Báo Công An Đà Nẵng

Phát triển mạnh mẽ du lịch phía Tây danh thắng Ngũ Hành Sơn

Thứ bảy, 30/11/2019 20:00

Với những nét riêng có của khu vực phía Tây Danh thắng Ngũ Hành Sơn, du khách không chỉ đơn thuần thưởng ngoạn cảnh chùa chiền, hang động mà còn được chiêm bái đạo pháp, tham quan lễ hội và tịnh dưỡng tâm trí… Tất cả những yếu tố đó góp phần làm nên nét riêng của du lịch phía Tây Danh thắng Ngũ Hành Sơn, là quà tặng quý hiếm mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho Q. Ngũ Hành Sơn nói riêng và TP Đà Nẵng nói chung.

Khu vực phía Tây Danh thắng Ngũ Hành Sơn, từ lâu mọi người biết đến qua Lễ hội Quán Thế Âm. 

Một bức tranh Non Nước hữu tình

Ngũ Hành Sơn có 5 ngọn núi: Thủy Sơn và Mộc Sơn ở phía Đông, còn Thổ Sơn, Kim Sơn, Hỏa Sơn ở phía Tây tỉnh lộ Đà Nẵng- Hội An, nằm trên khu đất dài khoảng 2km, rộng 800m. Với vẻ đẹp độc đáo của thiên nhiên và bề dày văn hóa, lịch sử - năm ngọn Ngũ Hành từ lâu đã trở thành biểu tượng văn hóa của TP Đà Nẵng nơi có nhiều ngôi chùa cổ và các hang động đẹp, nổi tiếng không chỉ ở TP Đà Nẵng mà còn nổi tiếng cả nước như chùa Tam Thai, Linh Ứng, Từ Tâm và các hang động Huyền Không, Huyền Vy, Tàng Chơn, Quan Âm, Âm Phủ… Bao đời nay, khách du lịch hành hương khi đến với Ngũ Hành Sơn, đa số chỉ biết đến ngọn Thủy Sơn, rất mơ hồ với những ngọn núi còn lại và tưởng như đã trọn vẹn chiêm ngưỡng toàn bích về một bức tranh Non Nước hữu tình. Thực tế ngọn Thủy Sơn chỉ là một trong năm ngọn: Kim- Mộc- Thủy- Hỏa -Thổ nhưng lại chiếm ưu thế về vị trí giao thông, quy mô diện tích, cảnh sắc phong phú, đa dạng với các hang động, chùa chiền thâm nghiêm cổ kính nên đã được nhiều du khách biết đến và tham quan. Thế nhưng, dấu ấn lịch sử cũng như tiềm tàng văn hóa, du lịch không chỉ dừng lại và cô đọng tại ngọn Thủy Sơn mà được phân bố đều khắp ở năm ngọn núi, góp phần làm nên một Ngũ Hành Sơn với bao truyền thuyết được lưu tụng muôn đời, là mảng du lịch đầy hấp dẫn mà ít người biết đến...

Khu vực phía Tây Danh thắng Ngũ Hành Sơn cách ngọn Thủy Sơn, làng đá mỹ nghệ và bờ biển Non Nước khoảng gần 2km về phía Đông, nằm trên trục đường Đà Nẵng- Hội An. Phía Tây Nam và Tây Bắc giáp với sông Cổ Cò thơ mộng, hội đủ điều kiện về giao thông, môi trường, khí hậu để phát triển du lịch sinh thái. Phía trước chùa Quán Thế Âm, dưới ngọn Kim Sơn là một khoảng không gian thoáng đãng. Địa hình thoáng, rộng, dân cư thưa thớt, núi non kết hợp với sông ngòi, ao hồ, chùa chiền, hang động phù hợp cho phát triển du lịch theo phong cách phương Đông. Đặc biệt, khu vực phía Tây, từ lâu mọi người biết đến qua Lễ hội Quán Thế Âm. Khách đến đây không những đơn thuần thưởng ngoạn cảnh trí mà còn chiêm bái đạo pháp, tham gia lễ hội, tinh dưỡng tâm trí. Ngoài ra, khu vực này còn ẩn chứa nhiều di tích văn hóa lịch sử như mộ mẹ tướng quân Trần Quang Diệu, đền thờ công chúa Ngọc Lan con gái vua Gia Long, miếu Ông Chài, nơi lưu giữ di tích bến Ngự của vua triều Nguyễn, hiện nay còn lại cọc cắm thuyền của vua Minh Mạng thế kỷ XIX. Trong đấu tranh chống Mỹ, khu vực phía Tây Ngũ Hành Sơn với những di tích đấu tranh cách mạng như hang Bà Tho, chùa cô Đáng, hang Bồ Đề ở Thổ Sơn còn gọi là "địa đạo búi Đá Chồng"…

Đường đi lại khu du lịch phía Tây Danh thắng Ngũ Hành Sơn hiện nay rất dễ dàng, thuận lợi là gạch nối giao thông cơ bản của các tour du lịch Ngũ Hành Sơn- Hội An- Đà Nẵng- biển Non Nước, đặc biệt là khi tuyến đường Chương Dương nối dài hoàn thành, trong tương lai sẽ là tuyến đường du lịch đưa du khách từ Đà Nẵng vào K20 và Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Đường Sư Vạn Hạnh đã được mở rộng, các đường nội bộ đã nâng cấp nên việc đi lại giữa Thủy Sơn- Kim Sơn- Hỏa Sơn- Thổ Sơn rất thuận lợi, khép kín, liên hoàn. Tất cả những yếu tố đó làm nên mảng du lịch phía Tây Ngũ Hành Sơn. Đó cũng là những sản phẩm du lịch quý hiếm mà thiên nhiên đã hào phóng ban tặng cho TP Đà Nẵng nói chung và người dân Ngũ Hành Sơn nói riêng. Đã đến lúc cần phải định hình, có hướng đầu tư, tôn tạo để du khách đến Ngũ Hành Sơn đông hơn và hiểu biết đầy đủ hơn về tổng thể của một di tích quý hiếm này… Những điểm tham quan chính phía Tây theo lịch trình như: ngọn Kim Sơn có cọc cắm thuyền của vua Minh Mạng, chùa Quan Âm, động Quan Âm, chùa Thái Sơn, động Tam Thanh, miếu bà Huyền Trân Công Chúa; ngọn Hỏa Sơn có chùa Linh Sơn, động Huyền Vy, chùa Ứng Nhiên Phật Tông Tự, miếu Ông Chài; ngọn Thổ Sơn có hang Bồ Đề ở Thổ Sơn còn gọi là "địa đạo búi Đá Chồng", chùa Long Hoa, chùa Huệ Quang, chùa Hương Sơn, chùa Giác Hoàng Viên, đình Khuê Bắc; ngọn Mộc Sơn; lễ hội Quán Thế Âm…

Bảo tàng Văn hóa Phật giáo hiện đang trưng bày hơn 500 hiện vật có ý nghĩa đối với sự phát triển văn hóa Phật giáo qua nhiều giai đoạn, thời kỳ khác nhau.

Cái nhìn toàn diện về Danh thắng Ngũ Hành Sơn

Theo UBND Q. Ngũ Hành Sơn, phát triển mở rộng không gian du lịch về phía Tây là một định hướng có tính quy luật để từng bước giới thiệu với khách du lịch có cái nhìn tổng quát, toàn diện về Danh thắng Ngũ Hành Sơn. Năm ngọn núi là một tổng thể thống nhất hoàn chỉnh, trong đó mỗi ngọn chứa đựng tiềm tàng không những các dấu ấn về văn hóa lịch sử mà còn các ưu thế khả năng tự nhiên, môi trường sinh thái. Từ lâu các nhà chuyên môn đã định hướng phát triển thành một làng văn hóa du lịch với các phân khúc chức năng, trong đó du lịch phía Tây có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, du lịch làng quê. Theo định hướng phát triển du lịch Việt Nam năm 2018, du lịch sinh thái được chú trọng hàng đầu trong tổng thể định hướng về phát triển và quy hoạch các vùng du lịch trong điều kiện thiên nhiên, địa hình thuận lợi. Đây là vùng du lịch tiềm năng chậm đánh thức, với không gian thoáng đãng, đồng ruộng, bãi bồi kết hợp với núi non, sông nước, chùa chiền, hang động. Do đó, việc xây dựng Đề án phát huy giá trị tiềm ẩn thông qua việc mở rộng không gian du lịch phía Tây Danh thắng Ngũ Hành Sơn là hết sức cần thiết, nhằm khai thác hài hòa hoạt động du lịch giữa phía Đông (ngọn Thủy Sơn) và các điểm tham quan phía Tây, lại vừa có tác dụng đẩy mạnh việc tăng thu ngân sách, tạo thêm việc làm cho nhân dân địa phương, vừa tạo thêm nguồn kinh phí để trùng tu, tôn tạo và quản lý đối với Khu di tích danh thắng này…

Mục tiêu của đề án này là nhằm đánh thức những giá trị sẵn có của khu vực phía Tây Danh thắng Ngũ Hành Sơn, kết nối các điểm du lịch trong quần thể liên hoàn với nhau. Qua đó để người dân, du khách khám phá, tìm hiểu sâu hơn về những giá trị đang tiềm ẩn của di tích này; đồng thời huy động cộng đồng tham gia kinh doanh du lịch, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân trong khu vực và phát triển kinh tế địa phương gắn với công tác bảo vệ, phát huy giá trị danh thắng Ngũ Hành Sơn. Ngoài ra, Đề án cũng nhằm thu hút khách hành hương và khách du lịch về với Ngũ Hành Sơn này ngày càng đông hơn, tạo bước chuyển mới trong nhận thức về vai trò, vị trí và chức năng của mô hình du lịch sinh thái, kích thích sự đầu tư, huy động nguồn vốn từ xã hội hóa. UBND Q. Ngũ Hành Sơn cho rằng, khi chất lượng cuộc sống được nâng lên thì nhu cầu vui chơi giải trí nghỉ dưỡng ngày càng cao, việc mở rộng không gian phát triển du lịch phía Tây Danh thắng Ngũ Hành Sơn là phù hợp với xu thế phát triển, vừa khai thác hết giá trị tiềm năng chưa được đánh thức, vừa giải quyết việc làm, tạo nguồn thu nhập cho nhân dân địa phương.

Theo định hướng phát triển mở rộng không gian du lịch phía Tây Danh thắng Ngũ Hành Sơn, sẽ đưa vào khai thác các điểm tham quan như: Động Tam Thanh- Huyền Vy- Quán Âm- Bảo tàng Phật giáo- Hang núi Ghềnh- Đình Khuê Bắc; đầu tư phục dựng lại bến ngự của vua Minh Mạng khi đến Ngũ Hành Sơn kết hợp với du lịch đường sông từ CT15- K20- chùa Quán Thế Âm- hang núi Ghềnh- Đình Khuê Bắc. Đồng thời, xây dựng "Bảo tàng điêu khắc đá Non Nước- Ngũ Hành Sơn" lưu giữ quá trình hình thành phát triển của làng nghề hơn 400 năm;  đầu tư cơ sở hạ tầng; đồng bộ cơ sở hạ tầng kỹ thuật, triển khai bãi đậu xe tập trung và vận chuyển bằng xe sử dụng năng lượng mặt trời để tham quan; xây dựng khu công viên...

Có thể nói, phát triển mạnh mẽ du lịch phía Tây Danh thắng Ngũ Hành Sơn sẽ là định hướng đúng đắn nhằm từng bước giới thiệu với khách du lịch có cái nhìn tổng quát, toàn diện hơn về thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, một vùng đất đậm chất tâm linh và hoài cổ…

TRÍ DŨNG