Báo Công An Đà Nẵng

Phập phồng nỗi lo mất an toàn thực phẩm

Thứ tư, 04/02/2015 10:51

(Cadn.com.vn) - Việc đánh bắt, lưu thông, mua bán, chế biến và tiêu hủy cá nóc vẫn còn diễn ra lén lút; cần thiết phải tham gia quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) trong các căng tin, bếp ăn tập thể ở trường tiểu học; kết quả triển khai xây dựng tuyến phố điểm tâm đạt ATTP; ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố và cá nóc vẫn còn xuất hiện trên địa bàn thành phố..., là những nội dung chính được đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác quản lý nhà nước về ATTP năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 do Ban Chỉ đạo liên ngành về VSATTP TP Đà Nẵng (BCĐ) tổ chức chiều 3-2.

Sở NN&PTNT thành phố phối hợp với Bộ đội Biên phòng kiểm tra, tịch thu số cá nóc của ngư dân. 

Ngộ độc cá nóc vẫn còn xuất hiện

Theo Sở NN&PTNT thành phố, Đà Nẵng có nguồn tài nguyên biển nằm trong ngư trường trọng điểm của miền Trung, với trữ lượng lớn và đa dạng về thành phần loại hải sản, trong đó có một số loại hải sản mang nhiều độc tố gây  ngộ độc và cá nóc biển là một trong những loại đó. Độc tố của cá nóc chủ yếu là Tetrodotoxin, đây là loại độc tố cực kỳ nguy hiểm, chỉ cần ăn 20 gram thịt cá nóc có độc tố thì có thể tử vong ngay nếu không cấp cứu kịp thời, vì vậy tỷ lệ tử vong trong các vụ ngộ độc do ăn cá nóc rất cao...

Tính từ năm 2012 đến nay, các đoàn kiểm tra của Sở NN&PTNT đã tịch thu và tiêu hủy gần 3.000 kg cá nóc và xử phạt bằng tiền trên 58 triệu đồng. Riêng trong năm 2014, qua đợt kiểm tra đêm 12-8-2014, đoàn kiểm tra đã phát hiện 120 kg cá nóc vô chủ tại cầu cảng số 3. Đến rạng sáng 14-8-2014, đoàn kiểm tra đã phát hiện trên tàu cá số hiệu QNg 98032 của ông Nguyễn Xị (1968, trú Phổ Thạch, Đức Phổ, Quảng Ngãi) có 140 kg cá nóc. Toàn bộ số cá nóc này đều tịch thu, tiến hành tiêu hủy, xử lý hành vi vi phạm hành chính trong việc vận chuyển cá nóc đối với chủ tàu là 35 triệu đồng.  Qua công tác thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các vụ vi phạm đã mang lại hiệu quả và nâng cao ý thức của người dân, không còn tình trạng mua bán cá nóc công khai như trước đây.

Tuy nhiên, việc đánh bắt, lưu thông, mua bán và chế biến loại cá này vẫn còn lén lút diễn ra trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Hơn nữa, việc kiểm soát cá nóc trên tàu cá cũng hết sức khó khăn bởi ngư dân thường giấu kín cá nóc trong các khoang tàu, đoàn kiểm tra không thể tiến hành lục soát nếu không có thông tin chắc chắn... Trong năm qua, trên địa bàn thành phố đã xuất hiện trở lại tình trạng người dân dùng cá nóc làm thức ăn cho bữa cơm của gia đình. Chính vì vậy, trong năm 2014, trên địa bàn thành phố xảy ra 4 vụ ngộ độc thực phẩm (NĐTP) thì đã có 2 vụ/8 người là do ăn cá nóc.

Theo Sở NN&PTNT thành phố, để hạn chế tình trạng cá nóc xuất hiện trong bữa ăn của người dân thành phố và không còn NĐTP do cá nóc gây ra, trong thời gian đến, ngành sẽ tăng cường năng lực công tác thanh kiểm tra ATTP trên địa bàn; qua công tác thanh kiểm tra tạo sự cảnh giác về ATTP, ngộ độc cá nóc. Đồng thời, tăng cường phối hợp chặt chẽ với Bộ đội Biên phòng việc thanh kiểm tra về bảo đảm ATTP thủy sản tại cảng cá, siết chặt trong việc kiểm tra, kiểm soát  tàu cá ra vào cầu cảng.

Cũng như, nâng cao vai trò BQL cảng cá trong công tác giám sát điều kiện đảm bảo ATTP tại chợ; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật cho cộng đồng, đặc biệt là bà con ngư dân về sự nguy hại sử dụng cá nóc làm thực phẩm để mỗi người dân đều “nói không” với thực phẩm được chế biến từ cá nóc. Thành lập tổ kiểm tra thường trực tại Cảng cá Thọ Quang để kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh thủy sản trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về đảm bảo ATTP thủy sản; xử lý nghiêm minh các vi phạm về ATTP.                        

Lực lượng CATP Đà Nẵng kiểm tra tình hình VSATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. 

Nhiều cơ sở  vi phạm về VSATTP

Trong năm 2014, công tác đảm bảo VSATTP luôn được quan tâm, chỉ đạo của các cấp ngành từ tuyến thành phố đến quận, huyện; xã, phường. Qua đó, góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng VSATTP, hạn chế tối đa xảy ra NĐTP hàng loạt trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, vẫn còn một số người ý thức trách nhiệm chưa cao, đã vi phạm những quy định về VSATTP, cộng với thời tiết thất thường khiến thực phẩm dễ ôi thiu, biến chất gây ra NĐTP. Tính đến nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 4 vụ NĐTP với 24 người mắc, không có vụ NĐTP tập thể nào trên 30 người mắc, không có người tử vong, địa điểm xảy ra ngộ độc chủ yếu tại các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, hộ gia đình và trường học...

Nhằm tăng cường các biện pháp kiểm soát NĐTP trên địa bàn cũng như xử lý kịp thời các vụ ngộ độc và chủ động các biện pháp đảm bảo ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, BCĐ đã yêu cầu các đơn vị liên quan triển khai tổ chức thực hiện nghiêm túc việc điều tra các vụ NĐTP nhằm định rõ nguyên nhân và căn nguyên trong vụ NĐTP và báo cáo nhanh vụ việc theo quy định. Đồng thời, tiến hành thanh tra, kiểm tra cơ sở để xảy ra NĐTP, cơ sở sản xuất kinh doanh thực phẩm có liên quan. Qua đó, phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, BCĐ luôn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về ATTP, phòng chống ngộ độc về thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, động thực vật trên địa bàn...

Trong năm 2014, ngành Y tế thành phố đã tổ chức 101 đoàn thanh tra, kiểm tra 6.309 cơ sở (đạt 92,7%). Qua đó, phát hiện 705 cơ sở vi phạm (chiếm 11,2%) và tiến hành cảnh cáo 602 cơ sở, xử phạt 103 cơ sở với số tiền hơn 240 triệu đồng. Bên cạnh đó, ngành NN&PTNT cũng tiến hành kiểm tra, đánh giá 245 cơ sở kinh doanh nông sản nguồn gốc độc vật, nông sản tổng hợp và vật tư nông nghiệp. Qua đó, phát hiện 65 trường hợp vi phạm, xử phạt hành chính với số tiền gần 62,5 triệu đồng. Ngoài ra, ngành Công thương cũng kiểm tra gần 500 cơ sở. Kết quả có 384 cơ sở vi phạm và bị xử lý với tổng số tiền hơn 1,47 tỷ đồng. Đồng thời, tiến hành kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh tại các Trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn thành phố nhằm phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các sai phạm trong lĩnh vực nhà nước đối với các hành vi kinh doanh hàng hóa không đảm bảo tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng ATTP; hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; hàng giả, quá hạn sử dụng, vi phạm về nhãn hàng hóa, đã xử lý nhiều trường hợp vi phạm và đã xử phạt nhiều tỷ đồng...

Thực phẩm hư hỏng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngộ độc.

BS Nguyễn Út – Phó Giám đốc Sở Y tế kiêm Phó Ban Thường trực BCĐ TP cho rằng, trong thời gian tới các cấp các ngành cần phải tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức và thực hành của người quản lý, lãnh đạo, sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm. Tăng cường công tác thanh kiểm tra, hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhằm kịp thời phát hiện những vi phạm về VSATTP, kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm theo pháp luật.

Chủ động giám sát tình hình ô nhiễm thực phẩm, NĐTP và các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm. Tiếp tục triển khai việc thống kê, kiểm tra, đánh giá cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp, sản phẩm nông lâm thủy sản. Thực hiện công khai kết quả kiểm tra phân loại cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư nông nghiệp và sản phẩm nông lâm thủy sản. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra VSATTP trước, trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, các tháng có nhiều lễ hội về hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo VSATTP tại các cơ sở nguy cơ cao về ATTP, chú ý xử phạt cương quyết để răn đe...

Trí Dũng