Báo Công An Đà Nẵng

Phan Hoàng Phương - Báo và Thơ

Thứ bảy, 20/06/2020 21:02

(Nhân dịp nhà báo Phan Hoàng Phương ra tập thơ “Giới hạn” ngày 18-6)

Nhà báo, nhà thơ Phan Hoàng Phương

Tôi biết Phan Hoàng Phương năm 1997 khi cùng đồng nghiệp Kim Hoa vào Hội An tìm đề tài viết báo (chị là bạn học cùng Trường ĐH Sư phạm Huế với chị Kim Hoa, sau một khóa). Vẻ đẹp rất… đàn bà với đôi mắt biết cười, biết nói… Đấy là ấn tượng đầu tiên của tôi về chị. 

Khi đã quen biết, tôi phát hiện Phan Hoàng Phương là người đàn bà có cá tính... “nổi loạn ngầm”. Về nghề, chị là nhà báo có lối viết tinh tế, sâu sắc, rất trách nhiệm với tác phẩm của mình và khá khó tính trong chọn đề tài. Sau hơn 10 năm làm phóng viên, chị chuyển sang phụ trách tờ Cuối tuần Báo Đà Nẵng. Từ đó, tôi ít được đọc bài chị...

Tốt nghiệp ngành sư phạm Văn Trường ĐH Sư phạm Huế năm 1988, sau đó được chọn đi học tại Trường Viết Văn Nguyễn Du, nhưng chỉ được vài tháng thì chị bỏ ngang để... lấy chồng. Chồng chị là đạo diễn, nhà nghiên cứu Hồ Trung Tú. Chưa bao giờ chị đưa thơ của mình cho tôi đọc. Vì thế, tôi nào biết năm 28 tuổi (năm 1994) chị từng ra tập thơ “Giữa thời gian”. Lại càng không biết chị chuẩn bị cho ra tập thơ thứ hai với tựa đề “Giới hạn”. Thế nên, lúc biết chị lừng khừng nửa muốn, nửa không muốn đưa thơ đi in, tôi nhắn tin đòi đọc bản thảo để “lỡ đến phút chót chị đổi ý, không muốn xuất bản nữa thì còn biết chị làm thơ thế nào”. Lần khần rồi chị cũng thảy qua mail bản thảo với dòng chữ: “Dị òm. Không ưng ai biết chị thơ thẩn hết”...

Đọc “Giới hạn” của Phan Hoàng Phương, tôi chợt nhận ra những gì mình biết về chị ít quá. Khác với những gì thể hiện ở ngoài đời, trong thơ Phan Hoàng Phương, tôi bắt gặp một tâm hồn mẫn cảm và đa đoan, luôn day dứt, đau đáu trước những phận đời, phận người, nói theo cách của nhà giáo Huỳnh Văn Hoa rằng “thơ Phan Hoàng Phương có những câu thơ day dứt, đau đáu phận người, khác với con người thật ngoài đời, bỡn cợt, tung phá” (Lời giới thiệu) . 

Có những bài thơ trong “Giới hạn”, đọc xong cứ ám ảnh mãi: “Những ngày đi trong mưa gió/ Thèm được nghe những câu thơ cũ/ Đau như trời tuôn mưa/ Buốt như cơn gió xé/ Đẹp như vạt lau bừng sáng tận bìa rừng…”(Đi trong mưa); hay “Mưa/Lại trở về cái cảm giác bất an của thời/thiếu củi khô-nhà dột/ thùng gạo góc nhà nhẹ hẫng/Lại quên được dễ dàng hơn/ Lần cuối cùng/ Chúng ta cúi đầu đi qua nhau/ Nhẹ hơn cả làn khói thuốc…” (Mùa mưa).

Nhà báo, nhà thơ Phan Hoàng Phương với tập thơ “Giới hạn” vừa được xuất bản.

Lại có những bài thơ đọc rồi lòng chợt chùng xuống, chông chênh trước vẻ đẹp đầy kiêu hãnh của một tình yêu đơn độc: “Trên đỉnh núi nhành lay ơn rực đỏ/ Vẻ như sự chia cách này đã được hình dung/ Sự đơn độc này đã được mường tượng/ Nỗi buồn này đã được dự lượng/ Nhưng ý nghĩ lao đi quá nhanh/ Vượt xa sự níu giữ/ Vượt xa mọi ánh mắt/ Tựa con thuyền đổ thác cheo leo/ Vẫn giữ mình không rạn vỡ…”. (Lay ơn đỏ).

Xuyên suốt 45 bài thơ chị trải lòng trong “Giới hạn” dù là về tình yêu, về sự  được- mất, về nỗi đắng cay, chia ly từ biệt hay hoài nhớ..., tôi đều có cảm nhận  đâu đó trong chị nỗi niềm day dứt, đau đáu, khắc khoải kiếm tìm một thứ tình cảm đẹp đẽ đã mất, hoặc chưa bao giờ nắm bắt hay có được.

Không ít bài thơ trong “Giới hạn” khiến người đọc có cảm nhận với Phan Hoàng Phương, sự sống - cái chết, cõi âm- cõi dương luôn hòa quyện, như: “Đêm nay/ Chuyến tàu chở người từ cõi âm về đông nghẹt/ Con không dám ra sân ga đón người/ Không dám nhìn sâu vào di ảnh của người/ Vì lại sợ người tin cậy ... Chuyến tàu lại rời ga/ Con sấp ngửa chạy theo mà không ai hay biết ...” (Rằm tháng bảy)…  Lại có những bài thơ đọc rồi cảm thấy tiêng tiếc, cứ như thể Phan Hòang Phương bỏ ngỏ để người đọc tự điền vào đó theo cách hiểu riêng của mỗi người! Phải chăng đấy là dụng ý, hay bởi đó là sự bất lực giữa cảm xúc với hiện thực cuộc sống, bởi cuộc đời vốn dĩ quá vô thường? Chẳng hiểu sao khi đọc những vần thơ này, tôi nghe lòng nhoi nhói: “... Đơn chiếc dọc triền sông/ Hoa gạo cháy rực trời/Mà người thương không trở lại/ Hoa gạo ơi/Lớp ngửa mặt lên trời/Lớp úp mình trên cỏ/ Như tình yêu vời vợi của chúng mình/ Nhẫn nhịn giữa cao xanh” (Hoa gạo); “Rồi bẵng đi bao nhiêu năm/ Tiếng khóc dựa vào đỉnh núi / Chỉ như thấy cây kia luôn xanh, hoa kia luôn thắm/ Chỉ như thấy ánh trăng dịu dàng mong ngóng/ Mây trắng vờn quanh năm/ Chỉ mình Anh dõi theo / Rồi vẫn nói / Đắng cay không có cặn đâu em (Khóc)...

Nhà giáo Huỳnh Văn Hoa- nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng- có những nhận xét rất “đắc” về tập thơ “Giới hạn” của chị: “... Đọc thơ Phan Hoàng Phương, cứ nghĩ thời gian đã lăn tròn trên những mảnh vỡ cuộc sống, đã đánh cướp đi những cái gì gần gũi, thân thương và trả lại những hối tiếc, những mất mát, có khi sự mất mát là những khung trời cũ, gắn liền với kỷ niệm thời thơ ấu, thời mới lớn, thời mới yêu. Trong lấp lánh những mảnh vỡ đó, ta bắt gặp sự lặng thầm của một trái tim mẫn cảm, tha thiết nhớ, tha thiết tiếc thương. Lại có lúc là sự phủ nhận, trốn chạy chính mình. Những hình ảnh mờ tỏ, khuất chìm của quá khứ và cả hiện tại chưa xa lắm, về phương diện sáng tạo, đó là những thời gian - không gian mang tính nội tâm...”.

So với “Giữa thời gian” ra đời cách đây 26 năm, “Giới hạn” đầy đặn hơn cả về cảm xúc lẫn cách thể hiện, đau đời, day dứt và cũng… “vĩ mô” thế sự hơn. Đây cũng là điều tất yếu. Bởi, trải qua biết bao biến đổi thăng trầm của cuộc sống giúp con người cảm nhận, thấu hiểu sâu sắc hơn về những được - mất, về những bất hạnh, đớn đau cũng như niềm hạnh phúc được sống giữa cuộc đời này. Thời gian càng dày lên càng giúp con người chín chắn, bao dung và vị tha hơn. Và từ “Giữa thời gian” đến “Giới hạn”, tôi vẫn bắt gặp một Phan Hoàng Phương thiết tha yêu, đau đáu yêu – yêu đời, yêu người, yêu như thể chưa từng được yêu.

Có thể nói, “Giới hạn” như là “món quà” chị tự tặng cho mình trước khi “gác kiếm” về hưu (sang năm chị tròn 55 tuổi), cũng để tự dặn lòng rằng, cuộc đời luôn có những giới hạn, chỉ cần mỗi người biết được những giới hạn đó thì sẽ được “sống trong hòa ái”… Và với riêng tôi, thơ cũng như con người Phan Hoàng Phương vậy- luôn là một khối mâu thuẫn thống nhất. Tận sâu thẳm trong tâm hồn người đàn bà đa đoan, đa cảm này là mong ước được bình an- dẫu đó chỉ là sự bình an tương đối!  

PHAN THỦY