Báo Công An Đà Nẵng

Phát triển quy hoạch Hòa Vang phải hết sức thận trọng

Thứ bảy, 23/12/2017 15:10

Ngày 22-12, đồng chí Trương Quang Nghĩa - Ủy viên Trung ương đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã làm việc với H. Hòa Vang. Tham dự buổi làm việc có các đồng chí đại diện lãnh đạo UBND, HĐND TP, các sở, ban ngành thành phố và lãnh đạo Huyện ủy, UBND, HĐND, các ban ngành H. Hòa Vang...

Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa phát biểu tại buổi làm việc tại H. Hòa Vang.

Mở đầu buổi làm việc, đồng chí Bí thư Thành ủy đề nghị, nên xem xét về những vấn đề cấp thiết cần giải quyết ở Hòa Vang đó là quy hoạch đất đai và vấn đề xây dựng nông thôn mới, xem có điểm nào không còn phù hợp hay không. Lãnh đạo Huyện ủy Hòa Vang đã báo cáo về những kết quả, chỉ tiêu đạt được trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội năm 2017.

Về thực trạng công tác quy hoạch, các công trình, dự án trên địa bàn huyện, có 305 dự án, nhiều dự án lớn đã triển khai, tuy nhiên nhiều dự án triển khai còn chậm, kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân. Nhiều dự án được phê duyệt có hạ tầng chưa đồng bộ với khu dân cư hiện trạng, chỉnh trang nên gây ngập úng cục bộ nhiều khu vực, nhiều dự án không phù hợp, không khả thi, đã đề xuất UBND thành phố hủy bỏ. Công tác quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội H. Hòa Vang đến năm 2020, được thành phố phê duyệt từ năm 2009, sau hơn 8 năm, một số định hướng trong quy hoạch không còn phù hợp với tình hình thực tế địa phương.

H. Hòa Vang đã đề nghị thành phố sớm tiến hành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội Hòa Vang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trên địa bàn huyện có 305 đồ án quy hoạch lớn, nhỏ,  có 29 dự án chậm triển khai, 47 dự án quy hoạch thành phố loại bỏ. Có 3 thôn là Trung Sơn, Quan Nam 2, Quan Nam 5 tại xã Hòa Liên bị giải tỏa trắng. Tổng số hộ bị giải tỏa đi hẳn được bố trí trái định cư mới là 2.062 hộ, tổng số bị ảnh hưởng 5.188 hộ... Nhiều vấn đề bức xúc trong công tác quy hoạch, thực hiện các dự án, nổi lên là vấn đề thiếu đất tái định cư để bố trí cho người dân tại 30 dự án, theo thống kê cần khoảng 2.853 lô đất... Vấn đề di dời nhân dân thôn Vân Dương, Hòa Liên bị ô nhiễm môi trường do nhà máy thép DaNa-Ý và DaNa-Úc, theo chủ trương của thành phố sẽ hoàn thành dứt điểm trong 6 tháng đầu năm 2018. Tuy nhiên, đến nay dường như dự án đã bị dừng lại, do chưa có chủ trương đầu tư của HĐND thành phố về 2 khu tái định cư Hòa Liên 6 và 7, do nguồn vốn chưa có để chi trả... Dự án Kênh thoát lũ Hòa Liên, dù đã gia hạn nhiều lần, nhưng vẫn chậm thi công, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Dự án đường La Sơn-Túy Loan, việc chậm bố trí 2 khu tái định cư Tà Lang-Giàn Bí và Trung tâm xã Hòa Bắc ảnh hưởng đến đời sống nhân dân trong sinh hoạt và sản xuất...

Về vấn đề quy hoạch điều chỉnh nông thôn mới, UBND huyện đã trình điều chỉnh  quy hoạch 11 xã, tuy nhiên thành phố trả hồ sơ đề nghị áp dụng quy hoạch phân khu, không điều chỉnh nông thôn mới, điều này ảnh hưởng nhiều đến người dân do không tách thửa, chuyển mục đích được. Về việc quy hoạch các vùng nông nhiệp ứng dụng công nghệ cao, huyện đề nghị quy hoạch chi tiết để kêu gọi đầu tư; cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất một số rừng trồng kém hiệu quả sang sản xuất nông nhiệp công nghệ cao, gắn kết với du lịch... Bí thư Thành ủy cũng lắng nghe nhiều ý kiến của đại diện các sở, ban ngành về vấn đề quy hoạch chi tiết từng phân khu trên địa bàn H. Hòa Vang; hướng phát triển Hòa Vang theo mô hình thế nào, sẽ đô thị hóa hay theo chương trình nông thôn mới, đây là vấn đề vẫn chưa định hình rõ ràng. Nếu phát triển nông nghiệp, thì mô hình nông nghiệp môi trường sinh thái hay ứng dụng công nghệ cao, mô hình nào ưu việt hơn? Vấn đề tái định cư của người dân sau giải tỏa, thì xây dựng nông thôn mới thế nào?

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa chỉ rõ, phải đặc biệt quan tâm đến vấn đề quy hoạch, dành mọi nguồn lực cho việc quy hoạch, hiện nay việc quy hoạch phân khu tại Hòa Vang chưa có, chưa đồng bộ về  hạ tầng như vấn đề nước, đường giao thông... Hòa Vang có diện tích hơn 733km2 nên phải phát triển theo hướng đô thị xanh, nông nghiệp, công nghệ cao... Bí thư Thành ủy cho rằng: "Hòa Vang mới đạt 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, thì không phải đẳng cấp của Đà Nẵng, phải xem xét, sắp xếp lại, mô hình nào đặc trưng... Hòa Vang có 130.000 người dân, có một thị trường nông nghiệp rộng là TP Đà Nẵng, nhưng hiện tại sản phẩm nông nghiệp Hòa Vang mới chỉ cung cấp được 20%, đây là điều phải suy nghĩ".

Bí thư Thành ủy cũng tỏ rõ quan điểm: "Quay trở lại vấn đề quy hoạch, không thể để hai nhà máy thép ở lại, Đà Nẵng không cần ngành công nghiệp nặng luyện kim này, nó phá vỡ quy hoạch các ngành sản xuất khác, ảnh hưởng đến đời sống người dân, môi trường... Hòa Vang có 500 ha đất không thể canh tác, đó là có tội với dân! Quy hoạch phát triển Hòa Vang phải làm sao đảm bảo môi trường sinh thái, bảo vệ rừng, bảo vệ nguồn nước... Phải sắp xếp lại dân cư, tạo sự ổn định ngành nghề cho người dân.  Vì vậy, phát triển quy hoạch Hòa Vang là phải hết sức thận trọng, còn có đủ thời gian để làm kỹ vấn đề này".

HỒNG THANH