Báo Công An Đà Nẵng

Phát triển bền vững nghề nuôi cá nước ngọt

Thứ ba, 29/10/2019 18:00

Theo Trưởng phòng NN-PTNT H. Hòa Vang (TP Đà Nẵng) Nguyễn Văn Lý, mô hình nuôi cá nước ngọt ở xã Hòa Khương (H. Hòa Vang) phong phú, đa dạng và đang mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.

Nông dân thôn Phú Sơn 1 (xã Hòa Khương) chăm nuôi đàn cá để xuất bán dịp Tết Canh Tý.

Hòa Khương có khoảng 340 hộ nuôi cá dàn trải trên địa bàn xã, trong đó chủ yếu tập trung ở các thôn Phú Sơn 1, Phú Sơn 2… với tổng diện tích mặt nước hơn 60ha. Nơi đây có hệ thống kênh mương kiên cố từ hồ Đồng Nghệ cung cấp nguồn nước tự nhiên cho các cánh đồng nên rất thuận lợi trong việc phát triển sản xuất. Ông Trần Liễu (thôn Phú Sơn 1) cho biết, trước đây, kinh tế gia đình ông chủ yếu trông chờ vào mấy sào ruộng. Vợ chồng ông xoay xở đủ kiểu nhưng cuộc sống vẫn cứ bấp bênh. Với bản tính chịu khó học hỏi, năm 2008, ông chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi cá trê. Nuôi loại cá này, lãi cao nhưng lại gây ô nhiễm môi trường nên từ năm 2013, ông quyết định chuyển sang nuôi các loại cá trắng. Bên cạnh đó, nuôi cá nước ngọt khá đơn giản, không phải bỏ ra quá nhiều công để chăm sóc mà hiệu quả kinh tế lại cao. Nguồn thức ăn cho cá rất dễ kiếm, chủ yếu là cỏ, cám, bột các loại nên chi phí đầu tư thấp. “Những nơi không bị nước lũ tràn qua thì có thể nuôi 2 vụ/năm. Trung bình 1 ao nuôi có diện tích 1.500m2 thì mỗi vụ xuất bán gần 1 tấn cá trắng các loại với giá từ 45 - 50 triệu đồng/tấn. Cũng nhờ nuôi cá nước ngọt mà đời sống của nhiều hộ dân khá giả hẳn lên, có tiền xây nhà mới, sắm sửa vật dụng gia đình và nuôi con ăn học đến nơi đến chốn. So với trồng lúa thì việc nuôi cá nước ngọt nhẹ nhàng và hiệu quả hơn nhiều. Trước đây, người nông dân ngại nhất là đầu ra cho sản phẩm, bây giờ, vấn đề này đã được khắc phục, chúng tôi nuôi bao nhiêu thì bán hết bấy nhiều”, ông Liễu phấn khởi bộc bạch.

Cùng với đó, Trung tâm Khuyến ngư nông lâm TP cũng xây dựng mô hình “Nuôi thủy sản nước ngọt theo hướng an toàn sinh học” cho một số hộ dân ở địa phương để từng bước giúp người dân tiếp cận kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, hạn chế tối đa dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro, bảo vệ môi trường… Ông Cao Văn Mễ (thôn Phú Sơn 2, hộ tham gia mô hình) xác nhận, các hộ tham gia được Trung tâm hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn, hỗ trợ men vi sinh, kiểm nghiệm phân tích môi trường nước, mẫu cá, mẫu thức ăn. Việc ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi cá nước ngọt làm rút ngắn thời gian nuôi, tăng kích cỡ thương phẩm, hạn chế dịch bệnh, giảm chi phí nuôi, nâng cao giá trị sản phẩm và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. “Thời gian gần đây, tình trạng thực phẩm bẩn không đảm bảo chất lượng đang là một vấn đề nóng được dư luận quan tâm và chính quyền TP đã có những chủ trương, chính sách nhằm ngăn chặn hạn chế các cơ sở hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo quy định. Vì vậy, khi được hỗ trợ thực hiện mô hình, các hộ dân nhận thức việc quản lý ao nuôi tốt để tăng giá trị, tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích nuôi, tạo được sản phẩm thủy sản sạch, an toàn cho người tiêu dùng”,  ông Mễ cho biết thêm.

Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Chí Trí, do có nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả, người dân lại không mấy mặn mà bởi công sức bỏ ra nhiều, nhưng hiệu quả kinh tế không đáng là bao. Vì vậy việc “dồn điền, đổi thửa”, quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản là hướng đi mới cần thiết. Mô hình nuôi cá nước ngọt đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, giúp người nông dân làm giàu chính đáng trên phần đất canh tác của mình. Hiện nay, mô hình nuôi cá nước ngọt ở Hòa Khương đa phần chuyển từ cá trê sang các loại cá trắng để đảm bảo môi trường, đồng thời nhân rộng mô hình theo hướng an toàn sinh học, góp phần phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản tại địa phương.

VY HẬU