Báo Công An Đà Nẵng

Phản biện các dự án ven sông Hàn

Thứ tư, 08/05/2019 09:52

Ngày 7-5, Ủy ban MTTQVN TP Đà Nẵng tổ chức hội nghị phản biện xã hội đối với các dự án bất động sản ven sông Hàn. Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học và đại diện cho các tầng lớp nhân dân nêu ra nhiều ý kiến phản biện trái chiều đối với các dự án, đặc biệt là Marina Complex.

Ông Trần Đình Thiên đồng tình với quan điểm bảo vệ  sông Hàn, nhưng cũng cần phải nhìn nhà đầu tư với tư cách là động lực phát triển.  Ông Bùi Văn Tiếng khẳng định việc người Pháp làm kè ven sông Hàn hoàn toàn khác với việc các dự án làm kè lấn sông hiện nay.  Ông Đặng Việt Dũng khẳng định việc rà soát các dự án ven sông Hàn là cơ hội để Đà Nẵng đánh giá tổng thể sự phát triển đô thị trong thời gian qua.

Chủ đầu tư dự án Marina Complex nói gì?

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Như Loan - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Cty CP Quốc Cường Gia Lai, đại diện Cty TNHH Bến du thuyền Đà Nẵng, chủ đầu tư dự án Marina Complex cho biết: Dự án Marina Complex đã trải qua 2 lần đánh giá tác động môi trường vào năm 2011 và 2017; đã có ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp Trung ương về tác động của dự án đối với dòng chảy sông Hàn.

Các kết quả đánh giá đến thời điểm này đều khẳng định việc thực hiện dự án không ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn và các vấn đề môi trường khác. Cũng theo bà Loan, UBND TP Đà Nẵng và các Sở, ngành liên quan đã triển khai các dự án bên hai bờ sông Hàn nhiều năm qua nhưng các tổ chức chính trị, đoàn thể xã hội đều không có ý kiến phản biện hoặc không tổ chức các Hội nghị phản biện với quy mô như hội nghị ngày hôm nay.

Cũng theo bà Loan, dự án Marina Complex được UBND TP Đà Nẵng điều chỉnh quy hoạch 4 lần, theo hướng giảm mật độ xây dựng, tăng diện tích cây xanh, giao thông và các tiện ích phục vụ công cộng, đất ở kinh doanh từ 7,9ha giảm còn 4,7ha giảm 3,2ha (hơn 40% đất ở kinh doanh của dự án). Tăng cây xanh từ 0,7ha lên 2,4ha, giao thông từ 1,3ha lên 2,7ha, giảm diện tích mặt nước từ 6,3ha còn 1ha.

C.K

Phân khúc lấn sông của dự án Marina Complex có nhiều ý kiến trái chiều trong thời gian qua.

Dự án Marina Complex “không ảnh hưởng dòng chảy”?

Theo ông Phan Đức Hải - Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Đà Nẵng, các dự án khi xây dựng đều phải đúng quy trình tuân thủ các quy định pháp luật, có báo cáo đánh giá tác động môi trường và được phê duyệt 2 lần. Tuy nhiên việc Sở Xây dựng khẳng định dự án Marina Complex không ảnh hưởng đến dòng chảy sông Hàn, đặc biệt trong mùa mưa lũ là chưa thỏa đáng. Sông Hàn là con sông chưa bao giờ ngập lụt, phía cửa sông ban đầu rộng 700m qua quá trình xây dựng đã thu hẹp còn 500m thì không thể nói là không bị tác động. Khi dòng chảy bị thu hẹp thì vào mùa mưa lũ, lượng nước cực lớn đổ xuống từ thượng lưu sẽ gây hiện tượng chảy tràn, xói lở, ngập úng cục bộ 2 bờ sông. “Cần phải giám định lại các báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án ven sông, có nghiên cứu tổng thể trong một lưu vực lớn lồng ghép với những yếu tố cực đoan của biến đổi khí hậu và nước biển dâng để trả lời một cách khách quan về tác động của dòng chảy, thoát lũ của sông Hàn cho người dân được biết”, ông Hải kiến nghị và cho rằng  tốt nhất nên dừng lại để xây dựng một tầm nhìn mới, có thể đạt được qua một đồ án quy hoạch tổng thể  mà trong đó chính quyền cân bằng tốt nhất lợi ích của người dân và nhà đầu tư.

Trong khi đó, GS-TS Nguyễn Thế Hùng - Khoa Xây dựng Thủy lợi - Thủy điện, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho rằng, việc xây dựng dự án bằng cách lấn sông Hàn sẽ ảnh hưởng đến việc thoát lũ. Việc ngăn cản dòng chảy mùa lũ, làm dâng mực nước lũ thượng lưu bến du thuyền này phụ thuộc vào hình dáng, kích cỡ của khu đất lấn sông. Các dự án ven sông cần đảm bảo không cản trở dòng chảy lũ trên sông Hàn cũng như để cho cảng Tiên Sa làm việc lâu dài, không bồi lắng là rất quan trọng. Về ảnh hưởng thoát lũ cũng như bồi lắng cảng Tiên Sa khi xây dựng khu lấn biển ở vịnh Đà Nẵng, ở khu đất nâng cao bên bờ hữu hạ lưu cầu Thuận Phước về định tính là rất lớn, nhưng tiếc là TP Đà Nẵng đã cho xây dựng các công trình này rồi.

Ông Bùi Văn Tiếng – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử TP Đà Nẵng phản đối việc lấy câu chuyện người Pháp trước đây xây kè dọc sông Hàn ra vịnh Đà Nẵng để lý giải bờ kè của dự án Marina Complex. Vì mục đích xây kè của người Pháp là để trị thủy chỉnh lưu chứ không phải là để lấn đất, tăng diện tích quỹ đất. Ông cũng cho rằng người dân phản đối dự án chứ không phản đối nhà đầu tư, vì họ làm theo đúng quy hoạch được phê duyệt. “Nói đi thì phải nói lại là chúng ta cần thông cảm với nhà đầu tư và nhà cầm quyền. Tất nhiên quyết định tiếp tục triển khai dự án sẽ dễ hơn nhiều so với không tiếp tục. Nhưng rõ ràng không nên vì khó mà chọn phương án không xuất phát từ lợi ích của cộng đồng. Chuyện đã rồi giải quyết như thế nào để hạn chế thấp nhất tổn hại, giải quyết lợi ích cộng đồng và phát triển bền vững. Cá nhân tôi cho rằng, chính quyền thành phố nên triển khai dự  án này và các dự án tương tự”, ông Tiếng kiến nghị.

Cùng quan điểm về việc phải cẩn trọng đối với các dự án ven sông Hàn, ông Trần Văn Thiết – Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật TP Đà Nẵng cho rằng, dù ít hay nhiều, việc lấn sông Hàn đều có tác động đến dòng chảy và có ảnh hưởng đến địa chất tại đây. Hậu quả đó, có thể không thấy được ngay nên cần phải xem xét thận trọng để tránh thiệt hại về lâu về dài. “Đây không phải là lần đầu có dự án lấn sông tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Việc lấn sông Đồng Nai hay đồng bằng Sông Cửu Long là những bài học về hậu quả của việc lấn sông vẫn còn đó”, ông Thiết cảnh báo và đề nghị lãnh đạo thành phố điều chỉnh quy hoạch chung, cần nhìn lại những dự án lấn sông, nhà cao tầng, xem xét kỹ được, mất để điều chỉnh không chỉ riêng dự án Marina Complex này mà các dự án khác hai bên bờ sông Hàn.

Nhiều ý kiến phản biện trái chiều đối với các dự án ven sông Hàn được trao đổi tại hội nghị. 

Bảo vệ sông Hàn bằng động lực phát triển

Nhìn nhận dưới góc độ khách quan bằng quan điểm của chuyên gia kinh tế, PGS-TS Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Đà Nẵng đã vượt qua nhiều cái cũ để phát triển được như ngày nay. Để có sự phát triển cần chấp nhận sự đánh đổi, nếu đó là đánh đổi cái nhỏ để được cái lớn hơn. Theo ông Thiên, khi phản biện dự án này không nên dùng thuật ngữ và tình cảm để đánh vào tâm lý xã hội mà phải dựa vào cơ sở khoa học. Mặt khác cần phải minh định khái niệm các chuyên gia, các nhà khoa học chung chung khi đánh giá các tác động của dự án. Vì một chuyên gia của lĩnh vực này đi phản biện về lĩnh vực khác là không hợp lý, “phải rõ ràng chuyên gia là chuyên gia gì, nhà khoa học là nhà khoa học nào? Chứ cứ chung chung như thế này thì rất khó”. Chính vì vậy ông đề nghị cộng đồng cần nhìn các nhà đầu tư với con mắt là động lực của sự phát triển. “Chính quyền Đà Nẵng cần có thái độ xử sự nghiêm túc. Chúng ta đồng tình với quan điểm bảo vệ  sông Hàn, nhưng cũng cần phải nhìn nhà đầu tư với tư cách là động lực phát triển. Còn các ý kiến khác căn cứ vào luận cứ khoa học để chúng ta có kết luận”, ông Trần Đình Thiên nhấn mạnh và kiến nghị phải phân tích khách quan xem lợi ích của dân được gì nếu bây giờ môi trường đầu tư dở đi, người ta không đầu tư vào đây nữa. “Nếu bây giờ phản biện mà kết luận không cho mấy dự án này triển khai thì có ảnh hưởng đến môi trường đầu tư không? Có ảnh hưởng đến lợi ích của người dân, của Đà Nẵng với tư cách thành phố trọng điểm, đầu tàu của miền Trung hay không?”.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Đặng Việt Dũng, các dự án đều có trong quy hoạch chung về phát triển KT-XH TP Đà Nẵng, do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013 và đã được thành phố cập nhật và phù hợp với đồ án quy hoạch phân khu khu vực trung tâm, khu vực phía Đông và bán đảo Sơn Trà. Các dự án này cũng đã hoàn thành các đánh giá tác động môi trường, nghĩa vụ tài chính, các quy hoạch chi tiết và đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Dự án đã được sự thống nhất của các sở, ban, ngành và Bộ NN&PTNT, nhằm đảm bảo an toàn cho các hộ dân ở khu đô thị Mân Quang và Nại Hiên Đông. Trước những kiến nghị của người dân, của các nhà khoa học và dư luận, thành phố đã kịp thời tạm dừng các dự án ven sông Hàn để rà soát nhằm tìm kiếm giải pháp về mặt quy hoạch không gian, nhằm đáp ứng được nguyện vọng của người dân theo đúng tinh thần của Thông của số 331 của Thành ủy Đà Nẵng.

“Thành phố nhất quán quan điểm phát triển bền vững, đảm bảo lợi ích của người dân, doanh nghiệp và chính quyền; có tính toàn diện, khách quan, công khai, công bằng. Trên cơ sở đó sẽ sớm đề xuất phương án điều chỉnh quy hoạch hợp lý, với quan điểm hài hòa lợi ích của người dân và các nhà đầu tư. Đặc biệt là khả năng thực thi theo đúng quy định của pháp luật”, ông Dũng khẳng định.

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nhấn mạnh, chính quyền TP Đà Nẵng sẽ cùng với nhà đầu tư dự án nghiên cứu phương án điều chỉnh quy hoạch phù hợp nhất, nhằm tăng được diện tích không gian công viên cây xanh cảnh quan ven sông, tăng cường khả năng tiếp cận của người dân với sông Hàn. Quan trọng là sẽ giảm tối đa mật độ xây dựng nhà cao tầng của các dự án, tạo không gian thông thoáng tốt nhất có thể đồng thời bổ sung các công trình dịch vụ công cộng, vui chơi giải trí thương mại dịch vụ để đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân và du khách.

Ông Dũng cũng chia sẻ với những khó khăn và rất mong nhận được sự hợp tác của các nhà đầu tư với quyết sách của thành phố. Đây là việc làm cần thiết, phù hợp với thời điểm cũng như mục tiêu mà TP Đà Nẵng đã đặt ra là hướng đến một TP đáng sống. Trong đó, người dân phải được thụ hưởng những gì thuộc về mình một cách chính đáng nhất.

Đánh giá về mục đích của việc rà soát lại các dự án ven sông Hàn, ông Dũng khẳng định: “Đây chính là cơ hội để Đà Nẵng đánh giá tổng thể dự phát triển đô thị trong thời gian qua, kể cả việc nghiên cứu hành lang thoát lũ, để kịp thời điều chỉnh, khắc phục những tồn tại để hướng đến đạt mục tiêu mà Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị đã đặt ra cho TP, là “trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh; trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; và trở thành thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á vào năm 2045”.

CÔNG KHANH