Phận bạc phu vàng (Kỳ cuối: Nghiệt ngã "giấc mơ vàng")
Theo thống kê của Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam cho biết, hiện nay trên địa bàn Quảng Nam có hơn 10 Cty được cấp phép thăm dò và khai thác khoáng sản vàng với số lượng lên đến gần 20 mỏ. Trong đó tập trung chủ yếu ở một số xã của H. Phước Sơn như Phước Hiệp, Phước Thành, Phước Lộc, Phước Đức, Phước Hòa… Chưa kể đến hàng trăm điểm khai thác trái phép khác nằm rải rác ở nhiều huyện miền núi, trong đó nhiều nhất phải kể đến khu vực mỏ vàng Bồng Miêu. Với chừng ấy mỏ vàng, hiện số lượng phu vàng làm việc ở Quảng Nam ước tính lên đến hàng nghìn người. Và để đảm bảo an toàn cũng như quyền lợi cho những phu vàng nơi đây là câu chuyện dài, mà trong đó cần nhất sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng và chính quyền sở tại.
Nhiều hầm mỏ vàng không có cây chống nên nguy cơ mất an toàn rất cao. |
Chưa nói đến chuyện sập hầm, ngạt khí, những năm gần đây, hầu như năm nào ở Quảng Nam cũng xảy ra vài vụ “đào thoát khỏi bãi vàng” của các phu vàng. Còn nhớ cách đây không lâu, hai phu vàng Mông Thị Khất và Lò Thị Xí (15 tuổi, cùng trú xã Bắc Lý, H. Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) băng rừng suốt 6 tiếng để tới CAH Nam Giang (Quảng Nam) “kêu cứu” vì đã bị bóc lột sức lao động tại bãi vàng. Sau khi lấy lời khai, lực lượng CA đã hỗ trợ tiền xe để 2 em này về nhà. Theo lời kể của 2 em, vài tháng trước có một người phụ nữ vào bản rủ rê 2 em vào Nam kiếm việc làm “việc nhẹ lương cao, suốt ngày ở trong mát”. Tin lời, cả hai theo người phụ nữ di chuyển trên nhiều chuyến xe khách vào Quảng Nam, rồi sau đó đến điểm cuối cùng là xã Phước Thành (H. Phước Sơn). Tại đây, các em đã lao động được khoảng hơn 2 tháng tại một bãi vàng. “Bọn em làm việc cả ngày, lúc xuống hầm, lúc đãi vàng trong trại, lại thường xuyên bị đánh đập. Không chịu nổi kiểu lao động khổ sai, chúng em bàn nhau tìm cách trốn thoát. Tranh thủ lúc sơ hở, cắt rừng mà chạy”.
Trong khi đó, Đại tá Nguyễn Giới - Trưởng CAH Phước Sơn cho hay, sau khi sự việc trên xảy ra, qua thông tin trinh sát nắm được, lời khai của 2 em này không có cơ sở. “Hai em này theo cha mẹ vào đây rồi năn nỉ họ cho vào làm. Làm việc ở trong rừng trong núi đúng là nặng nhọc thật, do vậy hai em chán, trốn cha mẹ ra để được về nhà”.
Nơi ở của những phu vàng. |
Hoặc mới đây, lực lượng chức năng đã đưa 11 thanh niên quê Quảng Trị về quê vì những phu vàng này cho rằng mình bị quản thúc, đánh đập và ép làm việc khổ sở. Tuy nhiên, làm việc với lực lượng chức năng, đại diện phía đơn vị sử dụng lao động cho rằng do có sự mâu thuẫn giữa nhóm lao động người Nghệ An với nhóm lao động người Quảng Trị trong bất đồng ngôn ngữ giữa 2 dân tộc nên xảy ra gây gổ, cãi nhau. Theo đó, nhóm người Nghệ An quân số áp đảo hơn nên thường xảy ra hiềm khích, xúc phạm nhóm người Quảng Trị. Không chịu được sự việc trên nên nhóm người Quảng Trị bỏ về.
Bên cạnh đó, câu chuyện các phu vàng chưa đến tuổi lao động nhưng được tuyển dụng vào các mỏ vàng gây nên hậu quả chết người cũng khiến dư luận bức xúc. Mới đây, trưa 24-11-2017, hai em H.V.H. (20 tuổi) và H.V.N. (15 tuổi, cùng trú xã Phước Thành, H. Phước Sơn, Quảng Nam) cùng một số người khai thác vàng tại khu vực thôn 8 (xã Phước Hiệp, H. Phước Sơn) thì bị lở núi. Những người khác kịp thời chạy thoát, riêng H. và N. bị đất đá vùi lấp tử vong tại chỗ. Theo cơ quan chức năng, khu vực lở núi vùi chết 2 phu vàng nói trên nằm trong sự quản lý của Cty TNHH Hữu Minh…
Gian nan đường vào bãi vàng. |
Nói về những vụ việc trên, ông Nguyễn Quảng - Phó Chủ tịch UBND H. Phước Sơn cũng cho rằng, do trong quá trình làm việc, nhiều công nhân thấy không thích ứng với môi trường làm việc ở hầm lò nên muốn trở lại quê để tìm việc khác. “Hằng năm, địa phương và các ngành chức năng thường xuyên phối hợp kiểm tra công tác an toàn lao động ở các hầm mỏ cũng như độ tuổi lao động của các phu vàng. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng chưa phát hiện thấy trường hợp phu vàng nào bị ngược đãi, đánh đập, nếu phát hiện thấy vi phạm chúng tôi sẽ kiến nghị thu hồi giấy phép ngay” - ông Quảng cương quyết.
Đối với việc sử dụng lao động chưa đủ tuổi, cũng theo đại diện lãnh đạo UBND H. Phước Sơn cho rằng: Việc này rất khó kiểm soát. Do địa hình rừng núi đi lại khó khăn nên việc sử dụng lao động phần nhiều không thông qua đăng ký tạm trú là một thực tế. Khi đoàn đi kiểm tra chưa vào tới bãi thì họ đã biết rồi. Lúc đó những lao động chưa đủ tuổi sẽ được đem đi giấu, do vậy rất khó để kiểm soát.
Các phu vàng làm việc dưới hầm. |
Như vậy có thể thấy, câu chuyện về quản lý, kiểm soát lao động trong các mỏ vàng có phép lẫn không phép ở một số huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam trong những năm qua vẫn còn nhiều “khoảng trống”. Thiết nghĩ, để làm được điều đó, ngoài chính quyền sở tại thì cần sự vào cuộc đồng bộ, sự phối hợp của nhiều cơ quan chức năng và bản thân người lao động, có như vậy câu chuyện sử dụng lao động trẻ em, chuyện lao động bị ngược đãi họa may mới kiểm soát được.
Cũng theo Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, hiện không thể thống kê chính xác được có bao nhiêu phu vàng đang làm việc tại các huyện miền núi của Quảng Nam, bởi ngoài những Cty được phép hoạt động thì còn có rất nhiều điểm làm vàng trái phép khác. Tuy nhiên, theo thống kê chưa đầy đủ của Sở này trong vòng 7 năm qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xảy ra hơn 20 vụ ngạt khí, sập hầm vàng trái phép khiến gần 50 người chết. Cụ thể, có đến hơn chục vụ tai nạn làm chết 2 người trở lên. Trong đó, có những vụ tai nạn cực kỳ nghiêm trọng. Chẳng hạn như, vụ sập hầm vàng xảy ra vào ngày 14-6-2011 tại khe Nước Voi (xã Tà Bhing, H. Nam Giang) khiến 6 người chết; vụ ngạt khí tại Ngách Chụm (thôn Bồng Miêu, xã Tam Lãnh, H. Phú Ninh) khiến 3 người chết, sau nhiều ngày mới được phát hiện. Hay vụ tai nạn xảy ra vào giữa tháng 4-2016 khiến 4 phu vàng tử vong do ngạt khí tại thôn Dung (TT Thạnh Mỹ, H. Nam Giang)…
Những thống kê cho thấy sự nghiệt ngã của nghề làm vàng nói chung và cuộc mưu sinh của các phu vàng nói riêng. Qua đó, phần nào cho mọi người cảm nhận được cuộc đời của những phu vàng rất bạc bẽo, không đẹp như trong mơ…
Phóng sự: TRẦN TÂN