Báo Công An Đà Nẵng

Phát hiện thêm vụ tàn phá rừng cổ thụ ở Trà Leng

Thứ bảy, 27/04/2019 13:57

Trong lúc Báo Công an TP Đà Nẵng đưa thông tin vụ “Thảm sát rừng nguyên sinh” xảy ra ở xã Cà Dy (H. Nam Giang, Quảng Nam) thì tiếp tục nhận được thông tin rừng phòng hộ ở xã Trà Leng (H. Nam Trà My, Quảng Nam) cũng đang bị tàn phá. Từ nguồn tin ban đầu của người dân, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng tiếp tục thâm nhập hiện trường để tìm hiểu.

Gỗ phách nằm ngổn ngang khắp rừng Trà Leng.

Sáng 24-4, theo chỉ dẫn của người dân, P.V Báo Công an TP Đà Nẵng đã đến được “điểm nóng” phá rừng cổ thụ tại xã Trà Leng. Gần 2 giờ lần theo dấu vết trâu kéo gỗ dọc con suối Leng, P.V đến khu vực “lâm tặc” xẻ thịt cây rừng. Tại đây, đường mòn trâu kéo gỗ chằng chịt khắp cả khu rừng. Men theo vết mòn mới, chúng tôi đến khu vực 2 cây gỗ lớn đường kính khoảng 1,2m nằm cạnh con suối nhỏ đã bị “lâm tặc” đốn hạ, gỗ được cưa xẻ tại rừng. Hiện trường còn lại 4 phách gỗ đường kính 20x50cm, dài gần 4m và 1 lóng gỗ dài gần 10m chưa được rọc phách.

Tiếp tục rẽ theo con đường nhỏ để lên vùng lõi rừng, trên đường đi, chúng tôi sững sờ chứng kiến hàng chục cây gỗ cổ thụ phải từ 3- 5 người ôm đã bị “lâm tặc” đốn hạ từ lâu, gỗ đã được rọc phách lấy đi. Di chuyển theo lối mòn chừng 45 phút, khung cảnh hoang tàn tại vùng lõi rừng dần hé lộ, rất nhiều cây gỗ cổ thụ bị “lâm tặc” đốn hạ xẻ lấy gỗ, dấu vết đã cũ, nhiều cây gỗ lớn khác mới bị đốn nằm la liệt khắp khu rừng.

Một cây cổ thụ vừa  bị “lâm tặc” xẻ thịt ở Trà Leng.

Đi tiếp 50m, có 3 cây gỗ cổ thụ 5 người ôm không xuể đã bị “lâm tặc” đốn hạ, 1 cây đang bị “xẻ thịt”, gỗ phách nằm ngổn ngang như một “xưởng cưa” giữa khu rừng già. Tại đây, chúng tôi nghe tiếng máy cưa inh ỏi khắp cả khu rừng. Trên đường đi, chúng tôi nhận thấy có nhiều con trâu được chăn thả để phục vụ cho việc kéo gỗ ra khỏi rừng. Điều khiến chúng tôi khó hiểu, “lâm tặc” kéo gỗ tập kết tại con đường chính vào trụ sở UBND xã Trà Leng vết mòn hằn sâu dưới đất, người dân ai cũng biết nhưng lực lượng chức năng lại không hay?

Người dân cho biết, khu vực này là rừng phòng hộ thuộc địa phận thôn 3 (xã Trà Leng). “Khu rừng này đã bị “lâm tặc” đốn hạ từ nhiều năm nay. Vùng giáp với H. Bắc Trà My thì “lâm tặc” xẻ phách đưa xuống tập kết ở thượng nguồn hồ thủy điện Sông Tranh 2, hoặc vận chuyển theo suối Leng để đưa xuống lòng hồ. Còn khu vực này, “lâm tặc” dùng trâu kéo gỗ ra tập kết ở bìa rừng đợi đến tối sẽ đưa ra đường chính rồi dùng xe chở đi. Mặc dù người dân đã báo cho lực lượng chức năng biết nhưng tình trạng trên vẫn tiếp diễn”, một người dân thông tin.

Một cây gỗ cổ thụ đã bị đốn hạ ở Trà Leng. 

Ngoài việc bị “lâm tặc” tàn phá, khu rừng cổ thụ này đang bị một số người dân sống “ký sinh” ở đây xâm hại để lấy đất canh tác. Dưới chân các dãy núi cao, người dân đã triệt hạ, đốt cây rừng trên diện rộng, nhiều cây gỗ lớn đã bị xẻ phách lấy đi. Trên đường di chuyển lên rừng, chúng tôi còn bắt gặp nhiều hầm lò được “vàng tặc” đào bới, dựng lán trại để ăn ở tại chỗ. Thấy người lạ đến, nhóm “vàng tặc” liền lẩn trốn vào khu rừng phía sau. Theo ghi nhận của P.V, tại đây có 2 hầm vàng được khoét sâu vào núi hàng chục mét. Một lượng lớn đá chứa quặng vàng được đưa ra ngoài để tiếp công đoạn lọc tuyển vàng. Phía dưới nhiều bể chứa hóa chất bốc mùi nồng nặc, phế thải chất độc cyanua dùng để ngâm ủ quặng đổ tràn lan ven con suối bốc mùi kinh khủng khiến chúng tôi phải “nín thở” để đi qua đoạn này…

Chiều 24-4, làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Hoan- Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Nam Trà My cho rằng: “Khu vực này giáp với H. Bắc Trà My có rừng phòng hộ và sản xuất. Đơn vị sẽ tiến hành kiểm tra rừng theo phản ánh của P.V. Cần phải xác định chính xác tọa độ mới biết thuộc lâm phận của địa phương. Trước đó, lực lượng kiểm lâm cũng đã bắt một vụ vận chuyển gỗ ra đường chính tại khu vực này”.

Trước thực trạng rừng tự nhiên trên địa bàn tỉnh ngày càng bị xâm hại nghiêm trọng, UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo các đơn vị liên quan siết chặt công tác quản lý, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, qua nhiều vụ phá rừng quy mô lớn xảy ra suốt thời gian dài nhưng lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương vẫn không hay biết. Điều này cho thấy, công tác quản lý bảo vệ rừng ở Quảng Nam còn rất lỏng lẻo.        

LÊ VƯƠNG