Báo Công An Đà Nẵng

Phát triển thương hiệu đặc sản của xã đảo Tam Hải

Thứ bảy, 11/08/2018 12:39

Xã đảo Tam Hải (H. Núi Thành, Quảng Nam) có 2 đặc sản là nước mắm truyền thống và rượu Bàn Than được nhiều người ưa chuộng. Những đặc sản này mang hương vị đậm đà rất riêng mà những vùng miền khác không có được. Tuy nhiên, hiện nay 2 sản phẩm đó vẫn chưa được nhiều người biết đến do tính chất nhỏ lẻ, chủ yếu phân phối trong địa phương và một số vùng lân cận.

Nhiều gia đình ở xã Tam Hải vẫn còn lưu giữ, phát triển nghề làm nước mắm truyền thống.

Hiện nay, nhiều cơ sở nước mắm truyền thống ở Tam Hải vẫn còn gìn giữ và phát huy được nghề truyền thống của cha ông. Trong đó, 2 cơ sở lớn Cô Trung và An Hòa đã được kiểm duyệt, cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn VSATTP, cấp giấy phép kinh doanh và được phân phối ra thị trường nhiều năm nay. Tuy nhiên, số lượng còn hạn chế nên người tiêu dùng chưa biết nhiều đến thương hiệu.

Tìm đến cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống Cô Trung, chúng tôi biết được quy trình làm nước mắm truyền thống hoàn toàn khép kín, an toàn và không sử dụng hóa chất hay phụ gia. Chia sẻ về quy trình sản xuất, bà Trần Thị Chung (50 tuổi, chủ cơ sở nước mắm truyền thống Cô Trung) cho biết, nguyên liệu chính để làm mắm là cá cơm, vì loại cá này cho ra loại nước mắm thơm, màu đỏ đậm rất đẹp mắt. Cá được thu mua trực tiếp từ ngoài biển, sau đó bỏ vào thùng lớn với tỷ lệ 3 ký cá 1 ký muối.

Để cho ra nước mắm thơm ngon thì muối phải được lựa chọn rất kỹ vì nó góp phần tạo nên hương vị cho nước mắm. Cá được muối trong thời gian rất lâu, từ 12 đến 15 tháng, sau đó tiến hành các khâu lọc cá lấy nước mắm. Được muối từ cá nên nước mắm truyền thống có hàm lượng đạm rất cao, mặn nhưng rất an toàn, không chứa các chất độc hại. “Trước năm 2015, mỗi năm cơ sở tôi chỉ muối 1-2 tấn cá, cho ra khoảng 200 lít nước mắm phân phối trong địa phương. Vài năm trở lại đây, nhu cầu thị trường tăng cao, tôi mở rộng cơ sở, muối 10-15 tấn cá/1 năm cho ra hàng ngàn lít nước mắm nhưng cung vẫn không đủ cầu. Hiện tại tôi đang tính sẽ mở rộng quy mô sản xuất để phân phối ra thị trường ngoài tỉnh”- bà Chung nói.

Rượu Bàn Than được nấu từ nước giếng cổ có vị rất đặc biệt nhưng vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ, ít người biết đến.

Ngoài ra, Tam Hải còn có đặc sản rượu Bàn Than mà nhiều người vẫn chưa biết đến. Rượu Bàn Than được nấu từ nước giếng cổ Bàn Than có tuổi đời hàng trăm năm. Giếng được đào từ mạch nước chảy từ ngọn núi Bàn Than, đây là giếng duy nhất ở Tam Hải cho dòng nước ngọt và mát. Điều đáng nói, rượu được nấu từ nước giếng cổ này rất thơm và ngọt, người uống rượu sẽ có cảm giác vị ngọt còn lưu lại trong cổ mà những giếng nước lân cận không có. Tuy nhiên, hiện nay chỉ có một số gia đình nấu rượu để phục vụ cho địa phương, chưa được phân phối rộng rãi ra ngoài.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Hùng - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải cho biết, hiện địa bàn xã vẫn còn nhiều cơ sở lưu giữ nghề chế biến nước mắm truyền thống. Trong đó, 2 cơ sở Cô Trung và An Hòa đã được kiểm tra chất lượng và đăng ký thương hiệu sản phẩm. Bên cạnh đó, rượu Bàn Than cũng là một sản phẩm độc đáo của địa phương. Rượu được nấu từ nguồn nước giếng cổ trăm năm, có vị rất đặc biệt. Vừa qua, UBND xã cũng đã đăng ký 2 sản phẩm trên theo chương trình “mỗi xã một sản phẩm” theo văn bản của UBND huyện.

“Hiện tại, nước mắm truyền thống đã có thương hiệu nhưng rượu Bàn Than còn mang tính chất nhỏ lẻ. Địa phương đã có định hướng sẽ thành lập hợp tác xã hoặc tổ hợp tác để sản xuất hàng hóa cung cấp, phân phối trên thị trường nếu được cấp trên công nhận, phê duyệt”- ông Hùng nói.

LÊ VƯƠNG