Pháp gồng mình chống IS
(Cadn.com.vn) - Quyết định triển khai tàu sân bay Charles de Gaulle đến Vùng Vịnh của chính quyền Paris nhằm mục đích “cảnh cáo mạnh mẽ” đến nhóm thánh chiến Hồi giáo IS.
Pháp ngày 23-2 tuyên bố đã triển khai tàu sân bay Charles de Gaulle đến vùng Vịnh như một phần trong chiến dịch quân sự do Mỹ cầm đầu nhằm tiêu diệt tận gốc nhóm IS.
Tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp có mặt tại Vùng Vịnh. Ảnh: AFP |
VAI TRÒ CỦA TÀU SÂN BAY CHARLES DE GAULLE
AFP dẫn lời một thành viên của phái đoàn Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết, tàu sân bay Charles De Gaulle bắt đầu hoạt động tại Vùng Vịnh từ ngày 23-2. “Tàu sân bay Charles de Gaulle sẽ bắt đầu tham gia tác chiến... (ở Iraq), bắt đầu từ sáng 23-2”, một thành viên thuộc Bộ Quốc phòng Pháp xác nhận. Cũng trong sáng 23-2, máy bay tiêm kích Rafale đầu tiên đã cất cánh từ tàu sân bay Charles de Gaulle khi tàu cách bờ biển bắc Bahrain khoảng 200km về hướng Iraq.
Pháp triển khai tàu chiến này, vốn chở theo 12 chiến đấu cơ Rafale và 9 chiếc Super Etendard, nhằm ủng hộ cho liên minh chống IS do Mỹ dẫn đầu vốn bắt đầu từ tháng 9-2014. Khi có tàu sân bay Charles de Gaulle, liên minh các nước sẽ cắt giảm một nửa thời gian cho các máy bay từ căn cứ ở Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đến Iraq để không kích chống IS. Ngoài ra, với tàu sân bay này, Paris sẽ tăng cường đáng kể sức mạnh không quân tại vùng Vịnh.
Tàu Charles de Gaulle rời căn cứ ở Toulon từ ngày 13-1 cho một nhiệm vụ 5 tháng, bao gồm một vài tuần ở vùng Vịnh làm việc cùng với tàu sân bay USS Carl Vinson như một phần của liên minh chống IS ở Syria và Iraq. Tàu sân bay Pháp sau đó đến Ấn Độ, nơi nó sẽ tham gia các cuộc diễn tập vào giữa tháng 4 tới. Pháp có 9 máy bay Rafales ở UAE và 6 máy bay chiến đấu Mirage tại Jordan cùng với đội tuần tra hàng hải và một máy bay tiếp nhiên liệu.
Các máy bay chiến đấu Pháp tiến hành khoảng 100 chuyến bay do thám và không kích các mục tiêu IS ở Iraq kể từ tháng 9-2014 nhằm ủng hộ lực lượng người Kurd. Pháp, cùng với Australia, một trong những quốc gia đóng góp nhiều nhất trong số 32 thành viên liên minh, thực hiện phần lớn các cuộc tấn công. Tính đến nay, liên minh này thực hiện hơn 2.000 cuộc không kích từ tháng 8-2014 với Pháp và các quốc gia phương Tây khác. Washington tuyên bố muốn quân đội Iraq mở cuộc tấn công giành lại thành phố chiến lược Mosul vào tháng 4 tới.
CHIẾN DỊCH MỚI
Rất khó để có con số thống kê chính xác về số lượng những người Châu Âu đến Iraq và Syria - và các nhóm thánh chiến mà họ tham gia. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích chống khủng bố, hơn 3.000 người đi du lịch đến hai quốc gia Trung Đông này song chỉ có 500 người trở lại.
Ở Pháp, các quan chức nói rằng, số người tham gia thánh chiến ngày càng gia tăng chóng mặt khi việc tuyển dụng của các nhóm cực đoan ở đây rất thành công. Thủ tướng Manuel Valls cho biết, hơn 400 công dân nước này được cho là đang chiến đấu ở Syria hay Iraq. Hơn 1.000 người được cho là có liên quan đến các nhóm. Chính phủ Tổng thống Francois Holland bắt đầu chống IS bằng chiến dịch truyền thông trực tuyến đầu tiên mang tên “Stop Jihadism” (Hãy dừng cực đoan) từ ngày 5-2.
Động thái này cho thấy, Paris đang nỗ lực hết mình chống lại việc tuyển dụng ở Pháp từ IS và các nhóm thánh chiến khác, từ đó tiêu diệt tận gốc mầm mống tai họa.
Khả Anh