Báo Công An Đà Nẵng

Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng - xây dựng TP Đà Nẵng ngày càng văn minh, hiện đại

Thứ sáu, 27/03/2020 07:43

Ngày 28-3 năm nay có một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Đảng bộ và nhân dân TP Đà Nẵng; từ 90 năm về trước, ngày 28-3-1930, Thị ủy Tourane (nay là Đảng bộ TP Đà Nẵng) và Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được thành lập và 45 năm trước (ngày 29-3-1975), TP Đà Nẵng được giải phóng. Đây là mốc khởi đầu cho 90 năm hành trình Đảng bộ Đà Nẵng sát cánh cùng quân và dân thành phố đấu tranh giải phóng dân tộc; cũng là 45 năm đánh dấu sự sụp đổ của ngụy quân, ngụy quyền Sài Gòn, kết thúc sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc - TP Đà Nẵng hoàn toàn được giải phóng. Nhân dịp này, thay mặt Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, tôi xin gửi đến các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các đồng chí lão thành cách mạng, các Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng lao động, các tướng lĩnh, đại biểu các tôn giáo, nhân sĩ, trí thức và toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đồng bào thành phố lời chúc tốt đẹp nhất. Đặc biệt, tôi xin chào mừng, gửi lời chúc sức khỏe, thành công đến Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam - người anh em ruột thịt đã cùng quân dân Đà Nẵng chịu đựng gian lao, tù đày trong buổi đầu gieo hạt giống đỏ cách mạng, cùng đồng cam cộng khổ, hy sinh, mất mát trong những năm tháng chiến tranh ác liệt cũng như gắn bó keo sơn trong xây dựng và phát triển suốt 90 năm qua.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa.

Nhìn lại quá trình vận động thành lập tổ chức Đảng đầu tiên tại Đà Nẵng có thể thấy rằng, dưới thời Pháp thuộc, Đà Nẵng là đất “nhượng địa”, là một đô thị sầm uất bậc nhất Trung Kỳ, cũng là nơi tiếp thu sớm nhất các tư tưởng tiến bộ từ thế giới bên ngoài. Chính nơi đây, nhiều người con ưu tú của quê hương Quảng Nam và Đà Nẵng sinh ra, trưởng thành, mang trong mình khát vọng tìm hiểu những tư tưởng yêu nước, tiến bộ với mong muốn tìm đường giải phóng quê hương, giành lại độc lập dân tộc. Tinh thần đó đã nhanh chóng tiếp thu tư tưởng yêu nước, cách mạng do Nguyễn Ái Quốc truyền bá để rồi mỗi cá nhân ấy là những “hạt giống đỏ cách mạng”, ươm mầm trên quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng, nhóm lên những ngọn lửa cách mạng.

Ngược dòng lịch sử, sau sự kiện Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập vào ngày 3-2-1930, gần 2 tháng sau, vào ngày 28-3-1930, Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng ra đời. Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ tỉnh Quảng Nam gồm có các đồng chí: Phan Văn Định, Phạm Thâm, Nguyễn Thái do Phan Văn Định làm Bí thư, Phạm Thâm làm Phó Bí thư. Cũng hôm ấy, Xứ ủy Trung Kỳ dựa vào số cán bộ công tác ở Đà Nẵng, chỉ định đồng chí Hồ Sĩ Thiều (tức Quang) làm Bí thư Thị ủy Tourane (Đà Nẵng), Đà Nẵng có 3 chi bộ, 10 đảng viên. Đây là sự kiện lịch sử trọng đại, đánh dấu một mốc son quan trọng trong đời sống chính trị của nhân dân Việt Nam nói chung và TP Đà Nẵng nói riêng trong nửa đầu thế kỷ XX.

Với tinh thần của người cộng sản, các cán bộ, đảng viên tiền bối của Đảng bộ Quảng Nam và Đà Nẵng ngày ấy đã bất chấp gông cùm, tù đày, tra tấn, đánh đập của thực dân, đế quốc, ngày đêm len lỏi hoạt động trong các xóm thợ nghèo, trong quần chúng lao khổ để tuyên truyền về cách mạng, về con đường đấu tranh giải phóng dân tộc do Nguyễn Ái Quốc vạch ra. Chính từ những cố gắng đó mà tác phẩm Đường Kách Mệnh của Nguyễn Ái Quốc được in tại xóm Giếng Bộng (nay thuộc khuôn viên Trường mẫu giáo Ánh Hồng, P. Bình Hiên, Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) để truyền bá trong nhân dân; nhiều hoạt động táo bạo, gan dạ của những người cộng sản được tổ chức thu hút quần chúng, gây thanh thế cách mạng, tạo nên các cao trào đấu tranh cách mạng năm 1930-1931 để ủng hộ phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, phong trào đòi dân sinh - dân chủ 1936-1939 và cuộc vận động giành chính quyền tại Đà Nẵng trong Cách mạng tháng Tám năm 1945.

Khu vực Sơn Trà (TP Đà Nẵng) thời gian qua phát triển mạnh mẽ trong sự phát triển chung của Đà Nẵng.

Trong vô vàn gian lao, hy sinh, mất mát do thực dân Pháp và phong kiến Nam triều đàn áp, đánh phá ác liệt, song Thị ủy Đà Nẵng đã vượt qua bao nỗi gian nguy, thách thức, vững niềm tin sắc son vào con đường thắng lợi của cách mạng, để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng, vận động nhân dân, gầy dựng cơ sở, phát triển đảng viên, với nhiều quyết sách linh hoạt, sáng tạo, phù hợp nhằm tập hợp đông đảo quần chúng nhân dân. Đặc biệt, tháng     5-1945, khi Thị ủy Đà Nẵng chuyển thành Thành ủy Đà Nẵng đã nhanh chóng tăng cường các hoạt động, xây dựng đội ngũ, vận động nhân dân chuẩn bị mọi mặt cho việc nổi dậy khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Sau 15 năm Đảng bộ Quảng Nam và Thị ủy Đà Nẵng ra đời, ngày 22-8-1945, H. Hòa Vang giành chính quyền; ngày 26-8-1945, TP Đà Nẵng đã hoàn toàn thuộc về cách mạng. Đây cũng là bước ngoặt quan trọng, là kết quả của công cuộc vận động nhân dân, hình thành đội ngũ đấu tranh trực tiếp với kẻ thù, đưa vị thế của người dân Đà Nẵng từ một kiếp nô lệ, đọa đày trở thành công dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tiếp nối vai trò là người dẫn đường, dấn thân vì sự nghiệp cách mạng, vì mục tiêu độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội, suốt 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng bộ Đà Nẵng đã anh dũng, kiên cường lãnh đạo nhân dân thành phố kiên trì, bền bỉ chiến đấu chống thực dân Pháp với tinh thần Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Trong 9 năm “nằm gai, nếm mật”, vượt qua bao gian lao, thử thách, hy sinh, mất mát, Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng xứng đáng là người chiến sĩ trên tuyến đầu của chiến trường trọng yếu, là địa đầu, là lá chắn bảo vệ vùng tự do của Khu 5 chạy suốt từ Nam sông Thu Bồn đến tỉnh Khánh Hòa; là cầu nối Liên khu 5 với Bình Trị Thiên; là căn cứ quan trọng của lực lượng cách mạng Hạ Lào; lập nên nhiều chiến công hiển hách, góp phần cùng quân và dân cả nước đánh thắng thực dân Pháp xâm lược, bằng một “chiến thắng Điện Biên chấn động địa cầu”.

 

Thực dân Pháp thua đau phải rút quân về nước, hòa bình lập lại chưa được bao lâu thì đế quốc Mỹ đã quyết tâm hất cẳng Pháp, phá hoại Hiệp định Genève, đặt nhân dân ta vào một cuộc chiến đấu mới, một cuộc chiến tranh kéo dài và khốc liệt nhất của thế kỷ XX. Trong cuộc chiến này, Đà Nẵng và Quảng Nam trở thành địa bàn đánh phá vô cùng dã man, ác liệt của Mỹ - ngụy, nhất là từ sau sự kiện ngày 8-3-1965 khi quân Mỹ đổ bộ lên bãi biển Xuân Thiều, Đà Nẵng trực tiếp tham chiến tại Việt Nam. Trong những năm tháng ấy, Đảng bộ Đà Nẵng luôn đồng cam cộng khổ, gắn bó máu thịt với quần chúng nhân dân để chỉ đạo các phong trào cách mạng cho đến ngày nước nhà độc lập, thống nhất. Chính từ “ý Đảng, lòng dân” ấy, các phong trào đấu tranh chống chế độ “tố cộng”, diệt cộng khốc liệt của Mỹ - Diệm, hàng trăm cán bộ, đảng viên và cơ sở cách mạng tại Đà Nẵng dù bị địch bắn giết, tra tấn, tù đày nhưng vẫn giữ vững tinh thần kiên trung cách mạng; hay phong trào 76 ngày đêm nổi dậy làm chủ TP Đà Nẵng năm 1966 của quân và dân thành phố, trở thành một trong những phong trào đô thị có sức lan tỏa lớn, gây tiếng vang không chỉ trong nước mà còn với cả thế giới; phong trào “ra Hòa Vang đánh Mỹ” diễn ra thật sôi nổi để dần hình thành nên “vành đai diệt Mỹ Hòa Vang” gây cho Mỹ - ngụy nhiều tổn thất nặng nề. Từ tuyến đầu đánh Mỹ, từ trong gian lao, khổ cực, Đảng bộ Đà Nẵng ngày càng được trui rèn trong thử thách, ngày càng tích cóp nhiều kinh nghiệm, nhất là thực hiện hiệu quả công tác dân vận với phương thức  “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với nhân dân tại cả 3 vùng chiến lược (miền núi, đồng bằng, đô thị) với 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị và binh địch vận) của kẻ thù trên khắp chiến trường Quảng Đà (được thành lập tháng 11-1967 khi TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Đà sáp nhập thành Đặc khu Quảng Đà). Từ đó, tạo nên những chiến công mới, để rồi vận dụng một cách tài tình, sáng tạo, linh hoạt trong thời khắc lịch sử quyết định, như: Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, nhất là chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy giải phóng Đà Nẵng mùa Xuân năm 1975.

... Chiến thắng của quân và dân Đà Nẵng trong những ngày tháng 3 năm ấy là sự hội tụ, kết tinh của công tác vận động, giác ngộ quần chúng nhân dân không ngừng nghỉ của các cấp ủy Đảng thuộc Đặc khu ủy Quảng Đà, là tinh thần tiến công thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng của các lực lượng vũ trang nhân dân và sự nổi dậy mạnh mẽ, quyết liệt, rộng khắp của các tầng lớp nhân dân Quảng Đà nói chung và Đà Nẵng nói riêng với tinh thần "huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã", đồng sức, đồng lòng, nhất tề nổi dậy đập tan căn cứ quân sự hải - lục - không quân khổng lồ của Mỹ - ngụy, xóa sổ toàn bộ quân đoàn I của địch; bắt giữ, hơn 10 vạn tên địch phải đầu hàng, bẻ gãy ý chí "tử thủ" cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn.

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa kiểm tra tiến độ một dự án trên địa bàn Q. Ngũ Hành Sơn.

Từ cuộc tiến công và nổi dậy thần tốc, bất ngờ đó đã làm cho khoảnh khắc 11 giờ 30 phút, ngày 29-3-1975 đã đi vào lịch sử, lá cờ Quyết chiến, Quyết thắng kiêu hãnh tung bay trên Tòa thị chính Đà Nẵng - đánh dấu một sự kiện lịch sử trọng đại trong phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân thành phố, báo hiệu thời khắc sụp đổ, cáo chung không thể nào cứu vãn được của chính quyền tay sai Sài Gòn. Ngày 29-3-1975 luôn là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần bất khuất, là bản anh hùng ca tuyệt vời về đức hy sinh cao cả, ý chí cách mạng kiên cường của quân và dân ta trên khắp chiến trường Quảng Đà; là kết quả của đường lối và nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh nhân dân tài tình của Đảng ta; là tinh thần yêu nước nồng nàn, quyết tâm "đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào" của mỗi người dân Đà Nẵng.

90 năm đã trôi qua - kể từ ngày thành lập Đảng bộ thành phố và 45 năm - kể từ ngày thành phố được giải phóng; Đảng bộ và nhân dân thành phố trong mọi hoàn cảnh lịch sử đã luôn phát huy tinh thần yêu quê hương, đất nước, khát vọng một nước Việt Nam độc lập, tự do, phú cường của những ngày vận động thành lập Đảng; tinh thần Trung dũng kiên cường trong chiến tranh chống Mỹ, cứu nước; tinh thần Đổi mới, sáng tạo phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong xây dựng và bảo vệ quê hương; suốt 45 năm qua, quân và dân Đà Nẵng đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, vừa ra sức khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh, đối phó với những âm mưu, hành động phá hoại của các thế lực thù địch, vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề cho một thành phố giàu đẹp, an bình, văn minh, hiện đại như ngày hôm nay. Đặc biệt, hơn 20 năm qua, kể từ ngày Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, bằng việc kế thừa, phát huy truyền thống, kinh nghiệm tích lũy từ các thời kỳ trước, bằng sự nỗ lực không ngừng, đoàn kết một lòng của các thế hệ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân, cùng sự quan tâm lãnh đạo, giúp đỡ của Trung ương Đảng, Chính phủ, của các bộ, ban, ngành Trung ương, Đà Nẵng không ngừng phát triển về mọi mặt: Đô thị được quy hoạch, chỉnh trang quy mô lớn, không gian đô thị không ngừng được mở rộng, kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng khá cao, liên tục dẫn đầu cả nước nhiều năm liền về các chỉ số phát triển kinh tế như GDP, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (ICT-Index), thu nhập bình quân đầu người ước đạt 4.300 USD, tăng lên hàng chục lần so với năm 1997 - thời điểm thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương.

Chúng ta càng tự hào hơn khi thành phố đã nhạy bén, chọn những khâu đột phá dựa trên tiềm năng và thế mạnh của mình, để phát triển theo hướng nhanh, mạnh, bền vững khi Bộ Chính trị (khóa IX) ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW về phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong những năm gần đây, mặc dù trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, quân và dân thành phố đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả quan trọng, cơ bản là thành phố giữ được ổn định, phát huy sự đồng thuận của đa số quần chúng nhân dân trong quá trình xây dựng Đà Nẵng ngày càng văn minh, hiện đại. Đúc rút nhiều bài học từ thực tế, Đảng bộ Đà Nẵng đã kịp thời điều chỉnh, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch; điều hành có trọng tâm, trọng điểm, sát với tình hình thực tiễn, tạo đà cho thành phố phát triển đi lên. Thành phố đã và đang chuẩn bị những điều kiện cần thiết cho mô hình chính quyền đô thị theo tinh thần Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kết quả đạt được trong 45 năm sau ngày giải phóng là sự nỗ lực bền bỉ, không ngừng của toàn Đảng bộ, cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn thành phố; là sự lãnh đạo sâu sát, kịp thời của Trung ương Đảng và sự quan tâm hỗ trợ của các bộ, ban ngành; sự cổ vũ và giúp đỡ của các tỉnh, thành bạn, của đồng bào cả nước; của tỉnh Quảng Nam anh em; của những người con Đà Nẵng sinh sống, làm ăn ở mọi miền đất nước và ở nước ngoài, của những tấm lòng luôn hướng về Đà Nẵng, của các chiến sĩ ngày đêm cầm chắc tay súng để bảo vệ Tổ quốc. Các thế hệ hôm nay và mai sau sẽ không quên sự kiện lịch sử 90 năm và 45 năm trước; càng không thể lãng quên những năm tháng Đà Nẵng chuyển mình để vươn lên với một ý chí mạnh mẽ, một nghị lực lớn lao, nhằm không ngừng tiến tới một tương lai tươi sáng cho mỗi người dân, bằng chính sự nỗ lực cống hiến của mình.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, chúng ta thẳng thắn nhìn nhận, kinh tế thành phố phát triển vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng, cơ cấu kinh tế thành phố chuyển dịch đúng hướng, tuy có độ trễ trong quá trình chuyển đổi cơ cấu và giá trị đóng góp của từng ngành kinh tế mũi nhọn; mặt khác, việc thực hiện công tác rà soát, điều chỉnh, khắc phục những bất cập trong quy hoạch phát triển thời gian qua đã ảnh hưởng đến kết quả thực hiện một số nhiệm vụ chưa đạt so với kỳ vọng, nhưng về lâu dài thành phố sẽ đảm bảo tốc độ tăng trưởng bền vững, thực chất và đúng định hướng theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII). Chất lượng giáo dục và đào tạo, nguồn nhân lực chưa đồng đều; các lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật chưa được đầu tư để phát triển ngang tầm với tiềm năng, lợi thế của thành phố. Tình hình trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trên một số mặt còn hạn chế. Vai trò động lực, liên kết khu vực và sức lan tỏa còn yếu. Những tồn tại yếu kém trên là không ai mong muốn, có nhiều vấn đề ngoài tầm giải quyết của thành phố nhưng qua đó, cho chúng ta những bài học vô giá về phát huy dân chủ, giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng bộ, sự đồng thuận xã hội; đánh giá, nhận định đúng, đầy đủ, kịp thời tình hình liên quan đến thành phố, nhất là các "điểm nghẽn" cản trở sự phát triển để có những quyết sách và hành động nhanh chóng, quyết liệt, phù hợp; về giữ đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, trách nhiệm người đứng đầu; quyết liệt, kiên trì trong đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo; thực hiện nghiêm túc trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Thực tế cho thấy bài học "thế trận lòng dân" trong những ngày đầu thành lập Đảng bộ và trong suốt hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc tại Đà Nẵng vẫn còn nguyên giá trị đối với chúng ta hôm nay, để thành phố tiếp tục có bước phát triển "đi lên nhanh và mạnh hơn, vững chắc hơn" trong thời gian đến.

Trong những năm đến, với việc Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, chúng ta cần tập trung xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một đô thị khởi nghiệp, sáng tạo, là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước, là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; là thành phố giàu đẹp, an bình; hướng đến đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh và đáng sống.

Phát huy khí thế cách mạng hào hùng của những ngày tháng Ba lịch sử, thay mặt Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, tôi kêu gọi toàn thể Đảng bộ, đồng bào và chiến sĩ Đà Nẵng hãy phát huy truyền thống cách mạng, tất cả chúng ta vì thành phố thân yêu này, kết thành một khối thống nhất, chung sức chung lòng, đem tâm huyết, tài năng và trí tuệ, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức, vững bước trên con đường phát triển, dấy lên cao trào thi đua yêu nước sôi nổi, lập thành tích xuất sắc chào mừng các ngày lễ lớn trong năm 2020, chào mừng đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quyết tâm vững vàng đưa thành phố phát triển đi lên nhanh và mạnh hơn, vững chắc hơn.

Đó chính là quyết tâm, là lời hứa thiêng liêng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng trước anh linh của lớp lớp thế hệ đã anh dũng hy sinh vì mảnh đất Đà Nẵng thân yêu; để mãi mãi ghi nhớ và không phụ lòng tin yêu, sự hy sinh cao cả của những thế hệ đảng viên, cán bộ của Đảng bộ thành phố trong chặng đường 90 năm xây dựng và phát triển, của tinh thần "một ngày bằng 20 năm" - ngày 29-3 lịch sử. Đó chính là khát vọng, là cam kết đầy trách nhiệm của chúng ta với đồng bào, chiến sĩ cả nước hôm nay và con cháu mai sau, cũng chính hành động thiết thực nhất của tất cả chúng ta nhân dịp kỷ niệm trọng thể và đầy ý nghĩa này.

Đồng chí TRƯƠNG QUANG NGHĨA -
Ủy viên Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng