Pháp – Việt chia sẻ kinh nghiệm phát triển năng lượng tái tạo: Cần bước đi mang tính đột phá
(Cadn.com.vn) - Tại hội thảo “Hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, chia sẻ kinh nghiệm Pháp-Việt Nam”, do Bộ Công Thương Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Cơ quan quản lý năng lượng và môi trường Pháp (ADEME) tổ chức ngày 20-5, vấn đề năng lượng tái tạo một lần nữa được đặt ra hết sức nghiêm túc.
Việc đầu tư cho năng lượng tái tạo ở Việt Nam đã có nhiều chuyển biến. Trong ảnh: Thi công dự án điện gió ở Bạc Liêu, trị giá 5.000 tỷ đồng. |
Sắp nhập khẩu than để phát điện!
Theo ông Lê Dương Quang, Thứ trưởng Bộ Công Thương, nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong 10 năm gần đây tăng bình quân 15%/năm. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngày càng cạn kiệt nhiên liệu hóa thạch nội địa, giá dầu thế giới tăng cao nên Việt Nam vẫn phụ thuộc ngày càng nhiều hơn vào giá năng lượng thế giới. Dự báo, đến năm 2015 Việt Nam sẽ phải nhập khẩu than để phục vụ cho phát điện... Do vậy, việc xem xét khai thác nguồn năng lượng tái tạo như: năng lượng mặt trời, gió... có ý nghĩa hết sức quan trọng nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cũng như hướng tới sự phát triển bền vững.
Báo cáo của Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), mỗi năm Việt Nam có khoảng 2.000-2.500 giờ nắng với mức chiếu nắng trung bình khoảng 150kCal/cm2, tương đương với tiềm năng khoảng 43,9 triệu tấn dầu quy đổi/năm. Trong khi đó năng lượng gió cũng khá hấp dẫn, có thể đạt công suất phát điện khoảng 800-1.400 kwh/m2/năm trên đất liền, từ 500-1.000 kwh/m2/năm tại các khu vực bờ biển, Tây Nguyên, phía Nam và dưới 500 kwh/m2/năm ở các khu vực khác. Năng lượng sinh khối qui đổi cũng vào khoảng 43-46 triệu tấn dầu trong đó 60% đến từ các phế phẩm gỗ và 4% đến từ phế phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, theo tính toán của các nhà khoa học, chỉ riêng sử dụng bơm địa nhiệt dùng cho điều hòa không khí ở Hà Nội cũng sẽ tiết kiệm được khoảng 800 tỷ đồng/năm về mặt kinh tế và hơn thế nữa là giảm mức phát thải CO2 ở mức tương đương với 252.000 tấn do sử dụng khí thiên nhiên...
Mặc dù đã xác định được ưu thế của các nguồn năng lượng tái tạo, tuy nhiên hiện giá thành của các nguồn năng lượng như mặt trời, gió, pin còn rất cao so với năng lượng truyền thống nên việc tìm cơ chế khuyến khích kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này vẫn hạn chế. Đơn cử để sản xuất 1 kWh điện từ thủy điện chỉ mất từ 300-1.000 đồng, trong khi từ gió phải mất 1.200-1.800 đồng và pin mặt trời phải mất từ 3.000-6.000 đồng.
Chưa có cơ chế, chính sách đủ mạnh
Trong bối cảnh đó, theo các đại biểu tham dự hội thảo, hiện nay chúng ta vẫn chưa có một cơ chế, chính sách đủ mạnh tạo động lực cho phát triển năng lượng tái tạo. Ngoài ra, công nghệ và dịch vụ phụ trợ cho năng lượng tái tạo chưa phát triển và chưa có một cơ quan đầu mối tập trung để nghiên cứu và hoạch định về phát triển năng lượng tái tạo.
Tính đến cuối năm 2013, nguồn năng lượng tái tạo đã và đang được khai thác cho sản xuất điện mới chiếm tỷ lệ 6,3% tổng nguồn điện toàn hệ thống với tổng công suất lắp đặt khoảng 3.990MW. Trong đó, chủ yếu là thủy điện nhỏ chiếm khoảng 3.770MW, điện gió 52MW, điện sinh khối 150MW và năng lượng tái tạo khác là 18 MW. “Chính phủ đã giao Bộ Công Thương xem xét lại giá các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời... để khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước cũng như phù hợp với mức thu nhập của người dân”, ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng tái tạo, Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết.
Tại hội thảo, Đại sứ Pháp tại Việt Nam, Jean-Noel Poirier nhấn mạnh, lĩnh vực năng lượng tái tạo là trục ưu tiên trong chính sách năng lượng và công nghiệp của Pháp với Việt Nam. Các doanh nghiệp Pháp sẽ cung cấp những thông tin mới nhất về phát triển năng lượng tái tạo, việc ứng dụng công nghệ mới cũng như khả năng chuyển giao công nghệ của Pháp cho Việt Nam và nguồn tài chính hỗ trợ phát triển trong lĩnh vực này.
“Mục tiêu trong hợp tác về công nghệ và công nghiệp trong khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Pháp là lĩnh vực năng lượng, lĩnh vực này sẽ có nhiều tiến bộ đáng kể trong năm 2014”, Đại sứ Pháp, Jean-Noel Poirier nói.
Rõ ràng, trước thực trạng, nhu cầu, triển vọng của năng lượng tái tạo, với sự hợp tác quốc tế ngày càng mạnh mẽ, đã đến lúc Việt Nam xem xét khả năng tạo bước đột phá về loại năng lượng này, nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, ngay từ bây giờ.
Thu Thủy