Báo Công An Đà Nẵng

Phận phu vàng ở Bồng Miêu (2)

Thứ ba, 30/05/2017 11:46

* Bài cuối: Bồng Miêu không yên tĩnh

(Cadn.com.vn) - Giữa bãi vàng Bồng Miêu rộng lớn, tôi bắt gặp hình ảnh một cậu bé dáng người nhỏ thó đẩy từng xe rùa đất đá để đổ vào máy xay. Dù cố gắng bắt chuyện, nhưng tôi vẫn không nhận được sự chia sẻ của cậu bé này.

Lực lượng CA tiêu hủy phương tiện và máy móc của các chủ hầm lò khai thác trái phép
ở Bồng Miêu.

Một người đàn ông, có lẽ là quản lý của hầm vàng bảo: “Nó ở tỉnh phía Bắc vào, ở đây có nhiều đứa như nó lắm”. Từ ngày Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu không còn hoạt động, rất nhiều người đã đổ về Tam Lãnh, biến vùng đồi núi thành công trường khai thác vàng trái phép. Ngoài người dân, có rất nhiều “chủ” đầu tư máy móc, thuê nhân công vào Bồng Miêu đào vàng. N. một người làm vàng cho biết, các chủ hầm lò chia các nhóm lao động ra thành nhiều ca làm việc khác nhau. Nhóm này nghỉ thì nhóm khác vào thay thế, cứ như vậy việc khai thác vàng diễn ra cả ngày lẫn đêm. “Khai thác những hầm lộ thiên thì dễ nhưng không có nhiều vàng, nên nhiều nhóm vào các đường hầm, mà muốn khai thác trong hầm phải dùng thuốc nổ”, N. tiết lộ.

Tin rằng núi Bồng Miêu vẫn còn ẩn chứa nhiều vàng, các chủ hầm hối thúc nhân công tỏa ra khắp hướng, chui vào đường hầm để săn tìm. Thế nên những địa danh xa nhất của mỏ vàng Bồng Miêu như Thác Trắng, Suối Tre, Núi Kẽm... lúc nào cũng ầm ào tiếng máy móc. Theo chỉ dẫn của người dân, tôi đã đi bộ gần một giờ đồng hồ để tiếp cận các hầm vàng nằm cao trên núi để hiểu hơn về cuộc sống của phu vàng. Nhưng sự cố gắng của tôi chẳng có kết quả gì, những đường hầm sâu hun hút vẫn nằm đó, nhưng tuyệt nhiên chẳng có ai bên ngoài. “Mấy hôm trước chính quyền vào truy quét, nên họ đưa máy móc vào sâu trong hầm trốn rồi”, một người dân cho tôi biết.

Bồng Miêu bây giờ không yên tĩnh, dù Cty vàng Bồng Miêu đã ngừng hoạt động. Máy móc, tiếng đạp, đập của lực lượng khai thác vàng trái phép diễn ra rầm rộ. Để ngăn chặn tình trạng này, chính quyền địa phương đã tổ chức rất nhiều đợt truy quét, nhưng chẳng thể đẩy đuổi và ngăn chặn được thực trạng đáng lo âu này.  Anh Trịnh Văn Lào- CA viên xã Tam Lãnh kể, những lần truy quét giống như trò chơi trốn tìm. “Địa hình hiểm trở, lực lượng truy quét hạn chế nên khi biết có động là họ đưa phương tiện vào hầm trốn. Họ mở rộng việc khai thác ra khu vực giáp ranh giữa xã Tam Lãnh với các xã Tam Sơn (Núi Thành), Tiên Lập (Tiên Phước) và Trà Kót (Bắc Trà My) nên việc truy quét rất nan giải. Mỗi lần truy quét chúng tôi cũng phá hủy được nhiều máy móc, phương tiện của người khai thác vàng trái phép, nhưng sau đó họ lại tiếp tục hoạt động”, anh Lào kể.



Thành quả sau một ngày lao động của những người dân là số cát, đá chứa quặng vàng này.

Hỏi chuyện về mỏ vàng Bồng Miêu, ông Nguyễn Thế Vinh- Chủ tịch UBND xã Tam Lãnh cũng than thở. Ông Vinh cho rằng hoạt động khai thác vàng trái phép khiến cho xã hết ngân sách. “Mỗi lần truy quét chúng tôi phải huy động nhiều dân quân và CA viên tham gia, anh em làm việc thì phải hỗ trợ kinh phí. Thế nên tổ chức nhiều đợt truy quét thì ngân sách của xã càng khó khăn. Ngoài ra, lực lượng truy quét địa phương không thể vào hầm lò đẩy đuổi vì quá nguy hiểm. Thống kê cho thấy ở  Bồng Miêu có hơn 20km đường hầm”, ông Vinh nói. Theo ông Vinh, việc hoạt động vàng trái phép diễn ra phức tạp như hiện nay là trách nhiệm của Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu. Bởi công ty này được cấp diện tích khai thác 365ha tuy nhiên không có đủ năng lực quản lý, hiện lực lượng bảo vệ của công ty đã rút hết để cho hàng trăm đối tượng vào khai thác trái phép. Để bây giờ, xã Tam Lãnh phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng từ hoạt động của “vàng tặc”.

Các chủ hầm lò dùng hóa chất khai thác vàng khiến môi trường ở xã Tam Lãnh ô nhiễm, kèm theo đó là tình trạng sử dụng ma túy, trộm cướp và tranh giành địa bàn làm cho tình hình ANTT ngày càng phức tạp. Theo thống kê, những năm qua đã xảy ra 150 vụ vi phạm pháp luật tại xã Tam Lãnh liên quan đến người làm vàng trái phép bị xử lý. “Tình trạng khai thác vàng trái phép ở Tam Lãnh diễn ra ồ ạt từ cuối năm 2013, khi Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu tạm ngừng hoạt động và đã sa thải hơn  300 lao động là người địa phương. Mất việc làm, người lao động bị sa thải gia nhập “đội quân” làm vàng trái phép quay lại tiếp tục khai thác tại các hầm vàng nơi họ đã từng làm việc. Nói thật lòng, địa phương rất khó khăn trong việc quản lý. Dù một lần truy quét, chúng tôi đã phá hủy, tịch thu rất nhiều máy móc, phương tiện và xử lý các đối tượng khai thác vàng trái phép nhưng tình trạng này vẫn không thể ngăn chặn dứt điểm. Đề nghị cấp có thẩm quyền yêu cầu Công ty vàng Bồng Miêu đóng cửa mỏ theo quy định của Luật Khoáng sản. Ngoài ra, địa phương cũng đề nghị tỉnh và huyện có giải pháp giúp quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý bảo vệ rừng trên diện tích cấp cho Công ty vàng Bồng Miêu. Nếu không, thật khó để ngăn chặn triệt để nạn khai thác vàng trái phép ở Bồng Miêu”, ông Vinh nói.

Hoàng Anh