Báo Công An Đà Nẵng

Phát triển hạ tầng du lịch, thương mại: Nhìn từ Đà Nẵng

Thứ hai, 05/01/2015 11:53

(Cadn.com.vn) - Trong những năm qua, Đà Nẵng đã tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của thành phố để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp và nâng cao chất lượng tăng trưởng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; là trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật của vùng và cùng với các thành phố lân cận hình thành hành lang kinh tế Bắc - Nam.

Về lĩnh vực dịch vụ, trước hết phải nói về du lịch. Có thể thấy rằng, ngành Du lịch thành phố phát triển vượt bậc với sự tăng trưởng không ngừng về lượng du khách, doanh thu và thị trường, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần vào sự phát triển KT-XH của thành phố. Trong những năm qua, cơ sở hạ tầng du lịch được thành phố chú trọng đầu tư nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách.

Nhiều dự án ven biển mang tầm cỡ quốc tế đã được hoàn thành đưa vào khai thác, thu hút nhiều khách tham quan du lịch... Đến nay, trên địa bàn thành phố có 397 khách sạn với tổng số phòng là 13.737 phòng, trong đó có 8 khách sạn 5 sao với 2.041 phòng, 2 khách sạn tương đương 5 sao với 468 phòng, 9 khách sạn 4 sao và tương đương với 1.345 phòng, 40 khách sạn 3 sao và tương đương với 2.574 phòng, 112 khách sạn 2 sao và tương đương với 3.704 phòng, 220 khách sạn 1 sao và tương đương với 3.358 phòng...

Thành phố cũng đã đầu tư 7 bãi tắm công cộng với tổng vốn đầu tư 35,5 tỷ đồng dọc đường Trường Sa - Hoàng Sa phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch và đang triển khai các bãi tắm công cộng còn lại tại Nam Ô, Xuân Thiều, Phú Lộc, Thanh Bình. Bên cạnh đó, các dự án lớn khác cũng đang được triển khai như Công viên Á Châu, Công viên Văn hóa Ngũ Hành Sơn, Công viên Thanh niên, Công viên Bảo tồn di tích lịch sử K20, Công viên Đại dương Sơn Trà. Thành phố cũng đã xúc tiến mở thêm và khai thác tốt nhiều đường bay nhằm tăng lượng du khách đến tham quan, lưu trú tại thành phố.

Về hạ tầng thương mại, những năm qua đã từng bước được đầu tư đồng bộ, hiện đại với nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tự chọn lớn... Hệ thống chợ được quy hoạch lại, nâng cấp và xây mới với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng. Hiện nay, thành phố có 66 chợ (trong đó có 2 chợ trên 1.000 hộ kinh doanh), 6 Trung tâm thương mại, 34 siêu thị các loại, 56 siêu thị chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi. Thành phố khuyến khích phát triển đa dạng hóa các phương thức phân phối, phát triển nhanh lĩnh vực thương mại điện tử.

Tổ chức thành công các chương trình phát động hưởng ứng chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và phát động tổ chức các chương trình khuyến mãi tại các chợ, “đưa hàng về nông thôn” trong các dịp lễ, Tết. Thành phố cũng đã đẩy mạnh phát triển hạ tầng thương mại, trong đó khuyến khích phát triển đa dạng hóa các phương thức phân phối, phát triển nhanh lĩnh vực thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến; từng bước hoàn thiện môi trường pháp lý và hạ tầng công nghệ thông tin, cung cấp các dịch vụ công hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử; tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích thương nhân sử dụng website thương mại điện tử để cung ứng hàng hóa, dịch vụ.

Hướng ra biển lớn. Ảnh: TRẦN XUÂN

Về thương mại, để phát triển Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm thương mại lớn của Việt Nam, thực hiện chức năng giao dịch bán buôn, giao thương hàng hóa của khu vực. Tổ chức lại mạng lưới bán lẻ, đầu tư xây dựng lại các chợ theo quy hoạch; đa dạng hóa các hệ thống phân phối hàng hóa như: siêu thị, cửa hàng tự chọn... Xây dựng các trung tâm thương mại lớn mang tầm khu vực, trung tâm thương mại chuyên doanh... Phát triển các phương thức kinh doanh hiện đại như: thương mại điện tử, thanh toán bằng thẻ tín dụng...

Dưới góc độ phát triển dịch vụ, đặc biệt là về hạ tầng, trong thời gian đến, để duy trì và phát triển tính hiệu quả và bền vững của lĩnh vực mũi nhọn này, Đà Nẵng xác định tiếp tục đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng du lịch một cách đồng bộ, kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, hình thành các trung tâm du lịch biển quốc tế như: xây dựng bán đảo Sơn Trà thành khu du lịch lớn đặc thù với các dịch vụ thể thao trên biển, cáp treo..., phát triển khu vực Nam Furama – Non Nước thành khu du lịch quốc tế lớn, chất lượng cao, xây dựng khu Làng Vân, Nam Ô thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng lớn, phát triển vệt ven biển Liên Chiểu – Thuận Phước, vệt đường Phạm Văn Đồng và ven biển khu vực Mỹ Khê, Bắc Mỹ An, hình thành các khu phức hợp, dịch vụ, mua sắm, nhà hàng, giải trí... Phát triển các dịch vụ giải trí, ưu tiên giải trí cao cấp như: casino, sân golf, thể thao giải trí trên biển...

Phát triển dịch vụ trong thời gian qua, nhất là hạ tầng du lịch, thương mại của thành phố đạt những kết quả tích cực và đúng với định hướng phát triển chung của thành phố. Trong thời gian tới, cần tiếp tục triển khai có hiệu quả  Đề án “Phát triển dịch vụ thành phố đến năm 2015, tầm nhìn 2020”, từ đó định hướng được vị trí của thành phố động lực trong phát triển kinh tế của miền Trung - Tây Nguyên trên một số lĩnh vực dịch vụ, góp phần đưa Đà Nẵng tiến bước mạnh mẽ trong quá trình phát triển, hội nhập cùng cả nước và quốc tế.

Dân Hùng