Báo Công An Đà Nẵng

Phát triển Huế thành đô thị di sản, văn hóa

Thứ hai, 19/08/2019 10:10

Ngày 17-8, TT-Huế vinh dự lễ đón nhận Huân chương Độc lập hạng Nhất và kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh (1989-2019). Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành T.Ư, lãnh đạo tỉnh TT-Huế qua các thời kỳ, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, nhân sĩ trí thức, cùng đại diện các tầng lớp nhân dân trên địa bàn dự lễ.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao Huân chương độc lập Hạng Nhất (lần thứ hai) cho TT-Huế.

Phát biểu tại buổi lễ, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy TT-Huế Lê Trường Lưu điểm lại những nỗ lực vượt qua khó khăn ngày đầu mới tách tỉnh và nhiều thành tựu đạt được trong 30 năm qua. Ngày 30-6-1989, kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa VIII đã thông qua Nghị quyết về việc phân vạch địa giới hành chính, theo đó, chia tách Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và TT-Huế.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh TT-Huế.

Chủ tịch Quốc hội thăm các hộ dân sống ở di tích Thượng Thành

Chủ tịch Quốc hội thăm và tặng quà các hộ dân ở di tích Kinh thành Huế. 

Trong chuyến làm việc tại tỉnh TT-Huế, chiều 17-8, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã thăm và tặng quà các gia đình chính sách, hộ khó khăn đang sinh sống ở di tích Thượng Thành (Kinh thành Huế). Chủ tịch Quốc hội đã đến thăm và tặng quà cho 3 hộ gia đình chính sách và thuộc diện khó khăn đang sinh sống tại đây gồm: hộ ông Trần Công Hoàn, thương binh 2/4; hộ bà Phan Thị Cháu; và hộ ông Thái Văn Bửu. Đây là những gia đình nằm trong diện sẽ di dời đến nơi ở mới trong tháng 10-2019 của đề án Di dời dân cư ra, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành Huế.

Cần khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế

“30 năm đã qua kể từ ngày tái lập là 30 năm nỗ lực kiên trì và phấn đấu không ngừng nghỉ với nhiều thuận lợi đồng hành nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt. Những nỗ lực khắc phục hậu quả chiến tranh và chung sức xây dựng quê hương trong chặng đường đầu đổi mới vừa bước đầu đơm hoa, kết trái thì năm 1999, cơn đại hồng thủy đã cuốn đi biết bao thành quả. Chỉ trong phút chốc, nền kinh tế - xã hội tỉnh nhà bị kéo lùi nhiều năm, có những việc phải làm lại từ đầu... Được sự chi viện và quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của T.Ư, sự chia sẻ và hỗ trợ giúp đỡ của cả nước và bạn bè quốc tế, Đảng bộ, quân và dân tỉnh nhà đã đồng tâm nhất trí, vượt khó vươn lên tiếp tục đạt được những thành tựu hết sức quan trọng và toàn diện, góp phần đem lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân” - ông Lê Trường Lưu nhớ lại.

Đến nay, nền kinh tế TT-Huế đã từng bước tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 1989 - 2018 là 7,2%/năm. Thu ngân sách nhà nước năm 2018 đạt 7.800 tỷ đồng. Du lịch phát triển khá nhanh cả về quy mô và chất lượng, ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đặc biệt, ngày 27-12-2007, TT-Huế vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân hương Độc lập hạng Nhất. Năm 2019, thêm một lần nữa, TT-Huế được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những phấn đấu, nỗ lực của TT-Huế trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Đạt được những thành tựu quan trọng và những phần thưởng cao quý đó, Đảng bộ, quân và dân TT-Huế bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành T.Ư cùng sự giúp đỡ và ủng hộ to lớn của các tỉnh, thành trong cả nước và bạn bè quốc tế. Đặc biệt, là những ân tình sâu nặng của 2 tỉnh bạn Quảng Trị, Quảng Bình; những sẻ chia, hợp tác của TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và 2 tỉnh Sê Kông, Salavan của nước bạn Lào; những nghĩa cử cao quý của Đảng bộ và nhân dân Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh - hai thành phố kết nghĩa với truyền thống “Hà Nội - Huế - Sài Gòn là “cây một cội là con một nhà” đã dành cho TT-Huế...”- Bí thư tỉnh ủy Lê Trường Lưu khẳng định.

Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, phấn đấu bền bỉ của tỉnh TT-Huế trong quá trình xây dựng và phát triển. Đây là sự kế thừa và phát huy trách nhiệm của các thế hệ, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng quê hương, đổi mới và bảo vệ đất nước. Dịp này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị TT-Huế cần quan tâm thực hiện tốt nhiệm vụ khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh để phát triển kinh tế nhanh và bền vững, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng trưởng xanh và kinh tế tri thức. Phát triển mạnh các thành phần kinh tế, quan tâm phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng để tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh TT-Huế, đặc biệt là trong các ngành kinh tế mũi nhọn, có lợi thế...

Kiến nghị có cơ chế, chính sách riêng

Nhân chuyến công tác tại TT-Huế, chiều 17-8; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh TT-Huế. Ông Phan Ngọc Thọ- Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, thay mặt lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã báo cáo với Chủ tịch Quốc hội những kết quả đạt được trong thời gian qua, kết quả thực hiện Kết luận 48/KL-TW và Thông báo 175/TB-TW của Bộ Chính trị cũng như những khó khăn vướng mắc đề nghị T.Ư quan tâm tháo gỡ.

Kết quả 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW, đô thị TT-Huế đã được quy hoạch, đầu tư xây dựng theo các lợi thế và bản sắc riêng, là đô thị theo hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường”. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Trong đó, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đô thị Huế được công nhận là “thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam”, “thành phố Xanh quốc gia”, “thành phố văn hóa ASEAN”, “thành phố bền vững môi trường ASEAN”. Tăng trưởng bình quân cả thời kỳ (2009-2018) 7,2%/năm...

Theo Kết luận 48/KL-TW và Thông báo 175/TB-TW của Bộ Chính trị, TT-Huế phấn đấu trở thành TP trực thuộc T.Ư. Trước đây TP Huế đã được công nhận là đô thị loại I trực thuộc tỉnh; vào năm 2014 (sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận 48/KL-TW) nếu theo tiêu chí xác định đô thị loại I theo Nghị định 42/2009/NĐ-CP của Chính phủ thì khu vực TP Huế và vùng phụ cận được đánh giá đạt và vượt 8,84 điểm so với điểm chuẩn tối thiểu của đô thị loại I. Tuy nhiên hiện nay, việc đánh giá đô thị loại I theo các tiêu chí quy định tại Nghị quyết 1210/2016/UBTVQH13 ngày 25/5/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là không khả thi đối với một đô thị mang tính đặc thù về di sản, văn hóa, sinh thái như tỉnh TT-Huế, nhất là các chỉ tiêu về số lượng dân cư, mật độ dân cư, mật độ xây dựng, giao thông... “Vì vậy, kính đề nghị Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, có cơ chế, chính sách riêng để công nhận TT-Huế là đô thị di sản đặc thù - thành phố trực thuộc T.Ư”- Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế đề xuất.

Bên cạnh đó, ông Phan Ngọc Thọ cũng kiến nghị đến Chủ tịch Quốc hội quan tâm, hỗ trợ và thống nhất chủ trương trong việc sử dụng nguồn vốn để thực hiện đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 di tích Kinh Thành Huế với tổng mức đầu tư 4.097 tỷ đồng để di dời hơn 4.200 hộ. Tỉnh TT-Huế cũng kiến nghị Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo đẩy nhanh các thủ tục đầu tư dự án mở rộng Cảng hàng không quốc tế Phú Bài bởi đây là nút thắt đối với sự phát triển du lịch, kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, về lâu dài, kính đề nghị Quốc hội cho áp dụng cơ chế hợp tác công tư PPP để thực hiện dự án đầu tư mở rộng sân bay Phú Bài giai đoạn 2021-2025. Về liên kết vùng, TT-Huế đề nghị Quốc hội ưu tiên triển khai xây dựng tuyến đường ven biển xuyên suốt toàn vùng duyên hải miền Trung; nâng cấp, hoàn thiện tuyến đường sắt Bắc - Nam, trong đó chú trọng xây dựng tuyến đường sắt kết nối với các tỉnh Tây Nguyên; tiếp tục hoàn thiện đầu tư xây dựng đoạn cao tốc Cam Lộ - Túy Loan kết nối tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Gia Lai nhằm kết nối khu vực Miền Trung và Tây Nguyên...

Sau khi lắng nghe báo cáo của lãnh đạo tỉnh TT-Huế, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, hướng đi lựa chọn mô hình “đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan và thân thiện môi trường” của tỉnh TT-Huế là hoàn toàn đúng với các kết luận của T.Ư, Bộ Chính trị. Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, tỉnh tiếp tục phát huy 4 lĩnh vực là thế mạnh của tỉnh, xây dựng TT-Huế trở thành “đô thị di sản” với định hướng “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”; đồng thời làm tốt hơn nữa công tác bảo tồn, tôn tạo, bảo vệ, phát huy di sản cố đô Huế mà nhiệm vụ trọng tâm trước mắt là thực hiện tốt việc di dời các hộ dân tại khu vực 1, Kinh thành Huế. Tỉnh cũng nên có đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, bám sát chương trình xanh và bền vững. Phát huy tiềm năng lợi thế, vị trí địa lý, tài nguyên thiên nhiên để phát triển kinh tế.

Về các kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội ghi nhận và sẽ chỉ đạo Văn phòng Quốc hội tổng hợp để đề xuất kiến nghị gửi tới các cơ quan liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo theo thẩm quyền. Về xây dựng đô thị di sản đặc thù, TP trực thuộc T.Ư, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, TT-Huế sớm làm hồ sơ chuyển Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét. Riêng dự án bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích Kinh thành Huế, Quốc hội luôn ủng hộ tối đa cho Huế và sẽ thực hiện bằng các cơ chế chính sách đặc thù. Đồng thời, sẽ chỉ đạo bố trí thêm nguồn lực trùng tu hằng năm nhằm tôn tạo, tu bổ các hạng mục theo thứ tự ưu tiên...

HẢI LAN