Báo Công An Đà Nẵng

Phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm

Thứ hai, 18/12/2017 11:30

Ngày 15-12, Bộ NN&PTNT phối hợp UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức hội nghị triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban Châu Âu (EC) về khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định.

Ngư dân cần tuân thủ các quy định đánh bắt để phát triển nghề cá bền vững, có trách nhiệm.

“Thẻ vàng” của ngành Thủy sản

Theo báo cáo Cục Kiểm ngư, nếu như từ năm 2010 đến năm 2014 tình hình tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ có xu hướng giảm thì từ năm 2015 đến nay lại liên tục tăng nhanh và diễn biến phức tạp, đặc biệt là vi phạm vùng biển các nước, quốc đảo Thái Bình Dương. Theo thống kê, trong 7 năm qua, Việt Nam có tổng cộng 1.340 tàu/11.028 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Trong đó, bị Indonesia bắt giữ 433 tàu/3.113 ngư dân, Thái Lan bắt 281 tàu/2.314 ngư dân, Malaysia bắt 200 tàu/1.857 ngư dân. Các địa phương có tàu cá thường xuyên vi phạm chủ yếu ở các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Cà Mau, Tiền Giang, Kiên Giang.

Trước diễn biến này, từ ngày 15 đến 19-5, EC đã làm việc với Việt Nam về hoạt động đánh bắt bất hợp pháp (IUU Fishing), đặc biệt là tàu cá nước ta vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. EC đã ra cảnh báo và yêu cầu Việt Nam phải triển khai ngay các biện pháp để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng này nếu không sẽ đối mặt với các biện pháp mạnh. Ngày 28-5, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 732/CĐ-TTg chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương triển khai các biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, tuy nhiên tình trạng này vẫn không được khắc phục. Ngày 23-10, EC đã chính thức áp dụng cảnh báo “thẻ vàng” đối với Việt Nam khi chưa đáp ứng các khuyến nghị về ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định. Điều đáng nói là sau khi bị “thẻ vàng”, gần 2 tháng qua vẫn có tới 16 tàu cá/118 ngư dân tiếp tục vi phạm khai thác IUU và bị các nước, quốc đảo Thái Bình Dương bắt giữ.

Theo EC, 6 tháng sau khi bị rút “thẻ vàng”, nếu không giải quyết các yêu cầu của Liên minh Châu Âu (EU) đưa ra, Việt Nam có thể đối mặt một trong 3 kịch bản, trong đó xấu nhất là bị “thẻ đỏ”. Khi đó, lệnh cấm xuất khẩu hải sản khai thác từ Việt Nam vào EU sẽ được áp dụng.

Xử lý người đứng đầu

Đại diện Bộ NN&PTNT cho biết, đến thời điểm hiện tại, hầu hết các địa phương có nhiều tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài đã tổ chức kiểm điểm. Trong đó, tại các tỉnh Cà Mau, Bến Tre, Tiền Giang, người đứng đầu chính quyền các cấp, các cơ quan liên quan đã tự kiểm điểm trách nhiệm cá nhân. Các địa phương cũng đã tiến hành lập danh sách theo dõi tàu cá, ngư dân vi phạm để xử lý và đưa ra các biện pháp quản lý nghiêm khắc, trước mắt tàu cá nào vi phạm sẽ không được hưởng chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám, ngay sau khi EU rút “thẻ vàng”, Bộ đã có báo cáo chính thức với Thủ tướng Chính phủ đồng thời triển khai các biện pháp cấp bách, để quyết liệt hành động nhằm sớm được “xóa thẻ”. Mới đây, tại buổi làm việc với đại sứ, Trưởng đại diện EU tại Việt Nam, Bộ NN&PTNT đã một lần nữa trình bày lại quyết tâm của Chính phủ, các bộ ngành trung ương, các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp để thoát khỏi “thẻ vàng” mà EC đang áp dụng.

Theo ông Tám, Luật Thủy sản và Chỉ thị 45, Công điện 732 của Thủ tướng Chính phủ đã có quy định rất cụ thể chức năng nhiệm vụ của các bộ ngành, địa phương, đặc biệt là người đứng đầu. “Chi thị 45 của Thủ tướng yêu cầu đến ngày 30-6-2018 phải chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Chấm dứt chứ không phải là giảm thiểu như trước đây nữa. Nếu để tình trạng này tái diễn thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng”, ông Tám cho hay.

Tới đây Bộ cũng sẽ tham mưu chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 103 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản với mức xử phạt rất nặng. Ngoài phạt tiền sẽ có hình phạt bổ sung như tước giấy phép hoạt động, không cho đóng mới tàu cá, không được hưởng các chính sách ưu đãi của nhà nước. Nếu tái phạm, vi phạm có tổ chức có thể bị xử lý theo luật hình sự.

“Chúng ta không hề muốn phải xử lý hình sự, mà quan trọng là tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chủ tàu, ngư dân và toàn xã hội. Vì nếu không thực hiện nghiêm các khuyến cáo của EC thì không những khó xóa thẻ vàng mà còn đối mặt với việc dính thẻ đỏ. Bộ NN&PTNT chủ trì sẽ phối hợp với các bộ ngành trung ương, các địa phương quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng để phát triển nghề cá bền vững và có trách nhiệm”, Thứ trưởng Bùi Văn Tám nhấn mạnh.

CÔNG KHANH