Phát động phong trào thi đua “Thành phố Đà Nẵng chung sức xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2023-2025”
Tại lễ phát động đã đánh giá kết quả phong trào thi đua “Thành phố Đà Nẵng chung sức xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2012-2022”. Sau khi Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 18-CT/TU, với tinh thần “Toàn thành phố chung sức xây dựng Nông thôn mới”, Ban Dân vận Thành ủy đã chủ động phối hợp với Ban Thường vụ Huyện ủy tham mưu Thường trực Thành ủy chủ trì, tổ chức các Hội nghị ký kết giao ước hỗ trợ xây dựng nông thôn mới giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương với huyện Hòa Vang. Ban Dân vận Thành ủy cũng đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, vận động các đảng ủy trực thuộc Thành ủy, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân toàn thành phố tham gia hỗ trợ huyện Hòa Vang xây dựng nông thôn mới với nguồn nhân lực, vật lực thích đáng, phù hợp với điều kiện, khả năng của từng đơn vị, địa phương. Trên cơ sở đó, các sở, ban, ngành; các quận ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và hội quần chúng thành phố, các tổ chức, cá nhân toàn thành phố đã tích cực hưởng ứng phong trào thi đua “Toàn thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”. Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp bằng kinh phí, thì các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân đã thực hiện nhiều công trình, phần việc hết sức thiết thực, cụ thể, như: xây dựng và nâng cấp Nhà văn hóa thôn, nhà Mẫu giáo, nhà đại đoàn kết; sửa chữa nhà cho hộ nghèo, khó khăn; nâng cấp nghĩa trang; xây dựng các tuyến đường giao thông nông thôn, công trình điện chiếu sáng; hỗ trợ học bổng cho học sinh nghèo...
Theo báo cáo đánh giá của Ban Thường vụ Thành ủy tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 18-CT/TU, trong 10 năm (2012-2022), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội, các quận ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy, các hội quần chúng đặc thù thành phố đã hỗ trợ huyện Hòa Vang với tổng kinh phí hỗ trợ 639 tỷ 982 triệu đồng; kinh phí cho vay 11 tỷ 369 triệu đồng, trong đó: Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội : 482 tỷ 685 triệu đồng. Riêng khối lực lượng vũ trang đã hỗ trợ, đóng góp cho Hòa Vang hơn 13 tỷ 500 triệu đồng, hơn 70 nghìn ngày công lao động làm hơn 60 nghìn mét đường bê tông giao thông. Các sở, ban, ngành thành phố ngoài việc huy động cán bộ công chức trong ngành, vận động các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ cũng đã tích cực tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của các bộ, ngành Trung ương để thực hiện đầu tư giúp đỡ Hòa Vang xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí hơn 225 tỷ đồng. Ngoài ra, các sở, ban, ngành cũng đã tích cực tham mưu UBND thành phố ban hành nhiều cơ chế chính sách, cơ chế hỗ trợ thực hiện nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Trên cơ sở nguồn lực các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân, hỗ trợ cùng với nguồn lực ngân sách của Trung ương và Thành phố, Huyện ủy Hòa Vang đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tổ chức thực hiện sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tránh lãng phí, thất thoát. Kết quả sau 10 năm thực hiện chương trình đã đạt được những thành tựu nổi bật đó là: Hoàn thành công tác quy hoạch tổng thể, chi tiết và điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới cho 11/11 xã trong giai đoạn 2010-2020. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật nông thôn được đầu tư theo quy hoạch, từng bước hoàn thiện, đồng bộ làm thay đổi rõ rệt diện mạo, bộ mặt nông thôn Hòa Vang, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ sản xuất, dân sinh. Tập trung tái cơ cấu, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, phát triển nông nghiệp theo hướng đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nông nghiệp an toàn, xanh, sạch. Hình thành nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập ổn định, bền vững cho người dân nông thôn. Thông qua các chương trình, dự án phát triển sản xuất có hiệu quả, đã giải quyết việc làm cho 22.450 lượt lao động, đặc biệt hỗ trợ đưa 633 lượt lao động là nông dân sang tu nghiệp trên lĩnh vực nông nghiệp tại Hàn Quốc (thu nhập trung bình mỗi đợt hơn 90 triệu đồng/3 tháng), qua đó góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện Hòa Vang đến năm 2022 đạt 56 triệu đồng, tăng 37,25 triệu đồng so với năm 2012 và đưa tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn thành phố) giảm từ 16,52% năm 2012 xuống còn 1,91% năm 2022. Văn hóa xã hội, giáo dục, y tế, môi trường đạt nhiều kết quả tích cực. Đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân được nâng lên. Giáo dục đào tạo phát triển cả về quy mô và chất lượng, có 45/45 trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Công tác bảo vệ môi trường luôn được huyện quan tâm, chỉ đạo thực hiện. An ninh chính trị, trật tự xã hội đảm bảo ổn định, phát huy vai trò chủ thể của người dân, thực hiện tốt phong trào “Chung tay xây dựng nông thôn mới”, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới trên địa bàn với tổng nguồn vốn trên 7.300 tỷ đồng. Vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới được phát huy, nhất là thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”, “Nhân dân làm, nhân dân hưởng lợi, nhà nước hỗ trợ”, “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. Trong 10 năm qua nhân dân Hòa Vang đã đóng góp tiền của, vật chất, hiến đất, phá dỡ tường rào cổng ngõ, vật kiến trúc để mở rộng đường 478,417 km đường giao thông kiệt hẻm, đóng góp ngày công, hiến 178.000 m2 đất với hơn 21.000 ngày công để xây dựng nông thôn mới.
Tổng kinh phí đã huy động được trong giai đoạn 2012-2022 là 7,331.810 tỷ đồng, 11/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5/11 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 8/11 xã công nhận đô thị loại V. Huyện Hòa Vang được công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2015, vinh dự là 1 trong 41 đơn vị cấp huyện trong cả nước được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua hoàn thành xuất sắc phong trào thi đua cả nước xây dựng nông thôn mới, năm 2021 huyện được công nhận là đơn vị hành chính cấp huyện loại I.
Tại Lễ phát động đã đề ra nhiệm vụ công tác triển khai phát động giao đoạn 2023-2025. Đến năm 2025 phấn đấu 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 45,5% (5 xã) đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Phấn đấu huyện Hòa Vang được công nhận thị xã. Thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 85 triệu đồng/người/năm. Tiếp tục thực hiện xây dựng nông thôn mới đối với các xã chưa thành phường phù hợp với điều kiện thực tế và chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới giai đoạn mới.
Thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy tại Công văn số 3948-CV/TU ngày 22/11/2023 về phát động, vận động toàn thành phố chung sức hỗ trợ huyện Hòa Vang xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2023-2025, Ban Dân vận Thành ủy đã phối hợp Ban Thường vụ Huyện ủy Hòa Vang đã tổ chức nhiều buổi hội ý trong việc thống nhất phương án thực hiện vận động các cơ quan, đơn vị. Đồng thời, tổ chức làm việc trực tiếp với lãnh đạo các đơn vị trên địa bàn thành phố để kêu gọi vận động hỗ trợ cho huyện trong xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2023-2025. Qua đó, tranh thủ sự ủng hộ, đóng góp trong xây dựng nông thôn mới, trên tinh thần đó, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã tích cực hưởng ứng chủ trương của Ban Thường vụ Thành ủy, thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa tình, vận dụng điều kiện thực tiễn tại cơ quan, đơn vị mình, đã trực tiếp trao đổi với Huyện Hòa Vang và có văn bản đăng ký những nội dung, phần việc cụ thể, phù hợp để giúp đỡ Huyện Hòa Vang xây dựng nông thôn mới, kết quả đăng ký bước đầu như sau: Có 6 Quận ủy đăng ký 10 nội dung, với kinh phí 1 tỷ 350 triệu đồng. Có 5 tổ chức chính trị - xã hội thành phố gồm: Liên đoàn Lao động thành phố, Hội Cựu Chiến binh thành phố, Thành Đoàn, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố và Hội Nông dân thành phố, đăng ký 26 nội dung, với kinh phí 3 tỷ 262 triệu đồng, riêng Hội Nông dân thành phố bố trí khoảng 7 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân để cho hội viên nông dân trên địa bàn huyện vay vốn. Có 6 Đảng ủy trực thuộc Thành ủy gồm: Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố, Đảng ủy Khu công nghệ cao và các Khu công nghiệp Đà Nẵng, Đảng ủy Quân sự thành phố, Đảng ủy Công an thành phố, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng và Đảng ủy Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng đăng ký 13 nội dung với kinh phí 1 tỷ 580 triệu đồng. Có 5 hội quần chúng đặc thù của thành phố gồm: Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em; Hội bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh, Liên minh Hợp tác xã, Hội Khuyến học và Hội Tù yêu nước đăng ký 26 nội dung với kinh phí 5 tỷ 813 triệu đồng. Có 11 cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khác đăng ký 22 nội dung với kinh phí 4 tỷ 700 triệu đồng. Tính đến hết ngày 24-4-2024, đã có 33 đơn vị, tổ chức, cá nhân đăng ký hỗ trợ 97 nội dung với kinh phí 16 tỷ 705 triệu đồng ( trong đó kinh phí đã thực hiện năm 2023 là 2 tỷ 230 triệu).
Từ sự đóng góp giúp đỡ bước đầu của mỗi đơn vị, địa phương đã góp phần lan tỏa, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, hội viên, nhân dân thành phố nói chung, Hòa Vang nói riêng trong việc triển khai, thực hiện tốt Phong trào “Thành phố Đà Nẵng chung sức xây dựng nông thôn mới gắn” với Phong trào thi đua “Dân vận khéo”.
Phát biểu tại Lễ phát động, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh biểu dương những kết quả đạt được trong 10 năm phát động phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới của thành phố. Trong giai đoạn 2023-2025, các cơ quan đơn vị, nhất là huyện Hòa Vang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai xây dựng chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với phong trào thi đua dân vận khéo, nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Thông báo số 468-TB/TU và Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 7-7-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về xây dựng phát triển Hòa Vang đến năm 2030, tần nhìn đến năm 2045. Phấn đấu xây dựng Hòa Vang đạt tiêu chí đô thị loại IV, 80% xã đủ điều kiện thành phường và đủ điều kiện thành lập thị xã trong thời gian sớm nhất theo tinh thần Quyết định số 1287 ngày 2-11-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 phấn đấu đạt chuẩn đô thị loại IV vào năm 2025.
Hồng Thanh