Báo Công An Đà Nẵng

Phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao: Chính sách “gãi chưa đúng chỗ ngứa”?

Thứ bảy, 16/12/2017 11:38

Để thu hút doanh nghiệp (DN) đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ kinh phí lên tới 3 tỷ đồng/dự án. Tuy vậy, DN bảo họ không cần tiền mà cần đất đai để đầu tư, nhưng “nút thắt” này lại chưa được tháo gỡ.

Tập trung đất đai để cho DN đầu tư NNCNC đang là “nút thắt”.

Phải cho cái DN cần

Tại hội thảo thu hút đầu tư  vào Đà Nẵng lĩnh vực NNCNC hôm 15-12, ông Nguyễn Đỗ Tám - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đà Nẵng cho biết, TP đã quy hoạch 7 vùng phát triển NNCNC đồng thời đưa ra nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ DN. Cụ thể TP hỗ trợ tối đa không quá 3 tỷ đồng/dự án để giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sản xuất. Nếu DN thuê đất của người dân, TP hỗ trợ 20 triệu đồng/ha/năm trong thời gian 5 năm. TP hỗ trợ 70% chi phí, không quá 3 tỷ đồng, đầu tư giao thông tới hàng rào dự án. Ngoài ra, còn nhiều hỗ trợ khác về thủ tục hành chính, nguồn vốn sản xuất, tổ chức sản xuất... tất nhiên kèm theo đó là khá nhiều điều kiện như quy mô sản xuất, đảm bảo yêu cầu vệ sinh thực phẩm, phải áp dụng công nghệ cao...

Với nhiều ưu đãi như vậy, Đà Nẵng kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều DN đầu tư. Tuy vậy, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách đó “gãi chưa đúng chỗ ngứa”. Đại diện Danapha (Đà Nẵng), DN được phê duyệt dự án trồng cây dược liệu tại Hòa Phú (Hòa Vang) nói, muốn có đất phải đứng ra tự liên hệ với người dân giải tỏa đền bù. 1ha 2 tỷ đồng, dự án 10ha cần 20 tỷ đồng. Để có đất trồng dược liệu, bỏ ra số tiền đầu tư thế quá lớn, nên DN buộc phải thực hiện hình thức thuê lại đất của dân. Nếu muốn hưởng hỗ trợ của TP, điều kiện DN phải thuê đất 20 năm, trong khi người dân chỉ được quyền cho thuê đất tối đa 2 năm. Cái vướng này không biết gỡ sao. Tương tự, đại diện Vinamilk cho biết, DN đầu tư dự án trang trại bò sữa hơn 120ha ở Hòa Phong, đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn, đã lập báo cáo tác động môi trường, đã giải quyết thủ tục từ năm 2015 tới nay, nhưng giờ vẫn khó chỗ đất đai khi chưa thống nhất phương án giao đất trực tiếp hay thông qua đấu giá. DN chỉ muốn đầu tư càng nhanh càng tốt để nắm bắt thời cơ. Bởi dự án trang trại bò sữa của Vinamilk là NNCNC đúng nghĩa, phương tiện, quy trình tiên tiến nhất của thế giới được đưa vào áp dụng, người dân địa phương cũng có sự hợp tác trong phát triển nguồn nguyên liệu.

Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Đà Nẵng, ông Phạm Bắc Bình nói: Chúng tôi chỉ cần hỗ trợ đất đai sản xuất không cần hỗ trợ tiền, cái đó nó rất nhỏ, chưa kể thủ tục xin 1 đồng của Nhà nước rất mệt. Theo ông Bình, DN ở Đà Nẵng không lớn nổi vì không có đất sản xuất mà sinh sôi nảy nở. Ông Bình đề xuất TP nên bỏ tiền giải tỏa trắng cả một khu vực quy hoạch phát triển NNCNC sau đó giao đất sạch, mời DN tới đầu tư. Một kg rau sạch bán 35 ngàn đồng, trong khi chi phí tối đa 15 ngàn đồng, lãi suất rất cao, hơn nhiều ngành nghề khác, nếu có mặt bằng DN họ sẵn sàng đầu tư. Đồng quan điểm, ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch H.Hòa Vang nói, nhiều DN trong Nam ngoài Bắc, kể cả nước ngoài về Hòa Vang tìm cơ hội đầu tư nông nghiệp nhưng về rồi lại đi. Cái vướng nhất hiện nay là DN cần đất sản xuất, dù TP quy hoạch 7 vùng NNCNC nhưng chỉ quy hoạch chung, cần phải có quy hoạch chi tiết, thời gian cho thuê đất ổn định 50 năm, 70 năm lúc đó DN mới yên tâm đầu tư. Bây giờ TP phát triển về phía Tây, không quy hoạch chi tiết sau lại giải tỏa, DN không thể yên ổn đầu tư. Ông Hành cũng cho biết, ở Hòa Vang có nhiều khu vực đất rừng, độ dốc không lớn, TP cũng nên chuyển đổi mục đích, tạo quỹ đất thu hút đầu tư vào NNCNC.

Bỏ bớt các điều kiện

Để chính sách thu hút đầu tư vào NNCNC hiệu quả, ngoài việc phải giải đúng “nút thắt” của DN thì cần phải bớt các điều kiện rườm rà. Ông Nguyễn Phương Bắc - Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển KT-XH Bắc Ninh cho biết, hầu hết tỉnh nào cũng có chính sách hỗ trợ phát triển NNCNC, tuy nhiên lại không đứng dưới góc độ DN để thấy “nút thắt” là cái gì. DN họ cần chớp cơ hội vì thế họ muốn dự án triển khai thật nhanh, nhưng bảo giao cho họ tự đi thuê đất thỏa thuận với dân thì rất khó. Khu vực vùng ven Đà Nẵng đang bị ảnh hưởng giải tỏa, người dân không muốn giữ đất nông nghiệp cho DN thuê mà họ muốn giải tỏa để nhận tiền đền bù cao hơn, nên họ ủng hộ các dự án đô thị, công nghiệp hơn dự án nông nghiệp. Vì thế, cần vai trò điều phối của địa phương. Cũng theo ông Bắc, để hỗ trợ DN nhằm thu hút họ đầu tư vào NNCNC không chỉ tiền, đất đai, tức là đầu vào mà phải tính cả đầu ra, như xây dựng thương hiệu, hỗ trợ phát triển thị trường để họ tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, cần bỏ bớt các điều kiện để được hưởng chính sách ưu đãi vì nhiều điều kiện không cần thiết, dễ cho cơ quan nhà nước mà đẩy phần khó cho DN. Chẳng hạn, điều kiện 1ha được hỗ trợ, vậy 0,9 ha không được hỗ trợ, trong khi sự chênh lệch đó không nói điều gì.

Cả nước hiện chỉ có 1% DN đầu tư cho NNCNC. Trong 3 vấn đề tái cơ cấu ngành nông nghiệp gồm chính sách, tổ chức sản xuất, công nghệ thì DN đóng vai trò hạt nhân. Tuy vậy, việc thu hút DN đầu tư vào NNCNC đang gặp khó bởi vướng “nút thắt” đất đai. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Vụ trưởng vụ KHCN, Bộ NN&PTNT cho biết, “nút thắt” này đang được Chính phủ cho xây dựng cơ chế tập trung đất đai để tháo gỡ.

HẢI QUỲNH

Tại hội thảo này, Đà Nẵng cũng kêu gọi DN đầu tư phát triển toàn diện hệ thống cảng cá Thọ Quang từ điện nước, công nghệ thông tin, xử lý môi trường, khu chợ đầu mối, khu nhà hàng hải sản, trung tâm đấu giá tiêu thụ hải sản, trung tâm đào tạo nhân lực nghề biển... theo mô hình của Nhật Bản. Đây không chỉ là khu cảng cá thuần túy mà còn là điểm tham quan du lịch đặc sắc của TP.