Báo Công An Đà Nẵng

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú (01/5/1904 – 01/5/2014):

Phát huy tinh thần bất diệt “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu” của đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú trong cuộc đấu tranh bảo vệ An ninh Tổ quốc

Thứ tư, 30/04/2014 13:58

Ngày 01 tháng 5 năm 2014, chúng ta long trọng kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng ta, người cộng sản kiên cường, nhà lý luận xuất sắc, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là dịp để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta, trong đó có lực lượng Công an nhân dân, học tập và bày tỏ lòng biết ơn về cuộc đời hoạt động cách mạng vẻ vang, tấm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng và những cống hiến to lớn của đồng chí Trần Phú đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng ta, dân tộc ta.

Đồng chí Trần Phú.

Với 27 tuổi đời, hơn 8 năm hoạt động cách mạng, gần một năm giữ trọng trách Tổng Bí thư của Đảng, nhưng sự nghiệp cách mạng của đồng chí Trần Phú thật lớn lao, để lại cho Đảng, giai cấp công nhân và nhân dân ta tấm gương cao đẹp về trí tuệ mẫn tiệp, đạo đức trong sáng, khí phách kiên cường của người cộng sản mẫu mực, trọn đời phấn đấu hy sinh cho mục tiêu, lý tưởng của Đảng. Tên tuổi và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Đồng chí đã trở thành biểu tượng của lòng kiên trung, bất khuất và chủ nghĩa anh hùng cách mạng, được các thế hệ cán bộ, đảng viên và nhân dân ta noi theo.

Trong bối cảnh đất nước đang chìm đắm dưới ách nô lệ của thực dân, đế quốc, Đảng Cộng sản Đông Dương được thành lập, hệ thống tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở được xây dựng, củng cố, trực tiếp lãnh đạo quần chúng đấu tranh. Để phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo cách mạng của Đảng, đồng chí Trần Phú đặc biệt quan tâm công tác xây dựng Đảng, đề cao kỷ luật của Đảng, luôn luôn kiên định bản lĩnh chính trị của người cộng sản. Luận cương chánh trị của Đảng Cộng sản Đông Dương do Đồng chí được Đảng giao soạn thảo, được thông qua tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 10-1930), chỉ rõ: “Điều kiện cốt yếu cho sự thắng lợi của cuộc cách mạng ở Đông Dương là cần phải có một Đảng Cộng sản có một đường chánh trị đúng, có kỷ luật, tập trung, mật thiết liên lạc với quần chúng, và từng trải tranh đấu mà trưởng thành. Đảng là đội tiền phong của  vô sản giai cấp lấy chủ nghĩa Các Mác và Lênin làm gốc mà đại biểu quyền lợi chánh và lâu dài, chung cho cả giai cấp vô sản ở Đông Dương, và lãnh đạo vô sản giai cấp Đông Dương ra tranh đấu để đạt mục đích cuối cùng của vô sản là chủ nghĩa cộng sản”[1]. Trong Điều lệ Đảng Cộng sản Đông Dương, tầm quan trọng của kỷ luật Đảng đã được khẳng định: “Cái trách nhiệm của đảng viên và các đảng bộ là giữ theo kỷ luật của Đảng một cách rất nghiêm khắc. Tất cả đảng viên phải chấp hành các nghị quyết của Q.T (Quốc tế Cộng sản) của Đảng Đại hội, của Trung ương, của các thượng cấp cơ quan. Trước khi chưa nghị quyết thì tất cả các vấn đề ở trong Đảng đều được tự do thảo luận”[2]. Để kịp thời đối phó với âm mưu thâm độc của kẻ thù và uốn nắn những lệch lạc “tả khuynh” cũng như “hữu khuynh”, tại Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (tháng 3-1931), đồng chí Trần Phú đã phê phán chủ trương “Trí, phú, địa, hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” là sai lầm và kiên quyết chỉ đạo khắc phục, góp phần xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, kỷ luật của Đảng, lấy lại lòng tin trong nhân dân để tiếp tục tập hợp và xây dựng lực lượng cách mạng. Trong giai đoạn đó, tổ chức, kỷ luật của Đảng được chú trọng củng cố, vai trò lãnh đạo của hệ thống tổ chức Đảng ngày càng được khẳng định trong đấu tranh cách mạng. Vì vậy, ngày 11-4-1931, Ban Chấp hành Quốc tế Cộng sản đã ra Nghị quyết công nhận Đảng Cộng sản Đông Dương là một chi bộ trực thuộc Quốc tế Cộng sản.

Ngày 18-4-1931, khi bị bắt, bị địch rạch da, nhét bông tẩm dầu đốt, tra tấn dã man hàng trăm lần, nhưng đồng chí Trần Phú đã nêu cao tấm gương kiên trung, bất khuất, giữ vững khí phách của người cộng sản, kiên quyết không khai bí mật của Đảng. Lời nhắn gửi cuối cùng của Đồng chí trước lúc hy sinh là: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!”. Đó là lời nhắn gửi đầy tâm huyết và trách nhiệm của đồng chí Tổng Bí thư thời dựng Đảng đến các thế hệ mai sau: hãy kiên định mục tiêu và lý tưởng của Đảng, vì nhân dân, vì đất nước, kiên định thực hiện sự nghiệp cách mạng mà thế hệ cha ông đã gây dựng. Sự nghiệp cách mạng dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, chông gai, nhưng nhất định thắng lợi. Tập san tuyên truyền của Đảng đã viết: “Tấm gương hy sinh của Anh được đánh giá cao cả như một vị thánh”[3]; Tạp chí Quốc tế Cộng sản đăng bài “Tưởng nhớ đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương”, đã viết: “Đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú của chúng ta đã hy sinh, nhưng tên tuổi của đồng chí sẽ vĩnh viễn sống mãi trong lịch sử đấu tranh cách mạng của Đông Dương cũng như sống mãi trong trái tim của những người lao động Đông Dương các thế hệ hôm nay và mai sau. Sự nghiệp cách mạng của đồng chí, lòng trung thành và thái độ bất khuất của đồng chí trong nhà tù đế quốc mãi mãi là tấm gương cho những người cộng sản ở tất cả các nước và nhất là cho những người cộng sản Đông Dương”[4].

Hiện nay, sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội của đất nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi sâu sắc với những diễn biến phức tạp mới, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường, tác động tiêu cực đến tình hình an ninh, trật tự ở trong nước. Sự nghiệp đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta, bên cạnh kết quả, thành tựu đạt được, đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tác động của mặt trái cơ chế kinh tế thị trường và mở cửa hội nhập quốc tế đang bộc lộ rõ và gay gắt hơn. Âm mưu, hoạt động “diễn biến hoà bình”, bạo loạn, lật đổ của các thế lực thù địch nhằm xoá bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam không hề thay đổi; nhưng thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, thâm độc và nguy hiểm. Chúng ra sức xuyên tạc, vu cáo Đảng, Nhà nước, tấn công trực diện vào hệ tư tưởng, đường lối chính trị của Đảng, kích động chia rẽ nội bộ Đảng, chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân hòng làm suy yếu sức mạnh của Đảng, Nhà nước ta, tác động tạo “chuyển hóa” từ bên trong. Trong khi đó, những biểu hiện xa rời mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên đang làm xói mòn lòng tin của cán bộ, nhân dân. Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã cảnh báo vẫn còn hiển hiện, có mặt trầm trọng hơn.

Cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự ngày càng cam go, quyết liệt. Kẻ địch sử dụng mọi thủ đoạn nham hiểm, thâm độc tấn công phá hoại, đả kích, vu cáo, bôi nhọ, kể cả sử dụng “đạn bọc đường” để lôi kéo, tha hóa hòng vô hiệu hóa lực lượng nòng cốt trong công tác bảo vệ an ninh, trật tự; chúng đòi “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”, tìm mọi cách chia rẽ Công an với Quân đội, chia rẽ các cơ quan bảo vệ pháp luật, chia rẽ lực lượng vũ trang với nhân dân... nhằm thực hiện "cách mạng màu", như chúng đã thực hiện ở một số nước trên thế giới.

Trong bối cảnh đó, lời nhắn gửi cuối cùng của đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu!” vẫn còn nguyên giá trị và là bài học quý báu nhắc nhở lực lượng Công an nhân dân phải luôn vững vàng về chính trị, tư tưởng, thống nhất cao về ý chí và hành động; trong sạch về đạo đức, lối sống, không dao động trước các thủ đoạn tấn công, phá hoại, lôi kéo, tha hóa, đả kích và bôi nhọ của các thế lực thù địch, phần tử xấu và tội phạm, kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh, khách quan mọi hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm theo tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo đảm không bỏ lọt tội phạm, đồng thời không để oan, sai.

Mỗi cán bộ, chiến sĩ công an cần tiếp tục hun đúc bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, giữ vững kỷ cương, kỷ luật, suy nghĩ, hành động theo Sáu điều Bác Hồ dạy, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”; kiên định mục tiêu, lý tưởng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ Tổ quốc; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; bảo vệ nhân dân; kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và đối ngoại của đất nước.

Hơn 80 năm kể từ ngày Tổng Bí thư Trần Phú anh dũng hy sinh, nhưng khí tiết cách mạng, ý chí chiến đấu của Đồng chí luôn tỏa sáng, soi rọi, động viên, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang, kiên định con đường cách mạng mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn, nỗ lực phấn đấu vươn lên giành những thành tựu to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Học tập, noi theo khí phách kiên cường, bất khuất, tinh thần chiến đấu, hy sinh trọn đời cho lý tưởng cách mạng, niềm tin của Đảng, độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân của đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú, lực lượng Công an nhân dân nguyện tiếp tục phát huy truyền thống anh hùng, vững vàng bản lĩnh chính trị, giữ vững ý chí chiến đấu, đoàn kết nhất trí, thường xuyên trau dồi phẩm chất đạo đức cách mạng, chấp hành nghiêm kỷ luật, tận tụy với công việc, nêu cao tinh thần phục vụ nhân dân; phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ với Quân đội nhân dân và các bộ, ban, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và dựa vào nhân dân, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm vững chắc an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

   Đại tướng Trần Đại Quang
Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an

 

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2 1930, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1998, tr. 110.

[2] Sđd, tr. 127.

[3] Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, một tấm gương bất diệt, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr. 380.

[4] Tạp chí Quốc tế Cộng sản, số 5/1932.