Báo Công An Đà Nẵng

Phát triển gạch không nung: Lợi ích lớn, rào cản nhiều

Thứ năm, 14/07/2016 08:21

(Cadn.com.vn) - Với nhu cầu tăng từ 8- 10%/năm thì dự báo năm 2020 Việt Nam sẽ tiêu thụ khoảng 30 tỷ viên gạch. Trong khi đó, để làm ra 1 tỷ viên gạch đất sét nung mất 1,5 triệu m3 đất (khoảng 75ha có độ sâu 2m), 150 ngàn tấn than, thải ra 0,57 triệu tấn CO2 ô nhiễm môi trường. Vì thế, việc đẩy mạnh sử dụng gạch không nung (GKN) theo chủ trương của Chính phủ trở nên cấp bách, nhất là các tỉnh miền Trung đất nông nghiệp vốn đã hạn chế.

Việc sản xuất, sử dụng GKN không chỉ giúp giữ đất nông nghiệp đảm bảo an ninh lương thực mà còn góp phần quan trọng giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Vì thế, Thủ tướng đã phê duyệt chương trình phát triển vật liệu xây dựng không nung thay thế dần gạch nung đạt tỷ lệ 40% vào năm 2020, tiết kiệm mỗi năm 1.000 ha đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, sản xuất GKN sẽ giải quyết mỗi năm trên 15 ngàn tấn phế thải công nghiệp (tro, sỉ) để làm nguyên liệu. Ông Hoàng Văn Sỹ - Phó trưởng phòng điều hành và giám sát BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp Đà Nẵng cho biết, ngày trước, chúng ta chỉ có loại gạch đất nung nhưng hiện nay có thêm GKN hay còn gọi là gạch block bê-tông.

Việc sử dụng GKN đang mang lại rất nhiều lợi ích cho các đơn vị và xã hội và nó đang là vật liệu chính trong ngành xây dựng tại các nước phát triển. Theo ông Sỹ, thời gian qua BQL luôn ưu tiên sử dụng GKN tại các công trình trên địa bàn TP. Nổi bật như công trình Trung tâm Hành chính TP có tổng diện tích sàn khoản 65.000m2, tổng khối lượng GKN 2.212 m3, đạt tỷ lệ hơn 67%; công trình chung cư thu nhập thấp tại Khu tái định cư Phước Lý, tổng diện tích sàn khoảng 15.000m2, tổng khối lượng GKN khoảng 5.000 m3, đạt tỷ lệ 100%;  chung cư 201 - Đống Đa với tổng diện tích sàn khoảng 5.910 m2, tổng khối lượng GKN hơn 1.100m3, đạt tỷ lệ là 100%...

Sản xuất GKN để thay thế gạch nung đất sét sẽ giúp tiết kiệm mỗi năm hàng trăm héc-ta đất nông nghiệp. 

Ông Phạm Tăng Xuân Hòa (Sở Xây dựng Đà Nẵng) cho biết, trên địa bàn TP hiện có 8 cơ sở sản xuất gạch đất sét nung với tổng công suất thiết kế khoảng 70 triệu viên gạch quy chuẩn/năm. Tất cả các cơ sở sản xuất gạch đất sét nung đều sản xuất trên dây chuyền công nghệ lò tuynel và vị trí các cơ sở sản xuất xa trung tâm TP. Với GKN ông Hòa cho biết Đà Nẵng hiện có 5 nhà máy với công suất thiết kế khoảng 150 triệu viên/năm. Hiện TP đã thống nhất quy hoạch địa điểm cho xây dựng thêm 5 nhà máy GKN khác tại Hòa Vang. Ông Hòa cho biết, để khuyến khích phát triển GKN, hiện 100% công trình sử dụng vốn nhà nước trên địa bàn TP được thiết kế, thẩm định, phê duyệt sử dụng GKN. Cụ thể hơn 150 công trình xây dựng dân dụng sử dụng vốn nhà nước tại Đà Nẵng đã được sử dụng GKN. Với các công trình vốn nhà nước không sử dụng  GKN đều bị TP xử phạt hành chính.

Tại miền Trung việc phát triển GKN có nhiều thuận lợi về tự nhiên, đặc biệt là nguồn nguyên liệu. Tuy nhiên, tốc độ phát triển các nhà máy cũng như nguồn GKN sử dụng còn thấp bởi thực tế khi triển khai còn nhiều rào cản. Ông Trần Xuân Đính, Phó Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, Chủ tịch Chi hội VLXD miền Trung - Tây Nguyên cho biết, miền Trung hiện có hơn 35 dây chuyền sản xuất GKN với công suất hơn 1 tỷ viên/năm, trong đó nhiều nhất là Đà Nẵng với 5 nhà máy. GKN được sử dụng trong nhiều công trình cao tầng, được đánh giá có chất lượng, cường độ về chống thấm, cách âm, cách nhiệt hơn gạch tuynel truyền thống, giá thành xây dựng cũng giảm vì có thể vừa xây vừa trát khi thi công. Tuy nhiên, theo ông Đính, so với nhu cầu vật liệu xây nói chung thì GKN vẫn còn quá ít, mới chỉ chiếm khoảng 15 đến 20%, cá biệt nhiều khu vực, địa phương chưa có nhà máy GKN.

Cũng theo ông Đính, phát triển GKN là xu hướng tất yếu, lâu dài,  nhưng việc sản xuất GKN lại gặp nhiều khó khăn, nổi bật nhất về vốn đầu tư. DN đầu tư dây chuyền sản xuất GKN rất khó tiếp cận vốn vay, vốn ưu đãi vì nhiều ngân hàng chưa thật sự tin tưởng vào sản phẩm mới này, trong khi việc áp dụng các chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư còn nhiều vướng mắc. Các DN muốn thuê đất để đầu tư nhà máy thường phải trải qua nhiều thủ tục, thiếu các thông tin về chủ trương đầu tư, công nghệ, thiết bị, thị trường, đồng thời người tiêu dùng cũng thiếu thông tin về ưu điểm và những lợi ích của việc sử dụng GKN do chưa thay đổi được nhận thức và thói quen. Dưới góc độ sử dụng, ông Hoàng Văn Sỹ cho rằng GKN có kích thước và trọng lượng tương đối lớn, gây khó khăn trong vận chuyển, thi công. Do kích thước viên gạch lớn và hướng lỗ gạch thẳng đứng dẫn đến mạch vữa liên kết giữa các viên gạch ít làm giảm khả năng chịu lực theo phương ngang của cả mảng tường. Trong khi đó, ông Phạm Tăng Xuân Hòa lại cho biết, trong quá trình sử dụng GKN tường xây thường xuất hiện vết nứt ở nhiều vị trí khác nhau, nhất là các vị trí tiếp giáp giữa tường với trụ, dầm...

Rõ ràng việc sử dụng GKN mang lại nhiều lợi ích lớn lao về môi trường, giữ đất nông nghiệp... song cơ chế để phát triển các nhà máy GKN hiện còn nhiều rào cản, nhất là vốn ưu đãi. Bên cạnh đó, GKN cũng bộc lộ những hạn chế về mẫu mã, chất lượng do công nghệ sản xuất chưa đạt yêu cầu. Đó là lý do khiến tỷ lệ GKN được sử dụng trong các công trình xây dựng vẫn còn thấp.

Hải Quỳnh