Phát triển nhân lực là cốt lõi để thu hút đầu tư vi mạch bán dẫn
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Quang Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Đà Nẵng tại hội nghị cung ứng nhân lực ngành vi mạch bán dẫn mới đây. Theo ông Thanh, thời gian qua thành phố đã tập trung nhiều giải pháp phát triển nhân lực ngành này. Nổi bật như đã thành lập liên minh các trường đại học đào tạo vi mạch bán dẫn kết hợp trí tuệ nhân tạo, tổ chức lớp đào tạo giảng viên nguồn đầu tiên về thiết kế vi mạch, lớp đào tạo chuyển đổi sinh viên chuyên ngành gần sang thiết kế chip. Một số trường đại học trên địa bàn thành phố đã bước đầu công bố tuyển sinh mới kỹ sư thiết kế vi mạch năm 2024. Đà Nẵng cũng tham mưu Quốc hội ban hành cơ chế đặc thù thí điểm cho thành phố phát triển nguồn nhân lực cho ngành vi mạch bán dẫn.
Thống kê cho thấy, Đà Nẵng hiện có khoảng 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch như Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse, FPT semiconductor, Viettel CNC… với khoảng 550 kỹ sư, chiếm 10% cả nước. Dự kiến đến năm 2030 Đà Nẵng phấn đấu có khoảng 20 công ty thiết kế vi mạch với quy mô trung bình khoảng 100 - 130 người trên mỗi công ty (riêng Synopsys có quy mô trên 500 người). Theo đó, tổng số kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn làm việc trong các doanh nghiệp tại Đà nẵng tới năm 2030 là khoảng 2.000 - 2.600 nhân sự. Ngoài ra, từ nay đến năm 2030 sẽ có thêm 1.500 kỹ sư thiết kế Việt Nam làm việc ở nước ngoài và Đà Nẵng có thể đặt mục tiêu tham gia cung cấp khoảng 100-150 nhân lực cho nội dung này.
Trên cơ sở đó, dự kiến đến năm 2030, Đà Nẵng cần đào tạo được 1.500-2.000 kỹ sư thiết kế vi mạch bán dẫn. Trong đó, có 80%-90% kỹ sư chuyên môn hóa thiết kế về vi mạch số (Digital Design) và 10-20% kỹ sư tập trung vào vi mạch tương tự (Analog Design). Trong khâu kiểm thử, đóng gói và sản xuất, thành phố đặt mục tiêu thu hút ít nhất từ 1 đến 2 dự án, sẽ cần khoảng 2.000 - 3.000 kỹ sư, kỹ thuật viên làm việc tại thành phố, 200-300 kỹ sư làm việc tại nước ngoài. Thành phố dự kiến ký kết hợp tác với đối tác chính trong lĩnh vực đóng gói, kiểm thử ở Đài Loan, Bang Oregon, Bang Arizona.
Ông C.Y. Huang, Chủ tịch Công ty FCC Partners đại diện cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư vấn và tài chính quốc tế cho biết, không chỉ tại Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng đang rất cần nhân lực vi mạch bán dẫn, như Hàn Quốc thời gian tới dự kiến thiếu tới 56 ngàn kỹ sư, Nhật Bản 40 ngàn kỹ sư…Vì vậy, các quốc gia cần chiến lược đào tạo toàn diện nhân lực chất lượng cao, nhất là lĩnh vực bán dẫn ngay từ giờ. Trong khi đó, ông Adrian Ng Siong Teck, Giám đốc Kinh doanh cấp cao của Synopsys khu vực Nam Á và Việt Nam, đối tác tư vấn chiến lược phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn của Đà Nẵng chia sẻ, điều quan trọng để có nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này là xây dựng chương trình đào tạo. Nhà trường cần giới thiệu sinh viên đến các công ty để làm việc. Điều này giúp sinh viên có thêm nhiều trải nghiệm thực tế để tích lũy kinh nghiệm. Hiện chương trình đào vi mạch bán dẫn tại Synopsys kéo dài 6 tháng. Thời gian đầu sinh viên được đào tạo trong nước để tìm hiểu căn bản về lĩnh vực này; sau đó sinh viên sẽ được gửi đi đào tạo tại Đài Loan 1,5 tháng để trực tiếp "cầm tay chỉ việc".
Theo ông Nguyễn Quang Thanh, sự gắn kết "tam giác" giữa ba nhà (Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp) sẽ là nền tảng đảm bảo hoạt động đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, tạo đòn bẩy để Đà Nẵng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu. Thành phố hiện có 38 cơ sở đào tạo về lĩnh vực CNTT, trong đó 20 trường đại học, cao đẳng (17 trường đào tạo chuyên ngành CNTT, 13 trường đào tạo các chuyên ngành gần lĩnh vực bán dẫn và Al). Tổng số chỉ tiêu tuyển sinh chuyên ngành CNTT trên địa bàn thành phố khoảng 6.500 sinh viên. Tính đến tháng 8-2024, Đà Nẵng có 3 đơn vị tuyển sinh (với khoảng 170 chỉ tiêu) về kỹ sư vi mạch bán dẫn đầu tiên (gồm trường Đại học Bách Khoa, Đại học CNTT-TT Việt Hàn, Đại học Sư phạm kỹ thuật). Ngoài ra, mỗi năm thành phố có khoảng 1.000 sinh viên tốt nghiệp ngành gần vi mạch, 300 chỉ tiêu Al và 2.000 chỉ tiêu gần Al. Đây là những thông tin quan trọng để xác định mục tiêu và khả năng đào tạo nhân lực vi mạch bán dẫn và Al của Đà Nẵng trong thời gian tới.
HẢI QUỲNH