Phân luồng học nghề - vì sao khó?
Tính đến thời điểm này, Đà Nẵng chỉ mới vượt qua con số 12% học sinh (HS) THPT không đăng ký học ĐH mà muốn đi học nghề. Với HS sau THCS, con số này khoảng gần 15%. Trong khi đó, ở một số tỉnh phía Bắc và Bắc miền Trung, số HS phân luồng học nghề đã tiệm cận 40%. Điều này đã đặt ra không ít khó khăn cho ngành GD-ĐT và ngành LĐ-TB&XH TP trong công tác phân luồng học nghề đối với HS sau THCS.
Hướng dẫn đào tạo nghề ngắn hạn cho HS Đà Nẵng trên lĩnh vực du lịch, khách sạn buồng phòng. |
Trong nhiều vấn đề được đặt ra tại buổi làm việc dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa với Sở LĐ-TB&XH ngày 12-9, ông Nguyễn Đình Vĩnh - Giám đốc Sở GD-ĐT TP, cho biết: Từ khi Chính phủ có hướng dẫn bàn giao các trường trung cấp (TC), cao đẳng (CĐ) từ Sở GD-ĐT quản lý chuyển về cho Sở LĐ-TB&XH quản lý, 2 Sở đã có sự phối hợp tích cực. Theo đó, việc bàn giao diễn ra nhẹ nhàng, không có vướng mắc, khó khăn như một số tỉnh thành khác. Không chỉ có thế, 2 Sở còn chủ động trong việc kết nối kênh thông tin dữ liệu về HS, đặc biệt là HS lớp 9 không đỗ vào lớp 10 công lập, vào các Trung tâm GDTX và HS lớp 12 không đỗ ĐH, không đỗ tốt nghiệp THPT để Sở LĐ-TB&XH với các hệ thống trường nghề, trường TCCN, trường CĐ tiếp cận trong việc tuyển sinh.
Đối với công tác hướng nghiệp, Sở GD-ĐT cho biết, hiện có hơn 2.000 HS đang theo học tại 3 Trung tâm GDTX, trong đó có hơn 500 em vừa học nghề vừa học văn hóa. Riêng trường CĐ Nghề Đà Nẵng, năm 2018 này tuyển 450 em (không đỗ vào lớp 10 THPT công lập) vào học nghề miễn phí. Theo hướng khống chế tỷ lệ của TP thì có khoảng 80% HS bậc THCS vào lớp 10 các trường THPT công lập, 20% HS sẽ học nghề và các trường đào tạo nghề, các trường tư thục khác. Tuy nhiên, dù đã có nhiều nỗ lực trong công tác truyền thông phân luồng, nhưng đến nay tỷ lệ phân luồng HS sau THCS học nghề ở Đà Nẵng cũng chỉ mới khoảng gần 15%. Và chỉ mới vượt con số 12% HS THPT không đăng ký học lên ĐH, muốn đi học nghề. Trong khi các tỉnh phía Bắc, đặc biệt các tỉnh vùng cao hay các tỉnh Bắc miền Trung, công tác phân luồng, HS không có nguyện vọng học lên ĐH mà đi học nghề đã tiệm cận tỷ lệ 40%.
Theo ông Nguyễn Đình Vĩnh, điều đó cho thấy nhận thức về việc học nghề của phụ huynh học sinh (PHHS) và HS ở các tỉnh phía Bắc cao hơn so với Đà Nẵng. Sở dĩ công tác phân luồng HS sau THCS học nghề ở Đà Nẵng vẫn chưa đạt được như tỷ lệ mong muốn là bởi tâm lý chung của PHHS vẫn muốn cho con được học lên cao hoặc vừa học văn hóa, vừa học nghề. Chính điều này đã khiến công tác định hướng tuyên truyền, phân luồng học nghề ở Đà Nẵng gặp không ít khó khăn. Ông Vĩnh cho biết thêm, mới đây, khi trao đổi với H. Hòa Vang về vấn đề này thì được biết có nhiều em học lực yếu (điểm thi tuyển sinh vào lớp 10 với 3 môn đã nhân hệ số rồi nhưng vẫn dưới 20 điểm) nhưng cha mẹ vẫn cứ muốn cho con phải vừa học chữ, vừa học nghề. "Học lực đã quá yếu thì việc vừa học chữ, vừa học nghề đối với những em HS này là không thể theo nổi. Vì thế, khi trao đổi với H. Hòa Vang, quan điểm của ngành là nên thuần học nghề đối với những HS này", ông Vĩnh chia sẻ.
Từ thực tế còn nhiều khó khăn trong công tác phân luồng học nghề, ông Nguyễn Đình Vĩnh đã nêu lên một kiến nghị đáng suy ngẫm: Thời gian qua, chúng ta chỉ mới chú trọng vinh danh thủ khoa, nhưng lại ít vinh danh tay nghề giỏi, những nghệ nhân để tác động đến nhận thức của toàn xã hội. Vì thế, đề nghị thời gian tới các cấp ngành cần lưu tâm đến vấn đề này, để làm sao xã hội nhận thức sâu sắc hơn giá trị của việc học nghề. Bởi lẽ, ông cha ta từng có câu "nhất nghệ tinh, nhất thăng vinh".
Trong phần kiến nghị của mình, ngành LĐ-TB&XH TP cũng cho rằng, do nhận thức của người dân còn hạn chế đối với việc học nghề, nên trong quá trình triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn. Vì vậy, ngành LĐ-TB&XH kiến nghị cần phải có sự phối hợp không chỉ giữa 2 ngành GD-ĐT và LĐ-TB&XH mà còn của các ngành, các địa phương trong vấn đề nâng cao nhận thức của người dân. Bên cạnh đó, cũng theo ngành LĐ-TB&XH, thành phố cần có chủ trương khuyến khích doanh nghiệp (DN) tham gia giáo dục nghề nghiệp, định kỳ cung cấp nhu cầu nhân lực, tham gia sát hạch tay nghề, đào tạo thực hành, tạo điều kiện cho HS-SV thực tập tại các DN…
Trên cơ sở lắng nghe ý kiến của các sở ban ngành liên quan đến câu chuyện đào tạo ngành, nghề, Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng cho rằng, cần lưu tâm, chú ý đến hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, phải làm sao kết hợp được giữa đơn vị đào tạo với các nhà DN, nhà quản lý, nhà tuyển dụng lao động. Tránh tình trạng trong khi đội ngũ lao động thì dư thừa nhưng lại thiếu lao động đúng ngành nghề mà xã hội đang cần, thiếu lao động cả ở bậc thấp lẫn bậc cao. Cũng theo Phó Chủ tịch TP Đặng Việt Dũng, việc một số trường GD nghề nghiệp có trường tuyển sinh không được, nhưng lại có nhiều ngành muốn vào không được vì "quá tải". Đấy là bất cập. Đồng thời giao cho Sở LĐ-TB&XH xây dựng đề án mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, sớm trình cho UBND TP.
Đánh giá cao kiến nghị cần vinh danh tay nghề giỏi, nghệ nhân giỏi của lãnh đạo ngành GD-ĐT, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho rằng, việc tuyên truyền định hướng nghề nghiệp cho HS, PHHS, để làm sao các em có học lực yếu thay đổi trong nhận thức để học nghề. Điều này sẽ góp phần tránh sự tốn kém, lãng phí cho gia đình và xã hội. Theo đó, việc vinh danh tay nghề, nghệ nhân cần được quan tâm, lưu ý hơn, để có cái nhìn toàn diện hơn đối với vấn đề học tập, học nghề trong xã hội.
P.THỦY