Báo Công An Đà Nẵng

Phát huy vai trò của các Khu công nghiệp, Khu chế xuất: Cần tạo thêm cơ chế

Thứ hai, 28/09/2015 07:36

(Cadn.com.vn) - Cho đến thời điểm hiện nay, các Khu công nghiệp (KCN), Khu chế xuất (KCX), Khu kinh tế (KKT) ở khu vực miền Trung đã có những bước phát triển khá tốt và đã có những đóng góp vào thành công chung của tình hình KT-XH. Tuy nhiên, khu vực này hiện đang đứng trước những khó khăn, thách thức mới.

Những tín hiệu khả quan

Hiện tại, TP Đà Nẵng có 6 KCN tập trung trên diện tích đất theo quy hoạch hơn 1.000ha và theo số liệu thống kê tính đến ngày 10-6-2015 đã có tỷ lệ lấp đầy là 85,90%; trong đó, KCN Hòa Khánh và KCN Đà Nẵng có tỷ lệ lấp đầy là 100%, tiếp đến là Khu Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng 99,34%, KCN Hòa Cầm 84,83%, các KCN còn lại như Hòa Khánh MR, Liên Chiểu đều đạt từ 65% trở lên. Các dự án có vốn đầu tư nước ngoài được đầu tư bởi các doanh nghiệp (DN) đến từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó DN Nhật Bản có số lượng dự án đầu tư vào KCN nhiều nhất, chiếm 36%.

Một tham luận của BQL các KCN-CX Đà Nẵng tại hội nghị giao ban các tỉnh, thành phố phía Nam lần thứ 2 mới đây do Bộ KH-ĐT chủ trì cho biết, đến thời điểm này, tổng số dự án đầu tư tại các KCN ở Đà Nẵng là 403 dự án, trong đó dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là 92 với số vốn đăng ký gần 948 triệu USD, trong nước có 311 dự án với số vốn đăng ký đầu tư hơn 14.200 tỷ đồng. Các dự án nói trên đã thu hút gần 74.000 lao động.

Tại Phú Yên, KKT Nam Phú là KKT tổng hợp có hạ tầng đô thị hiện đại mang tính đột phá. Bên cạnh các KCN nằm trong KKT Nam Phú Yên còn có các KCN An Phú và KCN Đông Bắc sông Cầu đã thu hút hơn 97 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng và gần 3.200 triệu USD, trong đó có 62 dự án đã đi vào hoạt động, thu hút hơn 5.000 lao động vào làm việc, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Tại Quảng Nam, BQL các KCN tỉnh này cho biết đã có 78 dự án đầu tư còn hiệu lực, gồm 25 dự án nước ngoài và 53 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư gần 3.000 tỷ đồng và 364,80 triệu USD, diện tích sử dụng đất gần 252ha.

Riêng ở Quảng Ngãi, với lợi thế riêng, BQL các KCN tại đây đã tập trung thu hút các dự án đầu tư thuộc ngành công nghiệp phụ trợ như: điện tử, cơ khí chế tạo, da giày... và xem đây là những lĩnh vực ưu tiên. Tính đến nay, các KCN Quảng Ngãi đã thu hút được 8 dự án FDI có tổng vốn đăng ký đầu tư hơn 66 triệu USD, hàng năm đóng góp ngân sách Nhà nước gần 1.000 tỷ đồng, tạo ra doanh thu trên 6.000 tỷ đồng và giải quyết việc làm cho hơn 14.000 lao động địa phương.

Sản xuất đồ nhựa tại Cty Chin Huei, KCN Hòa Khánh.

Vẫn còn rào cản

Trao đổi với P.V Báo Công an Đà Nẵng, ông Trần Văn Liễu, Chủ nhiệm CLB Ban Quản lý KCN, KCX, KKT, KCNC các tỉnh, thành phố phía Nam đề nghị, sớm hình thành khung pháp lý đặc thù cho KCN, KKT tiến tới xây dựng Luật KCN; hình thành kênh đối thoại định kỳ hoặc tiếp xúc trực tiếp giữa các cấp chính quyền với DN để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN.

Vậy những khó khăn, vướng mắc, rào cản cần được tháo gỡ đó là gì? Vấn đề “hậu kiểm” trong việc thực hiện dự án đầu tư là một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất. Hiện nay, mặc dù đã có quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với các KCN được UBND tỉnh quyết định ban hành nhưng có một thực trạng là ở một số địa phương, sở, ngành nào cũng thực hiện thanh tra, kiểm tra, không rõ đầu mối (BQL) đã gây phiền hà, nản lòng đối với DN nhất là DN FDI. TS Man Ngọc Lý, Trưởng BQL KKT Bình Định cho rằng sự phối hợp giữa BQL với các sở, ngành trong công tác phối hợp quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn KKT và các KCN vẫn còn một số vướng mắc, bất cập, mang nặng tính hình thức và chưa đáp ứng được yêu cầu nên chưa mang lại hiệu quả cao. Ông Lý cho rằng, hiện nay, nhiệm vụ quản lý nhà nước giữa bên trong và bên ngoài ranh giới KCN còn chồng chéo bởi sự không thống nhất, không đồng bộ giữa khung pháp lý chuyên ngành và khung pháp lý đặc thù đã gây không ít phiền hà cho các DN khi hoạt động trong KCN.

Vấn đề này không còn là một ý kiến riêng lẻ khi mà ngay cả ông Đỗ Trần Chương, Phó Trưởng BQL KKT Phú Yên cũng đề cập đến khâu hậu kiểm trong việc thực hiện dự án đầu tư còn có những chồng chéo chưa được giải quyết một cách triệt để. Cũng liên quan đến vấn đề hậu kiểm trong việc thực hiện các dự án đầu tư và những vướng mắc trong mua bán, chuyển nhượng dự án đầu tư, tài sản, nhà xưởng, BQL KCN Quảng Nam nêu ra một thực tế là, trong nhiều năm qua đã xuất hiện tình trạng một số dự án với vốn đầu tư đến hàng tỷ USD triển khai không đúng tiến độ, một số dự án khác đạt chất lượng thấp, một số DN tư nhân ra đời với mục đích lừa đảo, trốn thuế rồi “mất tích”; một số dự án FDI triển khai không đúng với cam kết trong luận chứng kinh tế-kỹ thuật, thậm chí đã có một vài dự án FDI có dấu hiệu lừa đảo... Nếu các cơ quan chức năng quản lý, giám sát tốt tiến trình thực hiện các dự án thì có thể giảm thiểu được thiệt hại.

Rõ ràng để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, khai thông những “rào cản” để hoạt động của các DN trong KCN-KCX ở khu vực miền Trung có điều kiện phát triển tất nhiên không phải là chuyện “một sớm, một chiều”. Vấn đề là các bộ, ngành cũng như các địa phương chịu khó lắng nghe để có những giải pháp thiết thực như hình thành mô hình liên kết giữa công nghiệp phụ trợ, dịch vụ với các dự án sản xuất trong KCN, KKT, giữa các KCN, KKT trong và ngoài tỉnh, thành phố, liên kết giữa các Hiệp hội DN, nhằm hỗ trợ, kết nối các DN trong SXKD, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm là điều cần thiết. Trong bối cảnh hiện nay, các DN đang đứng trước những khó khăn, thách thức to lớn, vì vậy, hơn bao giờ hết, chính quyền, cơ quan quản lý và DN càng cần có sự sát cánh, đồng hành, cổ vũ, chia sẻ và tháo gỡ khó khăn để DN ngày càng có điều kiện phát triển.

Phương Kiếm