Báo Công An Đà Nẵng

Phát huy giá trị văn hóa xây dựng nông thôn mới

Thứ hai, 04/12/2017 12:46

Do quá trình đô thị hóa, đất nông nghiệp ở H. Hòa Vang (Đà Nẵng) ngày càng bị thu hẹp, đa số hộ dân nằm trong vùng giải tỏa, di dời nhiều năm qua không còn đất canh tác, đơn cử như thôn Phú Hòa 1 (xã Hòa Nhơn). Song, cứ đến mồng 1-10 Âm lịch hằng năm, người dân trong thôn vẫn tề tựu ở miếu làng tổ chức lễ Xuống đồng với đầy đủ nghi thức, hình thức diễn xướng phác họa lịch sử phát triển của một làng quê từ xa xưa đến hiện đại nhằm lưu giữ truyền thống và tinh thần cố kết cộng đồng bền chặt... Qua đó, có thể thấy Hòa Vang là vùng đất giàu bản sắc văn hóa dân tộc và là nơi lưu giữ nhiều giá trị lịch sử văn hóa truyền thống. Cùng với quá trình phát triển kinh tế, chính quyền và nhân dân địa phương đang ra sức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống, tích cực góp phần xây dựng nông thôn mới (NTM)...

Nhiều năm qua, dân làng Phú Hòa 1 (xã Hòa Nhơn) vẫn tổ chức lễ Xuống đồng.

Sau gần 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết T.Ư 5 (khóa VIII) về "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", Hòa Vang đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Phát huy truyền thống đoàn kết dân tộc, các phong trào thi đua giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc được nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện tích cực hưởng ứng. Nổi bật nhất phải kể đến Cuộc vận động (CVĐ) "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" trước đây, nay là CVĐ "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh" đã làm khởi sắc bộ mặt nông thôn, cảnh quan môi trường ngày càng khang trang, tình làng nghĩa xóm càng thêm gắn bó. Sau 2 năm triển khai CVĐ "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh", việc thực hiện tiêu chí văn hóa như "Không rải vàng mã trong đám tang", "Sử dụng đĩa nhạc thay nhạc công trong đám tang", "Thôn không có quảng cáo, rao vặt sai quy định", "Khu dân cư thân thiện môi trường", "Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường"... đã thực sự đi vào cuộc sống và được nhân dân các địa phương đón nhận tích cực. Phong trào xây dựng "Thôn kiểu mẫu NTM" thật sự lan tỏa, tạo ra nông thôn hiện đại, văn minh, nhưng không vì thế mà mất đi bản sắc văn hóa tốt đẹp ở từng gia đình, tộc họ.

Đến nay 11/11 xã của H. Hòa Vang đều có Trung tâm Văn hóa thể thao xã và đi vào hoạt động hiệu quả, trong đó, các xã: Hòa Tiến, Hòa Nhơn, Hòa Sơn, Hòa Ninh, Hòa Liên, Hòa Bắc có Nhà văn hóa xã được đầu tư xây mới hoàn thiện và tập trung thuận tiện trong công tác quản lý, hoạt động... Cuối năm 2016, toàn huyện có 89,46% hộ đạt "Gia đình văn hóa"; 85,71% thôn được công nhận là "Thôn văn hóa"; 93,71% cơ quan, đơn vị, trường học đạt danh hiệu "Cơ quan đạt chuẩn văn hóa"; 100% xã đạt danh hiệu "Xã đạt chuẩn văn hóa NTM". Đến nay, các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn huyện đã được xếp hạng cấp Quốc gia, TP đều có tổ chức lễ hội định kỳ, nội dung lễ hội luôn gắn liền với các hoạt động mang đậm tính nhân văn sâu sắc như: trao học bổng cho học sinh nghèo, hỗ trợ sinh kế cho hộ khó khăn, đoàn kết các tộc họ. Đặc biệt, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc được chú trọng, nhất là việc sưu tầm phổ biến các loại hình văn học - nghệ thuật dân ca, bài chòi; phối hợp với các cơ quan chuyên môn phục dựng một số lễ hội văn hóa phi vật thể của đồng bào Cơ Tu... Những kết quả trên góp phần tích cực trong việc giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của nhân dân, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong đời sống, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.

Các tộc họ làng Quá Giáng (xã Hòa Phước) ký kết thi đua tại lễ hội.

Theo Trưởng Phòng VT-TT huyện Đỗ Thanh Tân, trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng, tình hình phát triển văn hóa của địa phương, thời gian đến, Hòa Vang tiếp tục nỗ lực phát huy giá trị văn hóa xây dựng NTM. Trong đó, trọng tâm vẫn là công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các quan điểm, nhiệm vụ trong Nghị quyết để nâng cao nhận thức trong cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các hội đoàn thể về ý nghĩa, tầm quan trọng, sự cần thiết cấp bách trong sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa trong thời kỳ mới... "Hòa Vang là địa phương hứng chịu nhiều bão lửa trong chiến tranh, thiên tai thường xuyên xảy ra nên những loại hình di sản văn hóa bị mai một nhiều. Từ khi có Nghị quyết T.Ư 5, những thiết chế văn hóa truyền thống, cổ truyền dần dần được trùng tu, tôn tạo bằng chính sự khuyến khích của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền. Có thể nói, Nghị quyết T.Ư 5 đã nối những khoảng đứt gãy từ truyền thống tới hiện tại cho người dân nông thôn hôm nay" - anh Tân cho biết thêm.

VY HẬU