Báo Công An Đà Nẵng

Phận phu vàng ở Bồng Miêu

Thứ hai, 29/05/2017 12:29

Bài 1: Phận phu vàng

(Cadn.com.vn) - Từ khi Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, H.  Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam) ngừng hoạt động thì nơi đây trở thành nơi mưu sinh của hàng trăm người. Những nông dân, công nhân thất nghiệp trở thành phu vàng, lầm lũi bòn mót những gì mà công ty vàng Bồng Miêu bỏ lại, để mong tìm kiếm vận may.

Bồng Miêu tan hoang vì nạn đào đãi vàng trái phép.

Cái nắng nóng của những ngày tháng 5 như đổ lửa lên những triền núi Bồng Miêu nhưng điều đó không ngăn được hàng trăm người hối hả tìm kiếm vàng. Đàn ông, phụ nữ  và có cả những thiếu niên mới lớn cố gắng khoét sâu vào lòng núi, đào bới các khu đất để tìm vận may. Che một tấm bạt nhỏ, vợ chồng ông Trần Văn Lợi (thôn 10, xã Tam Lãnh) hì hục đập nhỏ những khối đá lớn để kiếm quặng vàng. Khi tôi đến bắt chuyện, nghĩ rằng chính quyền địa phương đi điều tra gì đó nên ông Lợi nói trống không: “Khổ quá, dân chúng tôi làm kiếm cơm chú ơi”. Sự ngờ vực của vợ chồng ông Lợi cũng dễ hiểu, khi mà thời gian qua, chính quyền thực hiện rất nhiều đợt truy quét “vàng tặc” trên chính địa bàn này. Sau một lúc giải thích, ông Lợi mới bắt đầu kể với tôi về những khốn khó của người dân khi sống trên “cánh đồng” vàng Bồng Miêu.

Ông Lợi bảo, công việc ông làm tốt nhất là đãi vàng, bởi nghề này được truyền lại từ những thế hệ trước. “Trước đây Bồng Miêu nhiều vàng lắm, chỉ cần đãi ở ven suối cũng có vàng”, ông Lợi nhớ lại. Đúng thế thật. Cách đây hơn 1.000 năm trước, người Chăm đã khai thác vàng ở Bồng Miêu để chế tác thành đồ trang sức, đúc các pho tượng thần hay trang trí các công trình kiến trúc, đền tháp... Dấu tích về việc người Chăm khai thác vàng đến tận ngày nay vẫn còn lưu lại trên đỉnh núi Kẽm, ngọn núi cao nhất ở khu vực Bồng Miêu. Khi vương triều Chămpa sụp đổ, những cư dân người Việt lại tiếp quản, khai thác thứ kim loại quý hiếm này. Rồi khi người Pháp đánh chiếm Việt Nam, biết được trữ lượng vàng lớn ở vùng xứ Quảng, họ đã đầu tư lớn để tận thu. Người dân Quảng Nam bây giờ vẫn hay đọc câu ca dao “Từ khi Tây lại cửa Hàn/Đào sông Câu Nhí, bòn vàng Bồng Miêu” là vì thế. Từ năm 1890-1895, người Pháp mở đường Tam Kỳ- Bồng Miêu, đồng thời thành lập hẳn một công ty chuyên khai thác vàng với tên gọi Công ty vàng Bồng Miêu. Họ cũng đưa công nghệ tiên tiến thời bấy giờ vào đào vàng, mở hệ thống hầm lò gồm 40 cửa của 10 tầng hầm lò khác nhau trong lòng núi, dài gần 60 km, kéo sang tận Trà Bồng (Quảng Ngãi) và xây dựng những khu nhà kiên cố để tuyển vàng. Và họ đã bòn rút tổng cộng 3,5 tấn vàng, mang về “mẫu quốc”.

 Ông Trần Văn Lợi khoe viên đá có chứa quặng vàng mà ông tìm được.

Sau ngày đất nước thống nhất, những người dân Bồng Miêu vẫn tiếp tục đãi vàng. Nhớ lại giai đoạn này, ông Lợi kể: “Tôi tham gia đội thợ mỏ khai thác vàng trong hợp tác xã, thu nhập lúc đó cũng khá lắm. Nhưng từ khi các công ty vàng lên đây khai thác, nhất là công ty vàng Bồng Miêu thì vàng hiếm dần.  Bây giờ vợ chồng tôi chỉ mót sái lại thôi, vất vả cả ngày kiếm được hai ba trăm nghìn”. Nói đoạn, ông Lợi lại vung cao chiếc búa nặng đập vỡ tảng đá, còn vợ ông, bà Nguyễn Thị Thủy Chung thì nhặt nhạnh, phân loại từng viên đá nhỏ có chứa quặng vàng. Thở một hơi dài, bà Chung than: “Mỗi ngày vợ chồng tôi làm được 2 bao quặng, gặp may thì có vài đồng, còn không thì mất công. Vợ chồng tôi già rồi, sung sướng chi mà làm nghề ni, nhưng không có việc làm, mà cần tiền lo cho hai đứa con đi học nên  mới gắng sức như ri. Ai nói sống trên núi vàng sướng chứ tôi thấy vẫn nghèo”.

Chẳng riêng gì vợ chồng ông Lợi, nhiều người dân khác ở xã Tam Lãnh cũng tập trung về Bồng Miêu, bởi đây là nơi giúp họ mưu sinh. Đứng chênh vênh trên sườn núi, ông Lê Văn Tích (thôn 8, xã Tam Lãnh) dùng hết sức bới đất đá. “Nguy hiểm quá chú ơi”, tôi thốt lên khi thấy những tảng đá to ở phía trên, chực chờ đổ ập xuống người ông Tích và các cộng sự bất cứ lúc nào. “Chuyện bình thường thôi con”, ông Tích thản nhiên. Mà cũng đúng thôi, với người có gần 30 năm làm nghề đào vàng ở Bồng Miêu thì chuyện bị đá đè hay rơi trúng người chẳng là gì đối với ông Tích. Cách đây vài năm, trong lần chui vào hầm đào vàng, một tảng đá to đã rơi xuống trúng người ông Tích. Vụ tai nạn khiến ông Tích gãy 1 đốt xương sống, mất bao nhiêu tiền chạy chữa ông mới đi lại như bình thường. “Sau khi được chữa khỏi thì tôi lại tiếp tục đi làm vàng, nhưng lần này không chui hầm nữa mà làm phía bên ngoài. Chứ không làm biết lấy chi ăn. Làm phu vàng nó thế, chết lúc nào không hay. Ở mỏ vàng Bồng Miêu này xảy ra nhiều trường hợp tử vong vì sập hầm, làng tôi cũng có vài người bỏ mạng rồi”, ông Tích kể.  Mới đây thôi vào ngày 4-4, vợ chồng ông Nguyễn Đức Trọng (60 tuổi) và bà Phạm Thị Dưỡng (59 tuổi, trú Quảng Trị) đang khai thác vàng tại một hầm vàng trái phép tại khu vực đồi Sim (xã Tam Lãnh) thì bất ngờ hầm vàng đổ sập. Bà Dưỡng may mắn thoát chết, riêng ông Trọng bị mắc kẹt trong hầm. Dù cơ quan chức năng đã tổ chức lực lượng ứng cứu, đưa ông Trọng đến cơ sở y tế nhưng do bị thương nặng, ông Trọng đã tử vong.

 Các phu vàng tìm kiếm vận may ở Bồng Miêu.

Thống kê của chính quyền xã Tam Lãnh, từ năm 2005 đến nay đã có 24 người chết và 5 người bị thương ở mỏ vàng Bồng Miêu. Tuy nhiên những cái chết đau đớn như vậy vẫn không ngăn được các phu vàng, họ xem đó như một phần của nghề, chấp nhận nguy hiểm để mưu sinh. Ông Lê Văn Phương (thôn Long Sơn, xã Tam Đại) năm nay đã hơn 60 tuổi, nhưng vẫn đến mỏ vàng Bồng Miêu để làm công cho một chủ hầm. Ông Phương kể, một ngày làm việc bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 5 giờ chiều, mỗi ngày như vậy ông được trả 150 nghìn đồng. “Chủ lo ăn uống, nên mỗi tháng tôi cũng có hơn 4 triệu đồng gởi về nhà cho con ăn học. Chừ phải bám ở đây mà sống chứ biết sao”, ông Phương trầm tư.

Không chỉ người dân địa phương mà hàng trăm người ở các nơi khác cũng đến bám vào mỏ vàng Bồng Miêu, họ làm thuê cho các chủ hầm, bán sức lao động, bất chấp hiểm nguy để kiếm sống. Thế nên, dù đã cấm khai thác nhưng bây giờ mỏ vàng Bồng Miêu ngày đêm vẫn náo nhiệt âm thanh đào vàng.

 (còn nữa)

Hoàng Anh