Báo Công An Đà Nẵng

Phật giáo trong khối đại đoàn kết

Thứ tư, 17/02/2021 17:48

Trải qua 40 năm thành lập, xây dựng và phát triển, Phật giáo Việt Nam đã cùng với dân tộc vượt qua nhiều khó khăn, thử thách và đã thu được nhiều thành tựu thật sự quan trọng trên tất cả các lĩnh vực. Những vấn đề của thời đại, như nếp sống hưởng thụ chạy theo vật chất, suy thoái đạo đức cá nhân và xã hội, sự cạn kiệt môi trường và thiên tai lũ lụt, dịch bệnh Covid-19..., với chức năng và trách nhiệm của mình, Phật giáo luôn có những hoạt động tích cực để góp phần giảm bớt những mặt trái đã và đang phát sinh trong xã hội, đồng thời xây dựng nếp sống hài hòa, quân bình về mặt tinh thần và vật chất. Đó cũng là tư tưởng giáo lý tích cực của Đạo Phật làm tốt Đạo đẹp Đời, và điều này hoàn toàn phù hợp với chính sách của Đảng, Nhà nước về việc nhìn nhận tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân; văn hóa, đạo đức tôn giáo có nhiều điểm phù hợp công cuộc xây dựng xã hội mới; đảm bảo phát huy được các yếu tố tiến bộ, tích cực của các tôn giáo trong đời sống xã hội, như vai trò của tôn giáo trong việc tham gia giải quyết các vấn đề chung của dân tộc và toàn cầu.

Thượng tọa Thích Thông Đạo và đạo hữu Chùa Bà Đa luôn đồng hành cùng các cấp chính quyền, hỗ trợ người dân trong phòng chống dịch Covid 19 và bão lũ miền Trung. Ảnh: Thanh Hoa

Lịch sử Việt Nam đã ghi nhận những đóng góp to lớn của đạo Phật với dân tộc. Thời đại Lý - Trần, với sự gắn bó mật thiết giữa Phật giáo và Dân tộc nên từ vua quan đến nhân dân, ai ai cũng tôn trọng Tam bảo và lấy giáo lý đạo Phật làm phương cách hành xử trong cuộc sống. Vì thế, sau lũy tre làng luôn ẩn hiện những ngôi chùa vừa uy nghiêm vừa gần gũi, một hiện hữu không thể thiếu trong cộng đồng làng xã Việt Nam. Trong một thời gian dài, ngôi chùa không chỉ là chỗ dựa tâm linh cho con người, nơi giáo dục về đạo đức và văn hóa mà còn là nơi đào tạo nhân tài phục vụ đất nước và đoàn kết lòng dân.

Qua trận đại dịch Covid-19 và thiên tai lũ lụt vừa rồi, cho thấy nhân loại vẫn còn đối diện với những bất an và biến động, khiến chúng ta với lương tri của một con người, phải làm gì để góp phần vào việc chuyển hóa con người và xã hội! Vẫn không ít người quan niệm, Đạo Phật chỉ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và lễ nghi như cầu an cầu siêu không hơn không kém. Với một số người khác, Đạo Phật dù mang giải pháp toàn hảo cho việc cứu tế con người vẫn chỉ hạn cục trong lãnh vực tâm linh và cá nhân mà không có đáp án cho những vấn đề nhiêu khê mang tính vĩ mô của xã hội. Như ở các nước khu vực Đông Nam Á Châu như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam, xã hội vẫn còn bị chìm trong bất an, khủng hoảng, bế tắc, khổ não và nghèo đói dù Đạo Phật chiếm đa số. Nhận định ấy, trong một chừng mức nào đó, khiến chúng ta quan tâm và suy nghiệm nghiêm túc về sứ mệnh chuyển hóa con người và xã hội của Đạo Phật trong bối cảnh của thời đại hôm nay.

Thượng tọa Thích Thông Đạo và đại diện lãnh đạo Báo Công an TP Đà Nẵng trao tiền và nhu yếu phẩm cần thiết phòng chống Covid 19 cho chốt Kiểm dịch chân đèo Hải Vân. Ảnh: Thanh Hoa

Tuy nhiên, có thể tìm ở đâu trên thế giới này mà ở đó hoàn toàn không có bất an, khủng hoảng, bế tắc, khổ lụy và nghèo đói. Bởi vì, đó là bản chất không thể tách khỏi thế giới của chúng sinh khi còn vô minh, còn phiền não. Vì vô minh và phiền não chính là căn nguyên của bất an và khổ lụy. Và chính vì nguyên nhân ấy, cần phải thực hiện hạnh nguyện chuyển hóa để giải khổ và mang lại sự an lạc. Khi thật sự vén màn vô minh và giải trừ phiền não thì trí tuệ hiển bày khiến nhận thức được mọi điều một cách sáng suốt. Khi đã tự chuyển hóa thì sự hoàn thiện của họ cũng sẽ tạo ra ảnh hưởng tốt cho tập thể, cho xã hội. Đem giáo nghĩa duyên khởi để quán chiếu, chúng ta thấy rằng sự hiện hữu của con người không là sự hiện hữu độc lập với tập thể, xã hội, thế giới. Mỗi người là một tác duyên bình đẳng trong vai trò hình thành xã hội. Trên ý nghĩa đó, sự an lạc và đau khổ của một cá nhân này tất yếu phải có mối liên hệ chặt chẽ với sự an lạc và khổ đau của cá nhân khác, của xã hội. Ngược lại, sự thịnh suy của xã hội có tác động đến từng cá nhân trong xã hội ấy.

Vì thế, Phật giáo đã thực hiện tinh thần “Phục vụ chúng sinh là cúng dường chư Phật” và kiên trì phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, tiếp tục đóng góp tích cực và xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thành tựu quan trọng và nổi bật nhất là công tác hoằng dương chánh pháp, vận động hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước sống “Tốt đời, đẹp đạo”. Đặc biệt là tham gia các cuộc vận động lớn “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, tham gia phòng chống dịch Covid-19, cứu trợ lũ lụt miền Trung, v.v.

Như vậy, những hoạt động ấy, nhất là qua sự vận động và đóng góp cho tuyến đầu chống dịch Covid-19, đồng lòng tương trợ vì miền Trung lũ lụt đã minh chứng sâu sắc cho ý nghĩa của sự hòa hợp, tạo nên sức mạnh của sự đoàn kết hòa hợp, đóng góp thiết thực vào những thành tựu của đất nước trong sứ mệnh quốc gia và toàn cầu, thể hiện sự tiếp tục phát huy truyền thống nhập thế, gắn bó đồng hành cùng dân tộc của Việt Nam trong thời kỳ mới và đóng góp tích cực xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh, làm sáng tỏ giáo lý của Đức Phật trong cuộc sống nhân gian.

 THƯỢNG TỌA THÍCH THÔNG ĐẠO