Báo Công An Đà Nẵng

Pháp tổng tấn công IS

Thứ ba, 17/11/2015 08:32

(Cadn.com.vn) - Phi đội máy bay chiến đấu của Pháp ném bom hàng loạt các căn cứ điểm của nhóm cực đoan IS ở Raqqa, Syria, trong khi cảnh sát khắp Châu Âu mở rộng quy mô điều tra loạt tấn công phối hợp ở Paris vốn khiến 129 người thiệt mạng.

Bắt đầu từ đêm 15-11 (sáng 16-11, giờ Việt Nam), Pháp tăng cường các cuộc không kích tấn công vào các sào huyệt chủ chốt của IS ở Syria, trong hoạt động quân sự mà Paris mô tả là “chiến dịch không kích quy mô lớn nhất từ trước đến nay”.

Đây rõ ràng là động thái đáp trả loạt tấn công khủng bố rung chuyển Paris mà IS đã nhận trách nhiệm gây ra, đồng thời chứng tỏ tinh thần không nao núng trước mối đe dọa khủng bố.

Lực lượng quân đội được tăng cường đảm bảo an ninh trên đường phố Paris. Ảnh: EPA

“20 quả bom dội xuống Raqqa”

Theo Reuters, các cuộc tấn công của Pháp, trong đó có sự tham gia của 10 máy bay chiến đấu, diễn ra đồng thời với chiến dịch không kích của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Jordan.

“20 quả bom đã được dội xuống Raqqa”, Bộ Quốc phòng Pháp tuyên bố đồng thời khẳng định, trong số các mục tiêu có một kho đạn dược, một trung tâm chỉ huy và một trại huấn luyện các tân binh. “Tất cả các mục tiêu đều bị phá hủy”, Mickael Soria, cố vấn báo chí của Bộ Quốc phòng Pháp cho biết. Đây được cho là cuộc tấn công quy mô lớn nhất và mạnh mẽ nhất của Pháp từ trước đến nay nhắm vào IS ở Raqqa – nơi vốn được IS tuyên bố là thủ đô của cái gọi là “Nhà nước Hồi giáo” – Caliphate. Đây chính là đòn giáng mạnh vào các cơ cấu tổ chức hoạt động của nhóm khủng bố này. Một số chuyên gia quân sự cho rằng, ngoài mục đích trả đũa và răn đe IS, các cuộc không kích này còn mang tính “biểu tượng” chính trị rất cao.

“Rõ ràng, đây là một hoạt động quân sự, nhưng thực sự sẽ gửi đi thông điệp chính trị rất mạnh mẽ”, tướng James Marks, một nhà phân tích quân sự của CNN nhận định. Tuy nhiên, một chuyên gia khác về Trung Đông thừa nhận, “thật khó để biết những gì đang xảy ra bên trong các thành trì IS”. Theo chuyên gia này, đó chính là thách thức trong nỗ lực đánh giá chiến dịch quân sự để từ đó có chiến lược tốt nhất chống IS. Kể từ khi IS nắm quyền kiểm soát ở đây, thành phố Raqqa ngày càng bị cô lập. Một thành viên của tổ chức “Raqqa Is Being Slaughtered Silently”  chuyên theo dõi tình hình tại Raqqa cho biết, IS đã dự đoán sẽ bị không kích nên đã sơ tán các cơ sở trọng điểm, bao gồm các tòa nhà trụ sở chính, các căn cứ an ninh ở Raqqa.

Cuộc săn lùng khắp Châu Âu

Văn phòng công tố Paris ngày 16-11 tuyên bố đã xác định được danh tính 2 kẻ khủng bố cuối cùng trong 7 tên đã bị tiêu diệt.

Đó là Samy Amimour, 28 tuổi, kẻ đánh bom tại nhà hát Bataclan và từng bị điều tra vào năm 2012 do liên quan khủng bố. Tên còn lại là Ahmad Al Mohammad, 25 tuổi, kẻ tấn công bên ngoài sân vận động Stade de France và mang hộ chiếu Syria. Tuy nhiên, cảnh sát xác định tên Salah Abdeslam, 26 tuổi, người Bỉ, hiện đã trốn thoát, mới là kẻ cầm đầu trong loạt tấn công này. Tối 15-11, cảnh sát Pháp công bố trên trang mạng xã hội Twitter bức ảnh tên này, ra lệnh truy nã quốc tế. Y chính là người đã thuê chiếc xe VW Polo màu đen ở Bỉ để sử dụng trong các vụ tấn công Paris – loạt khủng bố mà Thủ tướng Pháp Manuel Valls cho biết đã được lên kế hoạch và tổ chức từ Syria.

Tuyên bố của Thủ tướng Pháp được đưa ra trong bối cảnh Paris và hàng loạt các nước Châu Âu khác mở rộng chiến dịch săn tìm khắp Châu Âu nhằm vào các thành viên còn sống và những kẻ đồng lõa của nhóm tấn công Paris trong bối cảnh lo ngại làn sóng tấn công khủng bố mới đã được lên kế hoạch ở Pháp và các nước Châu Âu khác. Tại Pháp, cảnh sát mang theo súng tiến hành các đợt tuần tra trên đường phố trong khi 10.000 binh sĩ được huy động hỗ trợ. BBC dẫn lời Thủ tướng Valls cho biết, kể từ sau loạt tấn công Paris, cảnh sát Pháp tiến hành hơn 168 cuộc trấn áp nhằm vào các nghi can Hồi giáo, bắt giữ 23 đối tượng, quản thúc tại gia 104 đối tượng và thu giữ 31 vũ khí.

“Chúng tôi tận dụng tình trạng khẩn cấp để thẩm tra các đối tượng thuộc phong trào Hồi giáo cực đoan”, Thủ tướng Valls nói trên Đài phát thanh RTL đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục săn lùng không thương tiếc những kẻ khủng bố máu lạnh.

Khả Anh

Du lịch điêu đứng, chứng khoán trượt dốc

Chỉ ít giờ trước khi xảy ra tấn công khủng bố, chính phủ Pháp đón mừng tin tốt nhất về kinh tế trong nhiều tháng qua: Pháp cuối cùng đã trở lại quỹ đạo tăng trưởng tốt trong quý III. Nhưng đó là sự việc trước khi xảy ra khủng bố.

“Du lịch và tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề. Chúng tôi thấy không khí kiệt quệ từ hôm 14-11”, AFP dẫn lời Philippe Waechter, người đứng đầu Bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Ngân hàng Natixis cho biết. “Chúng tôi lo rằng, những du khách thường đến đây vào dịp lễ hội cuối năm sẽ giảm mạnh”, Evelyne Maes, Chủ tịch Hiệp hội các khách sạn và nhà hàng Pháp nói. Paris là địa điểm du lịch hàng đầu thế giới trong khi ngành du lịch Pháp chiếm gần 8% GDP quốc gia với 84 triệu du khách đến nước này vào năm 2014.

Trong ngày 16-11, thị trường chứng khoán Pháp và toàn thế giới đều chứng kiến đà trượt dốc mạnh. Trong khi đó, giá dầu trên thị trường Châu Á lại tăng. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, đây chỉ là ảnh hưởng ngắn hạn.

Tháp Eiffel – biểu tượng của nước Pháp – vẫn đóng cửa trong ngày 16-11. Ảnh: AFP

T.Linh

Danh tính những kẻ tấn công Paris

* Salah Abdeslam, 26 tuổi - đang bị truy nã khẩn cấp.

*  Mohammed Abdeslam - đã bị bắt tại Bỉ.

* Brahim Abdeslam, 31 tuổi - đã chết trong vụ tấn công ở nhà hát Bataclan.

* Omar Ismail Mostefai, 29 tuổi, người Pháp, đã chết trong cuộc tấn công ở Bataclan.

* Bilal Hadfi, 20 tuổi - đã chết khi nổ bom liều chết gần sân vận động Stade de France.

* Samy Amimour, 28 tuổi, kẻ đánh bom liều chết tại nhà hát Bataclan

* Ahmad Al Mohammad, 25 tuổi, kẻ tấn công bên ngoài sân vận động Stade de France và mang hộ chiếu Syria.

Cảnh sát Pháp công bố ảnh tên Salah Abdeslam trên trang mạng xã hội. Ảnh: AP