Báo Công An Đà Nẵng

Phập phồng lo sợ nước biển xâm thực

Thứ bảy, 20/02/2016 13:33

(Cadn.com.vn) - Gần 3 năm nay, các hộ dân thuộc tổ 4 P.Hòa Hiệp Bắc (Liên Chiểu, Đà Nẵng) luôn sống trong tâm trạng phập phồng lo sợ bởi bị nước biển xâm thực. Gần đây nhất, 2 đợt triều cường trước và sau Tết Nguyên đán Bính Thân 2016, sóng biển dâng đập tràn vào tận sân nhà của nhiều hộ dân nơi đây khiến họ càng đứng ngồi không yên...

Theo chân ông Nguyễn Như Nghĩa- tổ trưởng tổ 4 P. Hòa Hiệp Bắc, tôi có mặt tại khu vực bị nước biển xâm thực, phát hiện nước biển đã ăn sâu vào đất liền, cách nhà dân chưa đầy 6 mét. Những hàng cây bạch đàn, keo lá tràm trong vườn nhiều hộ dân bị nước biển “tấn công” trơ tận gốc; có cây héo rũ do bị nhiễm mặn. Đưa tay chỉ về phía những ụ đất sạt lở trước mặt nhà dân, ông Nghĩa âu lo cho biết: “Đợt triều cường trước và sau tết, nhiều nhà dân ở khu này bị sóng biển dâng đập tràn vào tận hiên nhà. Tết năm nay, họ ăn tết với tâm trạng phập phồng, lo sợ. Tôi đã báo cáo tình hình này cho chính quyền địa phương. Sáng 17-2, lãnh đạo phường đã cử cán bộ xuống đây kiểm tra để báo cáo lên cấp trên...”.

Vừa trông thấy ông Nghĩa, 7 hộ dân ở tổ 4 bị nước biển xâm thực nhiều nhất xúm lại than: “Chính quyền địa phương nói sao rồi? Ở thế này lo lắm!”. Giơ tay chỉ vào khoảng sân trước nhà, bà Lê Thị Hải cho biết thêm: “Cách đây vài ngày có đợt triều cường sóng to dâng đập tràn vào hiên nhà tôi. Mới triều cường thôi mà đã thế rồi, không biết khi bão vào sẽ ra sao? Hồi bão Xangsane đổ bộ vào Đà Nẵng, khu vực này, nước biển cũng không vào tới. Chẳng hiểu sao, từ dạo người ta xây dựng đoạn bờ kè ở kho xăng dầu quân đội phía trên kia, khu vực chúng tôi ở bị nước biển xâm thực nặng nề. Rừng dương rộng chừng 12 hàng do Nhà nước và dân trồng đã bị nước biển xâm thực, “gặm” mất tiêu. Cũng may hai năm ni không có bão, chứ mà có thì…đi tong hết khu vực này rồi”. Một thanh niên sống cạnh nhà bà Hải thêm lời: “Cơn bão Nagi năm 2013, nước biển tràn ngập đường bê tông. Cứ đà ni mà không có phương án xây dựng đoạn bờ kè chỗ này thì vài ba năm nữa, nước biển “bứng” hết nhà dân”…Theo phản ánh của người dân ở tổ 4, trước đây, bãi biển nằm dưới chân đèo Hải Vân là một bãi biển rộng và đẹp. Từ mép biển vào đến nhà dân phải đi qua một rừng dương và một bãi tắm rộng. Vào mùa hè, người dân trong khu vực thường tập trung xuống đây để tắm biển và đá bóng, đánh cầu lông rất đông. Từ dạo kho xăng quân đội làm bờ kè khiến dòng chảy bị thay đổi, lại thêm tác động của biến đổi khí hậu, bãi biển và rừng dương tại khu vực này bị nước biển xâm thực “giải tỏa”, “bứng” đi mất tiêu! Không những thế, con đường dân sinh làm bằng bê tông nằm song song với bãi biển cũng bị...nước biển “gặm” mất luôn...



Người dân tổ 4 âu lo trước sự xâm thực của nước biển ngày một sâu vào nhà dân. Ảnh: P.T

Được biết, hầu hết người dân nơi đây đều sống bằng nghề làm biển và trồng hoa màu. Trước đây, khu vực này còn là bãi đáp ghe thuyền, thúng của ngư dân đi biển khu vực Nam Ô, Xuân Thiều P.Hòa Hiệp Nam sang neo đậu tránh bão. Tuy nhiên, gần 3 năm nay, thực trạng nước biển xâm thực ngày càng sâu vào đất liền, hút đất, hút cát khiến bãi đáp dành cho âu thuyền tại khu vực này không còn nữa. Không chỉ thế, việc canh tác, trồng hoa màu tăng thêm thu nhập của các hộ dân tại đây bị ảnh hưởng nặng nề do nước bị nhiễm mặn...Hiện, nước biển đã xâm thực, “tấn công” sang khu dân cư tổ 5, khiến toàn bộ khu dân cư nằm dọc vành đai ven biển của P.Hòa Hiệp Bắc đang sống trong tâm trạng phập phồng, lo sợ. Cũng theo phản ánh các hộ dân tổ 4, chính quyền địa phương đã kiến nghị vấn đề này lên cấp trên. Sau đó, có nhiều đoàn xuống kiểm tra, đo đạc. Nghe phong thanh sẽ xây dựng bờ kè tại đây nhưng đã gần 3 năm trôi qua vẫn chẳng thấy đâu. Tâm sự với tôi, ông Nguyễn Như Nghĩa mong muốn: “Điều mà bà con nơi đây mong muốn là sớm được Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng bờ kè để chắn sóng, chắn nước biển xâm thực. Chứ sống mà cứ phập phồng, lo sợ bị nước biển tấn công hồi nào không hay khiến chẳng còn ai có tâm trí để lo làm ăn...”.

Ông Bùi Nguyễn Hồng Hải- Phó Chủ tịch UBND P.Hòa Hiệp Bắc- cho biết, phường đã nhiều lần kiến nghị vấn đề này lên cấp trên và cũng nghe đã có chủ trương xây dựng bờ kè. Tuy nhiên, khi nào tiến hành xây dựng thì phường chưa biết. “Nếu để tình trạng này kéo dài lâu, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân nơi đây!”-ông Hải lo lắng. Qua trao đổi với lãnh đạo Q.Liên Chiểu, được biết, TP Đà Nẵng đã hoàn thành các thủ tục xin Trung ương cấp vốn đầu tư trung hạn để tiến hành xây dựng bờ kè tại khu vực này. Chính quyền Q.Liên Chiểu nói chung, chính quyền và người dân nằm dọc tuyến ven biển thuộc P. Hòa Hiệp Bắc rất mong các cấp có thẩm quyền quan tâm, sớm cấp vốn để triển khai xây dựng bờ kè nhằm giúp người dân khu vực này ổn định tinh thần để yên tâm làm ăn, sinh sống…

P.Thủy