Phát hành báo ở Hoàng Sa
(Cadn.com.vn) - Ngoài việc thực thi nhiệm vụ chấp pháp trên vùng biển thuộc chủ quyền của Tổ quốc, mỗi chuyến tàu cảnh sát biển, kiểm ngư từ đất liền ra Hoàng Sa giống như một… đại lý phát hành báo chí. Mỗi khi các tàu ta cập mạn trao đổi tình hình hoặc chuyển quân trên biển, những thông tin nóng hổi từ đất liền, những kết quả trên mặt trận chính trị, ngoại giao, sự ủng hộ của cộng đồng các quốc gia yêu chuộng hòa bình, phản đối hành động phi pháp của Trung Quốc tại Hoàng Sa được đến với từng chiến sĩ Cảnh sát biển, từng Kiểm ngư viên. Những tờ báo đến tay có thể đã cũ, nhàu, ẩm ướt vì nước biển nhưng nó là tài sản quý, là niềm tin son sắt...
Những ngày trên tàu chấp pháp của Việt Nam, cánh phóng viên chúng tôi đều thấy ở ca-bin, ở phòng câu lạc bộ hai thứ rất quý. Đó là những tờ báo có cái tít ấn tượng "Không đánh đổi chủ quyền lấy hữu nghị viển vông" đặt cạnh gói trà hảo hạng loại lớn của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi tặng. Đến giờ đọc báo, điểm tin, mọi người lại pha trà uống. Ai cũng có chung cảm xúc lâng lâng tự hào trước thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cương quyết tuyên bố giữ gìn chủ quyền đất nước bằng mọi biện pháp, vui sướng khi được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang để ý đến thói quen của mỗi chiến sĩ cảnh sát biển, kiểm ngư viên (đa số là người miền Trung và miền Bắc có thói quen uống trà)... Đối với họ, đó là động lực, là niềm tin. Giữa Hoàng Sa không có tín hiệu để xem tivi, sóng radio cũng chập chờn, điện thoại thì không thể liên lạc nên báo giấy là kênh thông tin gần như độc tôn, ngoại trừ những chỉ thị thuộc dạng mật lệnh.
Một "đại lý phát hành báo" giữa Hoàng Sa. Ảnh: C.K |
Ở Hoàng Sa, những tờ báo "phát hành" sớm nhất cũng đã muộn một ngày so với đất liền. Nhưng tất cả đều được xem là báo mới, thông tin nào cũng có giá trị. Ở phòng đọc tàu KN762, được coi là đại lý cấp 1 phát hành báo ra đây có rất nhiều đầu báo: Tuổi trẻ, Thanh Niên, Công an TP Đà Nẵng, Lao Động, Tiền Phong... Tờ nào cũng có những tít lớn trang nhất, ảnh vedette về quan điểm nhất quán, mạnh mẽ, cương quyết của lãnh đạo đất nước, sự kiên cường, tỉnh táo của các tàu chấp pháp Việt Nam trước những hành vi hung hãn của các tàu Trung Quốc. Kiểm ngư viên Nguyễn Văn Đức kể, ở giữa biển trời Tổ quốc, mỗi thông tin từ đất liền theo các trang báo lên tàu như tiếp thêm sức mạnh cho lực lượng chấp pháp, nhưng anh em ấn tượng nhất với tất cả các tờ báo ra ngày 23-5.
"Các báo đồng loạt giật tít lớn về phát ngôn và hình ảnh của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi trả lời các báo nước ngoài. Chúng tôi thuộc nằm lòng câu nói như câu hiệu triệu của Thủ tướng: "Việt Nam luôn mong muốn có hòa bình, hữu nghị nhưng phải trên cơ sở bảo đảm độc lập, tự chủ, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, vùng biển, và nhất định không chấp nhận đánh đổi điều thiêng liêng này để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó". Anh biết không, chính sự khẳng định mạnh mẽ đó đã lan truyền từ người này qua người khác, từ tàu này qua tàu khác, khiến chúng tôi vững dạ và can trường hơn", anh Đức tâm sự.
Mỗi tờ báo ở Hoàng Sa là một tài sản quý, vì nó mang theo những thông điệp, ý chí từ đất liền. Ảnh: C.K |
Mỗi lần các tàu chấp pháp Việt Nam cập mạn để trao đổi tình hình, tiếp lương thực hoặc chuyển quân, luôn có những kiện báo được gói cẩn thận. Thậm chí, nhiều ca nô trung chuyển giữa tàu này và tàu khác đã làm thêm một nhiệm vụ nữa là đổi cũ lấy mới, vì báo cũ ở biên đội này sẽ trở thành những thông tin mới toanh của biên đội khác. Kiểm ngư viên Lưu Công Uẩn, một "chuyên gia điểm báo" kể: "Không có tivi, sóng radio chập chờn lúc được lúc không, điện thoại trở thành cục gạch thì mỗi tờ báo có khi được đọc đi đọc lại dăm bảy lần. Những trang báo thông tin đậm nét về việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan phi pháp trong vùng biển Việt Nam luôn được quan tâm hàng đầu".
Thuyền trưởng các tàu Cảnh sát biển, tàu Kiểm ngư làm nhiệm vụ tại Hoàng Sa đã nói vui với chúng tôi rằng, có nhiều hôm, họ có báo sớm hơn ở đất liền, dù không có một nhà in báo nào ở đây cả! Cự cãi với nhau một hồi, mấy anh tủm tỉm cười nói rằng: Thường thì ở đất liền báo có ở các sạp lúc 4-5 giờ sáng, đến tay bạn đọc vài tiếng sau đó. Nhưng ở giữa biển, có khi các tàu có báo lúc 1-2 giờ sáng. Sớm về giờ nhưng chậm về ngày! Nhiều nhà báo tẽn tò vì sự hài hước của họ.
Ở Hoàng Sa, việc phát hành báo không tính tới số lượng, phát hành miễn phí, không có sự cạnh tranh thông tin, không khảo sát thị trường. Gần như chỉ có 3 đối tượng bạn đọc, là lực lượng chấp pháp, một số bà con ngư dân và chính các nhà báo. Ở đây, phát hành bao nhiêu sẽ được đọc bấy nhiêu, không có báo dư, không lo báo ế!
Công Khanh