Báo Công An Đà Nẵng

Phát triển sân bay Chu Lai thành Trung tâm công nghiệp, dịch vụ hàng không của Việt Nam

Thứ sáu, 16/10/2020 23:16

Ngày 15-10, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chủ trì buổi họp báo thông tin về định hướng phát triển tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đây được xem là hoạt động cần thiết nhằm giúp người dân hình dung được bức tranh về sự phát triển của Quảng Nam trong những năm đến.

Ông Lê Trí Thanh chủ trì buổi họp báo sau Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam.

Phấn đấu đạt mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra

Tại buổi họp báo, thay mặt Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh trân trọng cảm ơn sự ủng hộ, đồng hành của các cơ quan thông tấn, báo chí đóng chân trên địa bàn tỉnh đối với sự nghiệp xây dựng, phát triển quê hương Quảng Nam. "Các cơ quan thông tấn, báo chí đã kịp thời nắm bắt thông tin, cung cấp cho dư luận các bài viết sâu sắc, sát với thực tiễn của tỉnh. Qua đó giúp dư luận xã hội hình dung được bức tranh về sự phát triển của Quảng Nam ở thời buổi rất khó khăn, không ngừng phấn đấu vươn lên trở thành tỉnh phát triển toàn diện trên các lĩnh vực; đồng thời cũng chỉ ra các tồn tại, hạn chế cần phải được khắc phục trong chặng đường phát triển những năm đến"- ông Thanh nhấn mạnh.

Về định hướng phát triển của Quảng Nam ở giai đoạn mới, ông Lê Trí Thanh cho rằng, mục tiêu phấn đấu xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030 là yêu cầu của Bộ Chính trị đặt ra đối với tỉnh và cũng là quyết tâm lớn của Đảng bộ tỉnh vừa được thống nhất tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tuy nhiên, để trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước trong giai đoạn 5 đến 10 năm tới là cả một quá trình nỗ lực rất lớn, khi mà Quảng Nam nằm trong khu vực bị ảnh hưởng nặng nề của thiên tai, dịch bệnh; chịu nhiều sự tác động của các yếu tố bất lợi khác của diễn biến thị trường quốc tế. Vì vậy, nhận diện đúng những khó khăn, thách thức đặt ra sẽ giúp toàn tỉnh vượt qua khó khăn, phấn đấu đạt mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong nhiệm kỳ mới.

Quảng Nam phấn đấu phát triển sân bay Chu Lai thành Trung tâm công nghiệp dịch vụ hàng không của Việt Nam.

Nhiều lợi thế làm động lực phát triển

Trả lời câu hỏi của phóng viên về những định hướng, giải pháp cụ thể nhằm tạo bước đột phá đưa Quảng Nam đạt được mục tiêu đề ra, ông Lê Trí Thanh cho rằng, trong công tác lãnh đạo, điều hành, Quảng Nam xác định 3 lựa chọn đột phát để ưu tiên thực hiện nhằm tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của tỉnh trong các năm tới. Trước hết là đột phá về con người; theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục sắp xếp tinh gọn, hợp lý hóa lại tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị chức năng; đồng thời nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, xử lý các bất cập trong quá trình vận hành, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ thông tin trong lãnh đạo, điều hành. Thứ hai, tiếp tục tập trung đầu tư tạo đột phá hạ tầng then chốt của vùng Đông kết nối với khu vực vùng Tây. Một khi hệ thống giao thông đường bộ được tập trung đầu tư kết nối đồng bộ, các nguồn lực về đất đai, tài nguyên, các tiềm năng trong khu vực sẽ được khai phá. Thứ ba là ưu tiên phát triển vùng Tây - vùng miền núi còn nhiều khó khăn, đòi hỏi phải có sự kiên trì, bền bỉ, tiếp tục củng cố sắp xếp lại dân cư, phát triển kinh tế rừng gắn với bảo vệ rừng.

"Đối với khu vực miền núi, Nghị quyết 58 của Quốc hội ban hành nhiều chính sách, cộng với giai đoạn 1 của Nghị quyết 05 của Tỉnh ủy (khóa XXI) cho thấy 5 nhóm dự án lớn của tỉnh hoàn toàn phù hợp Nghị quyết 58. Đầu tư cho miền núi là nhiệm vụ chính trị rất quan trọng trong thời gian tới. Đầu tư cần kiên trì, bền bỉ, có chiến lược, sắp tới đây sẽ phải chấm dứt đầu tư một cách manh mún. Cơ sở tổ chức lại sản xuất miền núi đã hình thành, ví dụ tích cực triển khai trồng rừng gỗ lớn, chế biến viên nén xuất khẩu từ gỗ. Dư thừa từ công nghiệp gỗ sẽ đưa vào viên nén xuất khẩu, còn lại phục vụ thị trường nội địa và xuất khẩu"- ông Thanh khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Thanh cũng cho rằng khu vực vùng Đông đang có lợi thế rất lớn để phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn cũng như kêu gọi đầu tư các dự án lớn. "Nhiều dự án lớn đã triển khai ở vùng Đông. Nhiều dự án rất lớn đang được phối hợp tháo gỡ mặt bằng ở khu vực ven biển từ Thăng Bình vào đến Chu Lai sau khi đường Võ Chí Công xây dựng hoàn thành tạo sự khớp nối đồng bộ từ Hội An đến Chu Lai. Cảng Chu Lai đang được Thaco - Trường Hải quyết liệt cùng Quảng Nam tập trung đầu tư thành cảng loại 1 ở miền Trung, có khả năng đón tàu 5 vạn tấn; kết hợp với cảng Đà Nẵng, cảng Dung Quất hợp lại thành cảng nước sâu khu vực Trung Trung Bộ, có khả năng liên kết, chia sẻ các loại hàng hóa.

Đối với sân bay Chu Lai có diện tích 2.300ha đang được tổ chức quy hoạch lại là một trong 4 sân bay lớn nhất của cả nước và thực hiện kêu gọi doanh nghiệp tư nhân cùng đầu tư. Theo quy hoạch, Chu Lai là sân bay cấp 4F và sân bay quân sự cấp I vào năm 2030 với công suất 5 triệu lượt hành khách và 1,5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. "Sân bay Chu Lai không chỉ đơn thuần là sân bay hành khách, phải là Trung tâm công nghiệp, dịch vụ hàng không của Việt Nam, có thể cạnh tranh với những trung tâm hàng không ở khu vực Đông Nam Á và Châu Á... Về du lịch, cơ hội phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng vừa ven biển vừa vùng núi rất tốt. Các địa phương như Đại Lộc, Quế Sơn, Hiệp Đức, Tiên Phước... đang có tiềm năng thu hút du khách từ ven biển, tạo một dòng khách mới đến vùng Tây. Qua đó nhằm khai thác song song cả hai khu vực, hạng chế du khách tập trung quá tải ở đô thị cổ Hội An"- ông Thanh chia sẻ.

Với những định hướng khái quát chủ đạo về sự phát triển của Quảng Nam trong những năm tới, ông Thanh mong rằng đây sẽ là động lực để lãnh đạo Quảng Nam quyết tâm hoàn thành tốt các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

TRẦN TÂN