Phát triển du lịch Đà Nẵng theo chiều sâu
Du lịch Đà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm đến nổi tiếng trong và ngoài nước. Những chính sách phát triển du lịch Đà Nẵng đã được nhân dân thành phố hưởng ứng. Đây chính là những bài học, mô hình hay để nhân rộng trên cả nước. Thương hiệu du lịch Đà Nẵng được khẳng định qua sự bình chọn và đánh giá cao của du khách, doanh nghiệp, các tổ chức du lịch, các tạp chí, trang mạng chuyên về du lịch trên thế giới. Đặc biệt, sự kiện TP Đà Nẵng được trao giải thưởng danh giá “Điểm đến sự kiện lễ hội hàng đầu Châu Á” năm 2016 đã góp phần định vị hình ảnh và từng bước khẳng định vị trí thương hiệu du lịch Đà Nẵng mang tầm quốc tế.
Lễ hội đường phố tại Đà Nẵng thu hút rất đông người dân và du khách. Ảnh: S.T |
Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, thời gian tới, thành phố tăng cường công tác quy hoạch ngành gắn với quy hoạch tổng thể du lịch của cả nước và liên kết chặt chẽ với du lịch các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Ưu tiên phát triển du lịch biển, MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng), phát triển du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái theo hướng xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù, hình thành các khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại lớn, có sức cạnh tranh cao.
Bên cạnh đó, Đà Nẵng tập trung làm tốt công tác nghiên cứu, xúc tiến thị trường để xác định đối tượng khách chủ lực, định vị thị trường khách từ đó có hướng đầu tư, khai thác thích hợp. Thành phố tiếp tục thường xuyên tổ chức các sự kiện du lịch, thể thao, văn hóa, lễ hội, liên hoan du lịch mang tầm cỡ khu vực, quốc gia, quốc tế để tuyên truyền, quảng bá du lịch Đà Nẵng - điểm đến an toàn và thân thiện của du khách.
Ông Ngô Quang Vinh - Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, cho rằng, từng bước bắt kịp xu hướng toàn cầu, đáp ứng nhu cầu du lịch quốc tế, ngành Du lịch Đà Nẵng tập trung phát triển theo chiều sâu, hình thành các sản phẩm du lịch mới, có sức cạnh tranh cao. Ngành ưu tiên phát triển theo 3 nhóm sản phẩm chính, gồm nhóm sản phẩm du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; nhóm sản phẩm du lịch mua sắm, MICE; nhóm sản phẩm du lịch văn hóa, lịch sử, sinh thái, làng quê, làng nghề, đa dạng hóa sản phẩm du lịch bổ trợ như du lịch tâm linh, du lịch văn hóa - ẩm thực, chữa bệnh - làm đẹp, du lịch thể thao giải trí biển.
Còn ông Cao Trí Dũng - Chủ tịch Hội Lữ hành TP Đà Nẵng cho rằng, để phát triển thành một trung tâm du lịch tầm cỡ, Đà Nẵng cần nhanh chóng đa dạng hóa nguồn khách, tăng số ngày lưu trú, hạn chế tính thời vụ, hướng đến sự phát triển bền vững của điểm đến. Ông Dũng nêu một số đề xuất: phát triển mạnh du lịch biển với hệ thống sản phẩm cạnh tranh khu vực về nghỉ dưỡng biển, tham quan thắng cảnh biển, các hoạt động ngoài trời; phát triển du lịch văn hóa gắn liền với di sản, lễ hội, tham quan và tìm hiểu văn hóa, lối sống địa phương, du lịch làng nghề phía nam - tây nam thành phố; đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái; phát triển các dịch vụ về đêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quang Hải - Trưởng ban Phát triển Dự án của Tập đoàn Sun Group nhìn nhận, hiện nay và trong tương lai, xu thế du lịch MICE trên thế giới phát triển mạnh. Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển loại hình du lịch này, có thể trở thành một trung tâm du lịch MICE mới của Châu Á nếu tận dụng hợp lý những thế mạnh đang có về sông nước, biển, núi để tạo nên những sản phẩm du lịch mới, độc đáo, mang lại những trải nghiệm khác biệt. APEC 2017 sẽ mở ra cơ hội phát triển du lịch MICE cho Đà Nẵng và nên tận dụng cơ hội này...
Ngành Du lịch Đà Nẵng đã có những bước phát triển nhanh, trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng đóng góp vào sự phát triển của thành phố. Tốc độ tăng trưởng về khách du lịch bình quân hàng năm giai đoạn 2011-2015 là 20,1%, trong đó khách quốc tế tăng bình quân 25,4%, khách nội địa tăng bình quân 18,5%. Tổng thu du lịch giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân đạt 30,7%. Dự kiến năm 2017, Đà Nẵng sẽ đón 6,5 triệu lượt khách, trong đó có hơn 2 triệu lượt khách quốc tế. Hiện thành phố có 83 dự án đầu tư vào lĩnh vực du lịch dịch vụ, với tổng vốn đầu tư khoảng 7,3 tỷ USD, tương đương 153 ngàn tỷ đồng.
Đà Nẵng phấn đấu đến năm 2020 đón gần 9 triệu lượt khách, trong đó 30% khách quốc tế, bình quân tốc độ tăng trưởng khách 13-14%/năm, nguồn thu tăng 20%/năm, tổng thu du lịch năm 2020 đạt 31.500 tỷ đồng. Ngay trong quý 4-2017, thành phố hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 và Đề án Cơ chế chính sách ưu đãi đột phá phát triển du lịch TT-Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam, đầu tư tiện ích bãi tắm tuyến Hoàng Sa-Võ Nguyên Giáp-Trường Sa-Nguyễn Tất Thành, triển khai kích cầu du lịch, xúc tiến thị trường trọng điểm Đông Bắc Á, Đông Nam Á.
V.S