Phát huy giá trị nhân văn cao đẹp trong tư tưởng, nhân cách Hồ Xuân Hương
Hồ Xuân Hương - Nhà hoạt động vì bình đẳng giới
Nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822) là người con của quê hương Quỳnh Đôi, H.Quỳnh Lưu (Nghệ An). Bà là nhà thơ nữ kiệt xuất của Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, được tôn vinh "Bà chúa thơ Nôm" với nhiều tác phẩm đạt đỉnh cao của thơ Nôm, là một hiện tượng hiếm có trong văn học thế giới. Hồ Xuân Hương để lại cho đời khoảng hơn150 bài thơ, bao gồm tập thơ "Lưu Hương ký" (gồm 24 bài thơ chữ Hán, 28 bài thơ chữ Nôm) cùng 100 bài thơ Nôm theo phong cách dân gian, phóng túng, thể hiện sự đặc sắc, phong phú của tiếng Việt.
Trải qua hàng thế kỷ, đến nay, thơ Hồ Xuân Hương vẫn được các thế hệ đương đại yêu mến, bởi tiếng thơ của bà đại diện cho tâm tư, tình cảm, khát vọng yêu và sống, sự quyết liệt trong đấu tranh bình quyền… của người phụ nữ.
Với những giá trị tư tưởng, nghệ thuật mang tính quốc tế và vượt tầm thời đại, thơ Hồ Xuân Hương đã được dịch ra 12 thứ tiếng. Nhiều nhà thơ lớn nước ngoài ngợi ca bà là một trong những nữ sĩ hàng đầu châu Á, là nhà thơ nữ Việt Nam độc đáo nhất trong nền thi ca thế giới.
Tại hội thảo khoa học Quốc tế về nữ sĩ Hồ Xuân Hương, các nhà khoa học trong nước và quốc tế đã tập trung tham luận, làm rõ vị thế, tầm vóc và lịch sử tiếp nhận, chuyển ngữ (dịch thuật) Hồ Xuân Hương; Vấn đề thân thế, quê hương và thời đại Hồ Xuân Hương; Hồ Xuân Hương trong các mối liên hệ với văn hóa dân tộc, văn hóa khu vực và văn hóa nhân loại; Những vấn đề về thi pháp, phong cách nghệ thuật và sức hấp dẫn, lan toả của thơ Hồ Xuân Hương... Đặc biệt, thơ của bà đã thể hiện một không gian đa chiều với những góc nhìn mới mẻ trong tất cả các lĩnh vực.
GS.TS Nhà giáo nhân dân Trần Đình Sử cho rằng, thơ Hồ Xuân Hương thể hiện một tư tưởng nhân văn, nhân bản mang tính nhân loại sâu sắc với hạt nhân là đấu tranh đòi quyền sống cho con người. "Hồ Xuân Hương là nhà thơ đa tài, thơ Hán đã hay mà thơ Nôm càng hay, có phần lấn lướt thơ Hán. Bà có thể làm rất nhiều loại thơ khác nhau, mà thơ nào cũng điêu luyện, đọc lên rung động cả tâm hồn. Riêng loại thơ diễm tình có truyền thống lâu đời trong thơ Đông Á, nhưng vẫn có nét riêng thể hiện cá tính của nhà thơ Việt Nam"- GS.TS Trần Đình Sử nhấn mạnh.
Bà Lady Borton - Nhà văn, Nhà nghiên cứu, dịch giả đến từ nước Mỹ lại cho rằng, Hồ Xuân Hương là một hiện tượng khác thường, phi thường và…độc nhất vô nhị. Nhưng bà không đơn độc vì cuộc đời và sự nghiệp thi ca của bà hẳn đã neo vào dòng phả hệ những nữ thi sĩ Việt Nam tiêu biểu như là một người thầy.
Như ông Christian Manhart - Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam nhấn mạnh tại hội thảo khoa học, Hồ Xuân Hương là nhà hoạt động vì bình đẳng giới, những tư tưởng của bà đã trở thành những tư tưởng, nguyên tắc của UNESCO sau này. Việc tổ chức hội thảo cũng là cơ hội để xúc tiến, quảng bá di sản của bà trên toàn thế giới.
Phát biểu tại Lễ vinh danh, kỷ niệm 250 năm sinh và 200 năm mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Hồ Xuân Hương là bậc nữ sĩ kỳ tài, là hiện tượng đặc sắc của nền Văn học trung đại Việt Nam. Thơ của bà ẩn chứa nhiều vấn đề sâu sắc, phức tạp, nhiều vấn đề đột phá, thể hiện tính chất phong tình, vừa mang tinh thần phản kháng mạnh mẽ, thể hiện tư tưởng nhân văn, nhân bản, mang tính nhân loại sâu sắc, đấu tranh đòi quyền sống, quyền yêu đương của con người mà trước hết là người phụ nữ. Con người trong thơ bà là con người với mọi nhu cầu trần thế, nhu cầu hiện sinh chính đáng. Tiếng nói vang dội nhất trong thơ Hồ Xuân Hương là tiếng nói đấu tranh đòi nữ quyền, quyền bình đẳng, quyền được yêu thương hạnh phúc, quyền được công khai hiện diện trong cuộc sống với tất cả những gì tạo hóa ban cho người phụ nữ, cho con người. Hồ Xuân Hương dám thực hiện đấu tranh cho quyền phụ nữ, phản kháng quyết liệt, chia sẻ tận cùng với số phận bất hạnh của nữ giới trong xã hội cũ…
Phát huy giá trị Hồ Xuân Hương trong thời đại ngày nay
Cho đến nay, các nhà nghiên cứu đều thống nhất khẳng định rằng, trong các nữ thi sĩ thời trung đại như nhà thơ Lê Ngọc Hân, Bà huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm… thì Hồ Xuân Hương là trường hợp thu hút mạnh mẽ, hấp dẫn nhất. Chính sự lập dị, sắc sảo đã giúp thơ bà có sức sống bền bỉ và tính cộng hưởng mạnh mẽ. Không phải ngẫu nhiên, thi sĩ Xuân Diệu gọi Hồ Xuân Hương với danh xưng "Bà chúa thơ Nôm", bởi sức sống kiên cường và tầm ảnh hưởng của những sáng tác thơ, những giai thoại và vị trí đặc biệt của bà.
Theo thông tin từ ông Christian Manhart, tại kỳ họp lần thứ 41 của Đại hội đồng UNESCO tại Paris vào tháng 11-2021, 193 nước thành viên đã nhất trí thông qua nghị quyết rằng UNESCO sẽ cùng tham gia kỷ niệm 250 năm sinh của Nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Hồ sơ đề nghị của Việt Nam đã được nhiều quốc gia thành viên ủng hộ và đã thuyết phục được 193 thành viên của UNESCO, bởi Nữ sĩ Hồ Xuân Hương là một trong những nữ nhà thơ tiêu biểu của châu Á."Điều đặc biệt, lúc sinh thời, bà đã thể hiện tư tưởng vượt qua thời đại, một nhà hoạt động vì bình đẳng giới từ những ngày đầu. Đây chính là điểm nhấn trong bối cảnh xã hội ở thế kỷ XVIII, XIX. Vì vậy, bà chính là người đã theo đuổi những lý tưởng và ưu tiên mà sau này đã trở thành sứ mệnh của UNESCO. Bà là con người đi trước thời đại, dùng ca từ của mình để đấu tranh cho bình đẳng giới và quyền con người. Thơ ca của bà thể hiện tư tưởng nhân văn sâu sắc, niềm khát khao về quyền sống, quyền công bằng, quyền yêu thương và hạnh phúc dành cho tất cả mọi người, đặc biệt là người phụ nữ"- ông Christian Manhart khẳng định.
"Việc UNESCO công nhận, tôn vinh những giá trị và ý nghĩa nhân văn cao đẹp, trường tồn trong tư tưởng, nhân cách Hồ Xuân Hương cũng chính là tôn vinh nét đẹp trong tâm hồn, trí tuệ, nhân văn, bác ái của con người Việt Nam. Điều này thêm lần nữa khẳng định, những giá trị tốt đẹp trong cốt cách con người Việt Nam, văn hóa Việt Nam đã và đang hòa chung dòng chảy văn hóa nhân loại, cũng như làm giàu hơn, phong phú hơn cho văn hóa thế giới" - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Dương Hóa
Trong ngày 2, 3-12, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đã dâng hương tưởng niệm Nữ sĩ Hồ Xuân Hương - Danh nhân văn hóa thế giới tại Nhà thờ họ Hồ và bia tưởng niệm Hồ Xuân Hương ở xã Quỳnh Đôi, H.Quỳnh Lưu; Dâng hương trước mộ đồng chí Hồ Tùng Mậu; Bia tưởng niệm Anh hùng lực lượng vũ trang Cù Chính Lan. Chủ tịch nước đã dự và phát biểu tại Lễ vinh danh, Kỷ niệm năm sinh và năm mất của nữ sĩ Hồ Xuân Hương. Ngoài Hội thảo khoa học Quốc tế, Ban tổ chức còn tổ chức nhiều hoạt động khác, trong đó có triển lãm hội họa về Nữ sĩ Hồ Xuân Hương - Tài năng và bí ẩn và… |