự đóng góp rất lớn của các đồng chí lãnh đạo Ty Công an lúc bấy giờ, đặc biệt là sự chỉ đạo sâu sát công tác điều tra phá án của đồng chí Hoàng Văn Lai.

Ghi nhận những thành tích đặc biệt xuất sắc, Nhà nước đã tặng thưởng cho đồng chí Hoàng Văn Lai Huy chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Giải phóng hạng Nhất, hạng Nhì và Huân chương Quyết Thắng hạng Nhất. Và một niềm vui lớn với gia đình, người thân, các thế hệ cán bộ chiến sĩ lực lượng Công an Quảng Nam- Đà Nẵng qua các thời kỳ khi ngày 27-5-2011, đồng chí được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân…

Công Hạnh