Báo Công An Đà Nẵng

Phát triển bền vững Cù Lao Chàm

Thứ bảy, 24/05/2014 05:00

(Cadn.com.vn) - Ngày 23-5, tại Cù Lao Chàm, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, phối hợp với các ban, ngành chức năng tổ chức Hội thảo “Chặng đường phát triển 10 năm Khu bảo tồn biển và 5 năm Khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) Cù Lao Chàm, Hội An”.

Tham dự hội thảo còn có đại diện các Ban quản lý khu bảo tồn trên toàn quốc, các nhà nghiên cứu, quản lý trong lĩnh vực môi trường, sinh thái. Các đại biểu đã tập trung làm rõ những nội dung quan trọng về công tác bảo tồn và phát huy giá trị đa dạng sinh học, đặc biệt là tại Khu DTSQ thế giới.

* Từ ngày 20 đến 26-5, ngay tại Trung tâm bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã trưng bày ảnh “5 năm khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm- Hội An”; trưng bày giới thiệu tài liệu truyền thống về Cù Lao Chàm… Đặc biệt là cũng ngay tại Phòng trưng bày Cảng cá Cù Lao Chàm đã trưng bày những hình ảnh “Hoàng Sa - Trường Sa - Biển đảo Việt Nam”, thể hiện chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa- Trường Sa. 

Du lịch tăng trưởng mạnh

Đã tròn 5 năm kể từ ngày Cù Lao Chàm được Ủy ban điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển thế giới công nhận là khu DTSQ thế giới (26-5-2009), vùng đảo hoang sơ của Quảng Nam đã trở thành tâm điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước bên cạnh phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn. Thương hiệu Cù Lao Chàm đã được định hình với đặc trưng là các hệ sinh thái rừng và biển như rạn san hô, thảm cỏ biển, rừng đặc dụng... vùng đệm có hệ sinh thái.

Năm 2009, lượng khách đến Cù Lao Chàm mỗi năm chỉ khoảng vài nghìn lượt người thì đến năm 2013 đã tăng lên khoảng 176 nghìn lượt khách. Trong 4 tháng đầu năm 2014, Cù Lao Chàm đã đón hơn 40 nghìn lượt khách. Đặc biệt, trong những ngày cao điểm, Cù Lao Chàm đón khoảng 2 - 3 nghìn lượt khách/ngày.

Khu DTSQ là những điểm thu hút khách du lịch đến để trải nghiệm những giá trị đặc trưng mà các giá trị này phải gắn liền với đời sống cộng đồng địa phương. Chính vì vậy, hoạt động phát triển kinh tế cho người dân, đặc biệt là tại Vùng lõi Khu DTSQ được thành phố Hội An rất quan tâm. Thành phố Hội An đã ban hành Chương trình phát triển du lịch Cù Lao Chàm giai đoạn 2013 – 2015, định hướng đến năm 2020. Theo đó, chủ trương của thành phố là phát triển du lịch Cù Lao Chàm theo định hướng du lịch sinh thái, thân thiện với môi trường.

Du khách tham quan Cù Lao Chàm.

Phát triển bền vững

Khu DTSQ Cù Lao Chàm – Hội An có tổng diện tích là 33.146 ha, dân số khoảng 84.000 người, được phân chia thành 3 vùng chức năng, bao gồm: vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp. Vùng lõi: là Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm với diện tích 2.471 ha,  với sự nổi trội là các hệ sinh thái và tính đa dạng sinh học biển, nơi thực hiện công việc bảo tồn lâu dài đa dạng sinh học, cảnh quan và các hệ sinh thái.

Vùng đệm: có diện tích 8.455 ha chủ yếu là vùng cửa sông Thu Bồn gắn với rừng dừa nước Cẩm Thanh, đóng vai trò cầu nối sinh thái giữa vùng nước nội địa và vùng biển. Vùng chuyển tiếp: có diện tích 22.220 ha gồm toàn bộ khu phố cổ Hội An - Di sản Văn hóa thế giới - và các vùng phụ cận, nơi thể hiện rõ nét tính nhân văn của cộng đồng địa phương thông qua các làng quê sinh thái, các làng nghề truyền thống.

Đối với phạm vi toàn bộ Khu DTSQ, Kế hoạch quản lý tổng hợp giai đoạn 2015 – 2020, định hướng đến năm 2025 đang được BQL Khu DTSQ triển khai xây dựng, dự kiến được hoàn thành cuối năm 2014. Theo đó, tại Vùng lõi, đã thực hiện việc xây dựng kế hoạch quản lý tổng hợp Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm giai đoạn 2009 – 2013. Trong đó, quan tâm bảo vệ các đối tượng tài nguyên mục tiêu chính: rạn san hô, thảm cỏ biển, tôm hùm, vú nàng... Đến nay, một kế hoạch quản lý chung cho Vùng lõi giai đoạn 2014 – 2018 đã được UBND thành phố Hội An phê duyệt và thực hiện.

Vùng chuyển tiếp, năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Quy hoạch đầu tư tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới Đô thị cổ Hội An gắn với phát triển thành phố Hội An và du lịch giai đoạn 2012-2020, (tầm nhìn 2025)”. Ở cấp độ cộng đồng, một kế hoạch hành động nhằm bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên trong giai đoạn 2015 - 2019 đang được xây dựng cho cộng đồng thôn Bãi Hương, với sự trợ giúp của Tổ chức Trung tâm Bảo tồn Sinh vật biển và Phát triển cộng đồng.

Theo GS-TS Nguyễn Hoàng Trí – Chủ tịch kiêm tổng thư ký Ủy ban Quốc gia Chương trình con người và sinh quyển Việt Nam thì danh hiệu di sản, sinh quyển nói riêng và các hình thức tôn vinh nói chung đều mang lại những giá trị kinh tế hay còn gọi là tổng giá trị kinh tế. Tuy nhiên, các loại danh hiệu này chỉ trở thành công cụ hữu hiệu làm động lực cho phát triển kinh tế của địa phương như trường hợp di sản văn hóa Hội An khi cán bộ quản lý và người dân địa phương nhận thức và hiểu rõ giá trị và biết cách làm cho các giá trị này thành các hoạt động kinh tế.

Vì vậy, để gìn giữ tốt nhất cho Cù Lao Chàm đó là việc xây dựng một văn hóa tổng thể, gìn giữ các giá trị văn hóa kết hợp với các hoạt động thúc đẩy du lịch, đăng ký nhãn hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, điện, giáo dục... Có như vậy mới giữ gìn được tổng thể giá trị của Cù Lao Chàm.

Lê Anh Tuấn