Phát triển thủy sản - làm thế nào để vươn ra biển lớn?
Bài 1: Trắng tay vì vay vốn
(Cadn.com.vn) - Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản được xem là một quyết sách lớn của Chính phủ nhằm giúp ngành thủy sản Việt Nam phát triển đúng với tiềm năng vốn có, cũng như hỗ trợ ngư dân phát triển. Tránh lặp lại “vết xe đổ” của chính sách năm 1997, nghị định này đã có sự hoàn thiện hơn như đầu tư phát triển cơ sở hậu cần nghề cá, hỗ trợ bảo hiểm và ưu đãi thuế vì mục tiêu chung để chính sách sống được với ngư dân. Song, bên cạnh niềm vui mừng vẫn còn không ít nỗi khó khăn, lo lắng bởi với không ít ngư dân, quá khứ thất bại vẫn đang đeo bám họ...
Trải dài theo hình chữ S, Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố giáp biển thế nhưng công tác phát triển thủy sản, đánh bắt xa bờ vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả. Để hỗ trợ ngư dân, năm 1997 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 393 với nhiều ưu đãi nhằm hỗ trợ cho vay vốn đóng tàu để ngư dân có thể mạnh dạn vươn khơi. Thế nhưng, kết quả đã không như mong đợi. Chỉ một vài năm sau khi đóng tàu mới những con tàu này, không ít ngư dân đành phải trả lại cho ngân hàng bán đấu giá còn chủ tàu thì lâm vào cảnh nợ chồng nợ chất.
Việc thất bại trong chương trình trước đã khiến nhiều ngư dân trắng tay. |
Đến xã Duy Hải (H.Duy Xuyên, Quảng Nam) hỏi gia đình ông Nguyễn Hoa ai cũng biết bởi ông Hoa là một trong những người đã mạnh dạn đầu tư đóng tàu mới khi Quyết định 393 ra đời. Gần 20 năm trước ông Hoa nổi tiếng là thuyền trưởng giỏi, có nhiều kinh nghiệm đi biển vì vậy ông trở thành đối tượng được vay vốn đóng tàu. Ông Hoa nhớ lại: “Hồi nớ mình làm ăn được nên cứ nghĩ liều một phen đóng hẳn một cái tàu mới xem sao. Tôi quyết định bán tàu cũ được 50 triệu đồng rồi vay thêm đóng con tàu 400CV, mua sắm đồ đạc vô nữa tổng cộng gần 1 tỷ”.
Có tàu mới ông Hoa cùng thuyền viên mạnh dạn vươn khơi ra những ngư trường lớn. Thế nhưng liên tiếp 2, 3 năm liền nghề lưới vây không thu lại được kết quả. Mất mùa liên tiếp, không trả được nợ, ông Hoa bèn chuyển sang làm mực khơi. “Không phải chỉ đóng con tàu thôi là xong đâu. Trước mỗi chuyến đi tôi còn phải cho thuyền viên mượn tiền, mua sắm ngư cụ, rồi tiền dầu tiền thức ăn cho mỗi chuyến hàng tháng trời nữa. Chuyển qua làm mực là cả một sự mạo hiểm. Nói chung khi đóng mới lại con tàu đó gia đình tôi coi như đặt cược tất cả vào nó”, ông Hoa cho biết.
Thế nhưng may mắn đã không đến với ông khi chuyển sang ngư trường lớn để câu mực thì cũng là lúc nhiều tai họa ập đến. Năm 2004 khi tàu vừa ra khơi được hơn 100 hải lý thì tàu ông hư máy phải quay vào bờ sửa hết hơn 100 triệu đồng. Liền ngay sau đó cơn bão Chan Chu làm biến dạng con tàu 70% khiến con tàu gần chìm xuống nước. “Chuyến đi đó rất nhiều tàu thuyền dạt vào trú ở đảo tuy nhiên tàu tôi vẫn quyết định đứng trụ giữa biển. Tàu bị đánh hư hại có nguy cơ chìm nên tôi với anh em thuyền viên phải vứt bớt mực xuống nước. Chuyến ấy đã không thu được gì lại còn phải sửa tàu hết 150 triệu đồng”, ông Hoa ngậm ngùi.
Sau nhiều lần thất bại, nợ nần chồng chất, ông Hoa đành phải trả lại con tàu cho ngân hàng để họ thu hồi vốn. Theo ông Hoa những chủ tàu vay vốn đóng tàu cùng thời gian với ông đều làm ăn thất bại. Nguyên nhân chính là do thời ấy chưa có Hội nghề cá, người đi làm ngư trường xa còn ít nên khi gặp nạn không có ai ứng cứu kịp thời.
Trường hợp tàu của ông Hoa bị nạn, kêu cứu hộ 7 ngày tàu cứu hộ vẫn chưa ra tới nơi vì vậy thiệt hại rất lớn. “Nghề biển thường xuyên đối mặt với rủi ro vì vậy nếu hậu cầu không tốt thì rất khó làm việc. Ngày xưa anh em chúng tôi lần đầu vươn ra ngư trường lớn nên thất bại là điều không tránh khỏi”. Sau thất bại về việc đóng tàu mới, lại thêm gánh nặng nợ nần ông Hoa nghỉ hẳn ở nhà chỉ đánh bắt thuê cho tàu khác nhưng cũng chỉ ở những ngư trường gần.
Trường hợp ông Hồ Vĩnh (Tam Giang, Núi Thành) cũng là một trong những chủ tàu theo chính sách 393 ngày trước, gia đình ông Vĩnh chỉ mới vừa trả dứt nợ cho ngân hàng thời gian gần đây. Ông Vĩnh cho biết: “Sở dĩ việc đóng tàu vươn khơi ngày ấy thất bại là bởi ngư trường lớn với ngư dân còn lạ lẫm. Khi ấy chúng tôi đóng tàu mới nhưng không được hướng dẫn cụ thể, không có hậu cần đảm bảo, không có gì để hỗ trợ an toàn khi vươn khơi. Bây giờ tàu thuyền đánh bắt đều đi theo từng nhóm để hỗ trợ lẫn nhau, đội cứu nạn cũng làm việc hiệu quả hơn trước. Ngày ấy nếu cũng được như bây giờ thì chúng tôi không đến nỗi lâm nợ”.
Cũng theo ông Vĩnh sở dĩ những nước như Hàn Quốc, Nhật Bản phát triển về thủy sản bởi cách làm việc của họ rất chuyên nghiệp. Đối với ngư dân ở Việt Nam để đóng được tàu là một vấn đề nhưng vấn đề còn lại là làm sao kiếm đủ thuyền viên cho mỗi chuyến đi, làm sao để có sự ràng buộc giữa thuyền trưởng và các thành viên khác.
Trường hợp của ông Hoa, ông Vĩnh sau mỗi chuyến đi thất bại ngoài gánh nặng nợ nần bởi con tàu thì số tiền đầu tư ngư cụ cho các thuyền viên trên tàu cũng mất trắng. Nhiều khó khăn là vậy nhưng trong chương trình 393 chỉ cho vay vốn đóng tàu là chính, không có vốn cho hoạt động và hậu cần.
Chính sự không đồng bộ đó đã khiến nhiều ngư dân lâm vào cảnh trắng tay nhiều người phải từ bỏ ước mơ vươn ra biển lớn. Sự thất bại của chương trình 393 đã cho thấy một vấn đề nổi cộm trong phát triển thủy sản, không phải chỉ cho ngư dân vay tiền đóng tàu là có thể phát triển đánh bắt. Để thực sự làm chủ ngư trường, làm chủ con tàu phải có sự phối hợp đồng bộ đặc biệt là công tác hậu cần. Đó cũng là bài học lớn mà chúng ta đã rút ra được từ thất bại trên.
(còn nữa)
Hà Dung