Báo Công An Đà Nẵng

Pháp chấn động sau vụ khủng bố trên đại lộ Champs-Elysees

Thứ bảy, 22/04/2017 11:26

(Cadn.com.vn) - Tại một đất nước đang bị chia rẽ bởi cuộc bầu cử tổng thống mang nặng chủ nghĩa dân tộc, vụ tấn công trên Đại lộ Champs-Elysees ở  thủ đô Paris của Pháp càng làm nổi bật ván cờ chính trị vốn gây tranh cãi và không thể đoán định này.

Một kẻ tấn công bắn chết một cảnh sát và khiến 2 người khác bị thương trên đại lộ Champs-Elysees ở thủ đô Paris của Pháp vào tối 20-4 (sáng 21-4, giờ Việt Nam), trong cuộc tấn công mà nhóm Hồi giáo cực đoan IS tuyên bố nhận trách nhiệm gây ra.

Đại lộ Champs-Elysees bị phong tỏa và giới chức địa phương yêu cầu người dân tránh xa khu vực này. Nhiều xe cảnh sát được điều đến hiện trường. Ngay sau đó tiếp tục xảy ra một vụ nổ súng trên đại lộ này, gần địa điểm xảy ra vụ việc trước đó. Tổng thống Pháp Francois Hollande triệu tập cuộc họp quốc phòng vào sáng 21-4 để bàn về vấn đề nóng này sau khi đã họp khẩn với Thủ tướng Bernard Cazeneuve và Bộ trưởng Nội vụ Matthias Fekl.

Cảnh sát phong tỏa đại lộ Champs Elysees. Ảnh: AFP

Lực lượng an ninh kiểm tra quanh hiện trường vụ tấn công. Ảnh: AP

Nhắm vào lực lượng cảnh sát

AFP dẫn nguồn tin cảnh sát cho biết, ít nhất 2 kẻ tấn công liên quan vụ việc này. IS nhận trách nhiệm đứng sau vụ tấn công.

Hãng tin Amaq của IS cho biết, kẻ tấn công là một trong những chiến binh của nhóm khủng bố. Đối tượng này được xác định là một công dân Pháp, 39 tuổi, từng bị cảnh sát chống khủng bố theo dõi. Tên này từng bị kết án 15 năm tù vào tháng 2-2015 với 3 tội danh âm mưu giết người, trong đó có vụ nhằm vào các cảnh sát. Cảnh sát mở các cuộc đột kích tại địa chỉ của y ở vùng ngoại ô phía đông thủ đô Paris.

Trong một tuyên bố, Bộ Nội vụ Pháp cho rằng, những kẻ tấn công cố tình nhắm mục tiêu vào lực lượng cảnh sát. Theo bộ này, nghi phạm khủng bố mà Pháp đang truy lùng sau vụ nổ súng trên đại lộ Champs-Elysee đã tự ra trình diện cảnh sát Bỉ. Người phát ngôn Bộ Nội vụ Pháp Pierre-Henry Brandet cho biết, đối tượng bị giới chức Bỉ truy nã tự trình diện tại một đồn cảnh sát ở Antwerp. Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon cho biết, đối tượng này là một công dân Pháp.

Ngoài ra, phát biểu với Đài Europe 1, người phát ngôn Brandet cho biết, Pháp được các cơ quan an ninh Bỉ cảnh báo về một nghi phạm mới nhưng hiện chưa rõ đối tượng này có liên quan đến vụ nổ súng trên hay không.

Làm chệch hướng bầu cử tổng thống?

Tại đất nước đang bị chia rẽ do cuộc bầu cử tổng thống, vụ tấn công ở Champs-Elysees càng làm nổi bật bài toàn chính trị vốn gây tranh cãi và khó đoán định này. Giới phân tích cho rằng, với số lượng lớn cử tri vẫn còn do dự, vụ tấn công trên càng khiến họ nghiêng về cánh hữu bởi chính nó cho thấy lỗ hổng an ninh của Pháp đối với các hoạt động của những kẻ Hồi giáo cực đoan.

Vụ khủng bố bất ngờ đẩy mạnh chương trình nghị sự quốc gia, có khả năng khiến kết quả của cuộc bỏ phiếu đầu tiên diễn ra vào ngày 23-4 tới thậm chí càng khó đoán định hơn. Vụ việc này có thể trở thành cái cớ để phe cực hữu của ứng viên Marine Le Pen vươn lên. Với quan điểm cứng rắn về an ninh và nhập cư, bà Le Pen và ông Francois Fillon có thể sẽ nhận được những lá phiếu quan trọng của những cử tri còn do dự. Bà Le Pen đã đưa vấn đề nhập cư và an ninh trở thành một phần cốt lõi trong suốt chiến dịch tranh cử của mình. Bà nhiều lần chỉ trích, bày tỏ lo ngại về mối đe dọa an ninh do người nhập cư gây ra. Khi tin về việc vụ bắn súng được truyền đi khắp thế giới, bà Le Pen tham gia vào cuộc tranh luận truyền hình trực tiếp với 10 ứng viên khác. Bà ngay lập tức phản ứng với vụ tấn công bằng lời chỉ trích tình hình an ninh không thể bảo vệ người dân Pháp.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại nhấn mạnh, những vụ việc diễn ra ngay trước thềm bầu cử, chẳng hạn như vụ tấn công vào tháng 11-2015 tại Paris trước cuộc bầu cử khu vực và vụ bắn súng tại một trường học Do Thái trước thềm bầu cử tổng thống năm 2012, dường như không thay đổi quá trình bầu cử. Vụ tấn công bằng dao nhằm vào một binh sĩ tại viện bảo tàng Louvre ở Paris hồi tháng 2 cũng không có tác động rõ ràng đối với các cuộc thăm dò ý kiến về cuộc bầu cử tổng thống năm nay, bởi cử tri vẫn cho rằng, thất nghiệp và sự trung thành của các chính trị gia là vấn đề quan trọng hơn.

Huy động toàn bộ lực lượng an ninh cho bầu cử tổng thống

Sau vụ tấn công 3 ứng viên - Le Pen, Francois Fillon và Emmanuel Macron - tuyên bố ngừng các chiến dịch tranh cử. Ông Fillon tuyên bố muốn thể hiện “sự đoàn kết” với cảnh sát, lực lượng được cho là mục tiêu chính trong vụ tấn công. Ông Macron cũng khẳng định hủy bỏ các cuộc mít-tinh ở Rouen và Arras để giải phóng lực lượng an ninh, những người cần được huy động “để đảm bảo sự an toàn của công dân chúng ta”.

Ngày 21-4, Thủ tướng Bernard Cazeneuve tuyên bố huy động toàn bộ lực lượng an ninh, bao gồm cả các đơn vị tinh nhuệ, để đảm bảo an toàn cho các công dân nước này trong thời gian diễn ra bầu cử tổng thống Pháp sắp tới. Phát biểu tại buổi họp khẩn với các quan chức an ninh hàng đầu, ông Cazeneuve khẳng định tất cả lực lượng tinh nhuệ đã được đặt trong tình trạng cảnh giác cao cho cuộc bầu cử sắp tới. Các đơn vị tinh nhuệ này sẽ hỗ trợ 50.000 cảnh sát để bảo đảm công tác an ninh cho cuộc bầu cử.

Theo kế hoạch, vòng 1 bầu cử Tổng thống Pháp diễn ra vào ngày 23-4 tới và vòng 2 diễn ra vào ngày 7-5.

Khả Anh

Pháp trên thực tế vẫn đang trong tình trạng khẩn cấp và ở mức cảnh báo khủng bố cao nhất, với những cuộc tấn công do những kẻ Hồi giáo cực đoan gây ra khiến hơn 230 người thiệt mạng trong những năm gần đây. Đó là những vụ tấn công kinh hoàng kể từ sau vụ khủng bố tòa soạn Charlie Hebdo vào tháng 1-2015.

7-1-2015: Hai người đàn ông được trang bị súng trường Kalashnikov tấn công văn phòng tạp chí châm biếm Charlie Hebdo ở thủ đô Paris khiến 12 người thiệt mạng. 1 ngày sau đó, một nữ cảnh sát bị giết ở ngoại ô Paris trong khi một tay súng bắt các con tin ở một siêu thị người Do Thái, trong đó có 4 người bị giết. Những kẻ tấn công sau đó bị tiêu diệt. Bọn chúng tuyên bố trung thành với Al-Qaeda và nhóm IS.

3-2-2015: Một người đàn ông cầm dao tấn công 3 binh sĩ bảo vệ trung tâm cộng đồng người Do Thái thuộc khu vực French Riviera ở Nice. Kẻ tấn công Moussa Coulibaly, bị bắt. Trong quá trình giam giữ, y tỏ rõ sự thù hận đối với nước Pháp, cảnh sát, quân đội và người Do Thái.

19-4-2015: Sid Ahmed Ghlam, một sinh viên người Algeria, bị bắt vì tội giết chết một phụ nữ và lên kế hoạch tấn công nhà thờ ở ngoại ô Villejuif ở Paris. Các công tố viên cho biết đã tìm thấy các tài liệu về Al-Qaeda và IS ở nhà của y và rằng y đã liên lạc với một kẻ Hồi giáo cực đoan tại Syria để tấn công nhà thờ này.

7-1-2016: Một người đàn cầm dao và mang biểu tượng IS bị bắn chết khi tấn công đồn cảnh sát ở Paris.

13-6-2016: Larossi Abballa, 25 tuổi, giết chết cảnh sát Jean-Baptiste Salvaing, 42 tuổi, và người bạn đời, Jessica Schneider, 36 tuổi tại nhà của họ ở Magnanville, phía tây Paris. Abballa bị một đội SWAT tiêu diệt. Trước đó, y đã nói về những vụ giết người trên các phương tiện truyền thông xã hội, khẳng định nhân danh cho nhóm IS.

14-7-2016: Một kẻ lao xe tải vào đám đông đang xem pháo hoa ở Nice khiến 84 người chết và hơn 330 người  bị thương. Kẻ tấn công Mohamed Lahouaiej Bouhlel, 31 tuổi, bị các lực lượng an ninh bắn chết. IS nhận trách nhiệm đứng sau vụ này.

3-2-2017: Một người đàn ông cầm dao tấn công 4 binh sĩ tuần tra tại Bảo tàng Louvre của Paris, hét lên “Thánh Allah vĩ đại”. Kẻ tấn công và một người Ai Cập 29 tuổi, bị thương nặng.

18-3-2017: Một người đàn ông 39 tuổi bị giết tại sân bay Paris Orly sau khi tấn công một binh sĩ. Kẻ tấn công cũng hét lên: “Tôi đã sẵn sàng chết vì Allah”.

19-4-2017: Cảnh sát bắt giữ 2 người Pháp ở độ tuổi 20 tại Marseille vì nghi ngờ lên kế hoạch tấn công khủng bố.

T.V