Báo Công An Đà Nẵng

Phát huy tốt vai trò quần chúng

Thứ sáu, 23/06/2017 13:07

(Cadn.com.vn) - Xã Hòa Phú (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) là địa bàn miền núi có nhiều đặc thù như thôn đồng bào Cơ Tu Phú Túc giáp ranh với xã Ba (H. Đông Giang, Quảng Nam) là các cánh rừng rộng hàng chục héc-ta luôn bị "lâm tặc" dòm ngó, thôn Hòa Xuân thì nằm riêng biệt bên kia dòng sông An Lợi dưới chân núi Bà Nà. Bên cạnh đó, tuyến QL14G qua địa bàn xã dài hơn 20km lại có 5 khu du lịch sinh thái, lượng du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng nhiều nhất là các dịp lễ, thời tiết nắng nóng… nên công tác quản lý về an ninh trật tự (ANTT) gặp không ít khó khăn. Song, với nỗ lực đảm bảo sự bình yên để người dân phát triển KT-XH, bên cạnh việc tham mưu cho Đảng ủy và chính quyền địa phương triển khai thực hiện tốt Phong trào TDBVANTQ, lực lượng CAX tiếp tục phối hợp với các hội, đoàn thể duy trì, phát huy hiệu quả các mô hình tự quản; nhờ đó tình hình ANTT tại địa phương từ đầu năm đến nay luôn được giữ vững.

Được biết, sau khi triển khai Chỉ thị 24 của Thành ủy về việc giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, học sinh bỏ học và thiếu niên vi phạm pháp luật, CAX Hòa Phú phối hợp với Mặt trận và các đoàn thể hướng dẫn cho các tộc họ trên địa bàn thực hiện cam kết gìn giữ nền nếp gia phong và danh dự dòng tộc, tự bảo lãnh con cháu lầm lỗi trở thành công dân tốt. CAX thường xuyên liên hệ, tư vấn các tộc họ, hướng dẫn thực hiện công tác phòng chống tội phạm; kịp thời thông báo những trường hợp sai phạm và đề xuất biện pháp giáo dục. Việc làm này đã tác động mạnh mẽ đến tâm tư, tình cảm của từng gia đình và thành viên trong gia tộc, trở thành phong trào thi đua giữa các tộc họ, góp phần hạn chế tình trạng thiếu niên, học sinh vi phạm pháp luật…

Lực lượng CA, dân phòng xã Hòa Phú tuần tra đảm bảo ANTT vùng giáp ranh.

"Điều làm cho người dân địa phương thấy yên lòng hơn là trên địa bàn ngày càng giảm thiểu các vụ vi phạm pháp luật. Cái tình, cái nghĩa của cư dân miền núi gìn giữ bao đời, nay nhờ chủ trương của Đảng và chính quyền các cấp, nên người dân không những thông suốt mà còn tích cực hỗ trợ các lực lượng chức năng trong việc gìn giữ ANTT" - Trưởng thôn Phú Túc Đinh Văn Nhom bộc bạch.

Bên cạnh đó, thông qua những nỗ lực kiên trì của lực lượng CAX, sự chuyển biến nhận thức về pháp luật của người dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm cũng được tăng lên rõ rệt. Nhiều người nông dân trước đây chỉ quen việc nương rẫy, e ngại chuyện tố giác tội phạm thì nay họ đã có ý thức trách nhiệm với cộng đồng trong việc phối hợp xây dựng thôn, xóm bình yên. Từ hơn 20 nguồn tin nhân dân cung cấp, lực lượng CAX đã điều tra, xử lý 13 vụ vi phạm pháp luật, trong đó phạt hành chính 5 vụ, 18 đối tượng với số tiền hơn 23 triệu đồng; chuyển CAH 8 vụ theo thẩm quyền; mở 2 lớp giáo dục pháp luật cho 60 đối tượng cam kết không vi phạm pháp luật và tệ nạn cờ bạc…

Ngoài ra, việc xây dựng điểm mô hình tự quản "Thôn, xóm an toàn về ANTT" tại thôn kiểu mẫu nông thôn mới Đông Lâm đã trở thành phong trào rộng khắp với kết quả thiết thực và đang được triển khai nhân rộng cho 9 thôn còn lại. Đặc điểm chung ở mô hình tự quản này là có sự tham gia tích cực và đông đảo của nhân dân. Người dân vừa là người tổ chức, vừa là lực lượng trực tiếp tiên phong, xung kích trong việc phát hiện đấu tranh, giữ gìn ANTT tại cơ sở…

Nhờ phát huy tốt vai trò quần chúng trong các mô hình tự quản về ANTT, phong trào TDBVANTQ, phòng chống tội phạm của xã Hòa Phú đã có những bước chuyển biến rõ nét; đặc biệt là tình hình ANTT ở các vùng giáp ranh. Theo Trưởng CAX Hòa Phú Lê Văn Minh, thực tiễn phong trào cho thấy, khi người dân được tuyên truyền giác ngộ, cảnh giác phòng ngừa, dũng cảm đấu tranh, sẽ nhân lên sức mạnh to lớn đẩy lùi tội phạm. Đặc biệt, khi địa bàn không còn các loại tội phạm và tệ nạn xã hội thì người dân yên tâm lao động sản xuất, cũng như tích cực góp phần thay đổi diện mạo quê hương, nâng chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Vy Hậu