Báo Công An Đà Nẵng

Phát huy bản lĩnh và trí tuệ người làm báo trong thời đại hội nhập

Thứ ba, 16/06/2015 17:09

* Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng đón nhận Huân Chương Lao động hạng Ba

* 27 tác giả nhận Giải báo chí thành phố Đà Nẵng năm 2014.

(Cadn.com.vn) - Ngày 16-6, đã diễn ra Đại hội Hội nhà Báo TP Đà Nẵng lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2015-2020. Đại hội đã tập trung phân tích, đánh giá công tác báo chí trong nhiệm kỳ VII và đề ra phương hướng nhiệm kỳ VIII, bầu Ban chấp hành Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng khóa mới và bầu đoàn đại biểu đi dự đại hội cấp trên. Các đồng chí Phạm Quốc Toàn-Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Võ Công Trí-Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đến dự và phát biểu chỉ đạo. Đại hội còn vinh dự đón tiếp các đại biểu của một số đơn vị Trung ương, địa phương đến dự.

Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Võ Công Trí
trao Huân Chương Lao động hạng Ba cho HNB thành phố Đà Nẵng.

Để ghi nhận đóng góp của Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng trong những năm qua, tại Đại hội thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, đồng chí Võ Công Trí-Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đã trao Huân Chương Lao động Hạng Ba cho Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng. Dịp này, Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam cũng tặng Bằng khen cho Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng về thành tích 5 năm (2010-2020). Thành ủy, HĐND, UBND, UBMTTQVN thành phố Đà Nẵng cũng trao bức trướng “Sáng tạo-Trách nhiệm-Chuyên nghiệp” cho Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng.

Phát triển cả chất và lượng

Báo cáo tại Đại hội cho thấy, 5 năm qua, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của báo chí cả nước, báo chí TP Đà Nẵng có nhiều hoạt động và đạt nhiều thành tựu quan trọng. Có thể tôn chỉ, mục đích và hình thức thể hiện khác nhau, nhưng 5 năm qua, các cơ quan báo chí thành phố không ngừng lớn mạnh, từ các tạp chí có tính chuyên ngành như: Khoa học và phát triển, Sinh hoạt ý luận, Phát triển Kinh tế-xã hội, Văn hóa và du lịch, Tạp chí Non nước đến các cơ quan váo hàng ngày như Báo Đà Nẵng, Báo Công an thành phố Đà Nẵng, Đài Phát thanh và truyền hình thành phố và các trang tin cùng gần 90 cơ quan đại diện các báo Trung ương và địa phương lớn trên địa bàn thành phố.

Đồng chí Võ Công Trí-Phó Bí thư Thường trực Thành ủy phát biểu tại Đại hội.

Sự phong phú của hoạt động báo chí thành phố không chỉ thể hiện ở số lượng mà quan trọng hơn, bằng những thể loại và hình thức thể hiện khác nhau, tất cả các sự kiện của thành phố đều được báo chí phản ánh kịp thời và chính xác. Có những sự kiện đánh dấu sự phát triển và cách làm năng động của thành phố và cũng có những sai trái đâu đó đều được báo chí nhanh chóng lên tiếng, vai trò phản biện xã hội, phê phán hoặc phân tích những khía cạnh chưa cần thiết trong việc thực hiện một số chủ trương của thành phố và trong nhiều trường hợp được lãnh đạo tham khảo và có những điều chỉnh cần thiết. Cũng trong thời gian này, báo chí thành phố có những bước phát triển mạnh mẽ về chất lượng và nội dung, hình thức thể hiện và hiệu quả thông tin; cơ sở vật chất, kỹ thuật của các loại hình báo chí được đầu tư đúng mức, từng bước đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác tuyên truyền.

Nhà báo Mai Đức Lộc-Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng khóa VIII phát biểu tại Đại hội

Nhà báo Mai Đức Lộc-Thành ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà báo TP. Đà Nẵng cho biết, hiện nay, thành phố có gần 500 người làm việc trong lĩnh vực báo chí (có 247 hội viên Hội Nhà báo Việt Nam), trong đó hơn 250 nhà báo được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp thẻ hành nghề. Hầu như tất cả các loại hình báo chí, các thể loại… đều được các nhà báo Đà Nẵng tiếp cận và thể hiện hiệu quả.

Trong quá trình tác nghiệp đã hình thành đội ngũ những nhà báo có năng lực, tâm huyết, tận tụy với nghề nghiệp, có trách nhiệm trước xã hội. Hầu hết các nhà báo có bản lĩnh chính trị vững vàng, hành nghề trung thực, tuân thủ pháp luật và quy định về đạo đức nghề nghiệp. 5 năm qua, không có khiếu kiện hội viên Hội Nhà báo thành phố vi phạm đạo đức nghề nghiệp. Tuy số lượng không nhiều, nhưng các nhà báo trên địa bàn hoạt động trong một lĩnh vực hết sức đặc thù. Sản phẩm của người cầm bút trong điều kiện truyền thông mở hiện nay có tác động sâu sắc đến xã hội.

Các hội viên tham gia bầu Ban chấp hành khóa VIII, nhiệm kỳ 2015-2020.

Với sự phấn đấu, nỗ lực của các nhà báo, 5 năm qua, có gần 140 tác phẩm đoạt Giải Báo chí thành phố, trong đó 11 giải nhất, 24 giải nhì, 44 giải ba. Trên 240 tác phẩm Báo chí chất lượng cao được Hội Nhà báo Việt Nam thẩm định và đều đạt loại A, B;  97 tác phẩm được gửi dự thi Giải Báo chí quốc gia, có 40 tác phẩm vào chung khảo và 4 tác phẩm đoạt giải B, 7 giải C, 3 giải khuyến khích.

Phó Chủ tịch UBND TP Đặng Việt Dũng trao giải cho các nhà báo
đạt giải Báo chí thành phố Đà Nẵng năm 2014.

Các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố đã kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị, nhà hảo tâm xây dựng gần 100 ngôi nhà tình nghĩa với tổng kinh phí hơn 4 tỷ đồng, hỗ trợ cho hàng ngàn hộ nghèo, gia đình chính sách, những mảnh đời bất hạnh… dẫn đầu phong trào này là Báo Công an thành phố Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng, Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng.

Ra mắt Ban chấp hành HNB thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ 2015-2020.

Trong nhiệm kỳ 2015-2020, Hội nhà báo thành phố tiếp tục bám sát nhiệm vụ chính trị của Thành ủy, UBND thành phố, giữ vững định hướng tuyên truyền theo quan điểm, đường lối của Đảng. Tuy theo từng hình chí, lực lượng báo chí thành phố chú trọng tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của đại hội đảng bộ thành phố lần thứ XXI. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng, nội dung và hình thức thể hiện của báo chí, làm cho báo chí thật sự sinh động, phóng phú và đạt hiệu quả chính trị-xã hội, xứng đáng là đội quân tiên phong trên mặt trận tư tưởng-văn hóa của Đảng.

Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Hội Nhà báo TP Đà Nẵng khóa VIII,
nhiệm kỳ 2015-2020 gồm các nhà báo:

  1. Nguyễn Minh Ánh-Trưởng Phòng Chuyên đề Đài phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng
  2. Đại tá Nguyễn Đức Dũng-Tổng Biên Tập Báo Công an TP Đà Nẵng
  3. Huỳnh Văn Hùng-Thành ủy Viên, Giám đốc Đài phát thanh-Truyền hình thành phố Đà Nẵng
  4. Nguyễn Nho Khiêm-Tổng biên tập tạp chí Non Nước
  5. Đỗ Kiếm-Phó Tổng Biên tập Báo-Truyền hình Quân khu 5
  6. Mai Đức Lộc-Thành ủy viên, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng biên tập Báo Đà Nẵng, Chủ tịch HNB thành phố Khóa VII
  7. Trần Thị Thùy Linh-Tạp chí Sinh hoạt lý Luận
  8. Nguyễn Văn Lưỡng-Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo thành phố Đà Nẵng khóa VII
  9. Trung tá Nguyễn Đức Nam-Phó Tổng Biên tập Báo Công an thành phố Đà Nẵng
  10. Phan Hoàng Phương-Trưởng Phòng Đà Nẵng cuối tuần
  11. Nguyễn Thành-Phó Thư ký Tòa soạn Báo Đà Nẵng

Không né tránh những vấn đề nhạy cảm, gai góc

Tại Đại hội, Ban tổ chức Giải Báo chí thành phố Đà Nẵng năm 2014 đã công bố danh sách công nhận 27 tác phẩm đạt giải báo thành phố năm 2014. Trong đó, thể loại báo viết có 17 tác phẩm, truyền hình có 8 tác phẩm và phát thanh có 2 tác phẩm. Loạt bài “Giữa Hoàng Sa cùng chiến mã KN762” của tác giả Công Khanh đạt giải Nhì, “Ghi ở tọa độ nóng” của tác giả Công Hạnh đạt giải Ba thể loại báo viết; tác phẩm truyền hình “Sự thật chùa An Cư” của nhóm tác giả Giang Đông-Quốc Bình, chương trình Vì An ninh Tổ quốc, Báo Công an Đà Nẵng đạt giải khuyến khích thể loại báo hình.

Phát biểu tại Đại hội, ông Phạm Quốc Toàn-Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam đánh giá cao công tác báo chí tại TP Đà Nẵng, đồng thời cho rằng, Đà Nẵng là địa phương có công tác báo chí phát triển năng động, xứng đáng là một trung tâm báo chí năng động của cả nước chỉ sau Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Một số tờ báo in có xu hướng phát hành tăng trong điều kiện khó khăn chung của báo chí hiện nay.

Đồng chí Võ Công Trí-Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đánh giá cao kết quả hoạt động và thành tích đạt được của HNB thành phố trong nhiệm kỳ qua, đồng thời chỉ rõ một số hạn chế, tồn tại trong công tác Hội như: nội dung và phương thức hoạt động của Hội chưa theo kịp yêu cầu và đòi hỏi của công cuộc xây dựng, phát triển sôi động của thành phố; sức cuốn hút và tập hợp của Hội chưa cao, chất lượng hoạt động của một số cơ sở Hội và hội viên chưa được nâng lên tương xứng. Ý thức xây dựng Hội của một số hội viên còn thấp.

Tính chủ động trong phối hợp hoạt động của Hội với các cơ quan quản lý báo chí, cơ quan báo chí cũng như với cấp ủy, chính quyền chưa cao. Chất lượng nội dung của báo chí thành phố tuy được nâng lên nhưng số bài bình luận sắc sảo về thời sự, chính trị còn ít. Những bài báo mang tính phát hiện, định hướng dư luận xã hội và có giá trị về tư tưởng cũng chưa nhiều. Thông tin còn nặng về chiều rộng, ít chiều sâu, đôi khi chỉ thông tin một chiều, thậm chí còn né tránh những vấn đề nhạy cảm, gai góc…

Trước thực tiễn đó, để phát huy mạnh mẽ vai trò của báo chí đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và phát triển đất nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng, đáp ứng mong muốn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố, đồng chí Võ Công Trí nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ đến HNB thành phố cần tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cấp Hội theo tinh thần Chỉ thị 37 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, trong đó tập trung vào một số vấn đề như: nâng cao nhận thức về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của báo chí cách mạng trong những người làm công tác báo chí và toàn xã hội; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên báo chí về việc thực hiện thắng lợi chủ trương, nghị quyết của Đảng; tập trung thông tin, tuyên truyền các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, cải thiện đời sồng nhân dân; trước mắt báo chí cần tập trung phản ánh không khí sôi nổi, tinh thần tích cực, khẩn trương trong việc chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu lần thức XXI Đảng bộ thành phố và Đại hội toàn quốc lần thức XII của Đảng.

Báo chí cần tỉnh táo, thận trọng xử lý thông tin, có sự nhạy cảm chính trị tốt trước những thông tin xấu, độc, tác động tiêu cực đến nhận thức và dư luận xã hội. Báo chí phản phản ánh sự thật, nhưng sự thật nào cũng phải qua lăng kính  và góc nhìn của nhà báo, tránh vào các vụ việc giật gân để câu “wiew”, câu “like” cũng như không cho phép sử dụng báo chí làm công cụ để vụ lợi, hay chống phá, đi ngược chủ trương của Đảng. Ngoài ra, báo chí thành phố cũng phải thường xuyên đổi mới, nâng cao chất lượng, sức hấp dẫn, hiệu quả thông tin; xử lý tốt mối quan hệ giữa việc đáp ứng yêu cầu thông tin ngày càng cao của công chúng với đảm bảo định hướng chính trị, tư tưởng của nội dung thông tin, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn tạo… đáp ứng được nhu cầu hội nhập.

Nguyễn Tuấn

Nhà báo Nguyễn Thành: Báo Đà Nẵng:

 

 “Trên mặt trận đấu tranh ngoại giao, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, Báo Đà Nẵng xem đây là mảng tuyên truyền cần được chú trọng rất lớn; nên Ban Biên tập quan tâm một cách sâu sát và có sự đầu tư thích đáng. Từ nhận thức đó, việc tuyên truyền bảo đảm thường xuyên, liên tục, cụ thể, chính xác về thông tin tuyên truyền; nhất là trước những diễn biến phức tạp, nhạy cảm trong quan hệ ngoại giao cũng như những vấn đề diễn ra trên Biển Đông hiện nay”.

Nhà báo Hồng Quang Năm: Đài Phát thanh-Truyền hình Đà Nẵng (DRT):

 

Để tiếp cận với xu thế của báo chí hiện đại, tại DRT, từ lãnh đạo đến phóng viên, biên tập viên, quay phim, kỹ thuật viên đến các MC đều tham gia các lớp đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng làm báo. Trong nhiệm kỳ qua, DRT đã mở trên 10 khóa về kỹ năng làm tin, phóng sự ngắn, phim tài liệu, dựng hình, kể cả đồ họa, thiết kế sân khấu, trường quay… Ngoài ra, sinh hoạt nghiệp vụ cũng được chú trọng như hoạt động thường xuyên để góp ý, chấn chỉnh hay biểu dương các tác phẩm được sản xuất và phát sóng. Nhờ đó, các tác giả luôn được rút kinh nghiệm từ thực tế để có những tác phẩm sau đó tốt hơn.

Nhà báo Phan Thủy: Báo Công an thành phố Đà Nẵng:

 

 “Sự “xuống cấp” về mặt đạo đức của một bộ phận không còn nhỏ trong làng báo còn phải kể đến nguyên nhân từ công tác quản lý của cơ quan chủ quản trực tiếp. Cần thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những mặt được, công tác quản lý báo chí hiện còn tồn tại một số bất cập đáng quan ngại. Có không ít nhà báo có thẻ nhà báo nhưng lại không được người trong giới công nhận. Có người không công tác trong lĩnh vực báo chí, nhưng vẫn có tên trong danh sách hội viên hội nhà báo, có thẻ hẳn hoi… Dù số này không nhiều, nhưng chính sự quản lý không chặt chẽ ấy là một trong những nguyên nhân làm mất uy tín báo chí. Mặt khác, các trường đào tạo chuyên ngành báo chí chưa, hoặc ít chú trọng việc giáo dục đạo đức cho người làm báo trong quá trình tác nghiệp. Tất cả những vi phạm trong khai thác và xử lý thông tin đều bắt nguồn từ đạo đức của nhà báo trong quá trình tác nghiệp mà nên”.