Báo Công An Đà Nẵng

Phát triển văn hóa đọc bằng cách nào?

Thứ năm, 16/11/2017 09:36

Chiều 15-11, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tổ chức tọa đàm Phát triển văn hóa đọc trong trường học trên địa bàn thành phố. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng cần phải có nhiều giải pháp căn cơ để thúc đẩy văn hóa đọc. 

Ông Đặng Việt Dũng, tặng hoa chúc mừng nguyên các thầy giáo
Nhân kỷ niệm 35 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam trong buổi tọa đàm.

Chỉ thích truyện tranh

Để khảo sát tình hình văn hóa đọc trong học đường hiện nay, Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tổ chức cuộc điều tra xã hội học nhỏ, với số lượng 420 phiếu ở 70 trường trên địa bàn thành phố, gồm các trường tiểu học, trường THCS và THPT. Kết quả khảo sát cho thấy 100% các em học sinh được khảo sát đều thích đọc sách, mặc dù thể loại khác nhau. Đối với học sinh tiểu học, sở thích đọc sách của các em rất đa dạng, nhiều nhất là truyện tranh, sau đó là sách lịch sử. Trả lời câu hỏi "Ngoài giờ học trên lớp, bạn thường làm gì để giải trí?" thì có đến 74% số học sinh tiểu học trả lời là đi nhà sách hoặc đến thư viện, chỉ có 26% là chơi game để giải trí. Với học sinh THCS, truyện tranh vẫn dẫn đầu trong các thể loại sách được các em thích đọc, kế đến là sách tham khảo, sách văn học. Số học sinh đến thư viện và nhà sách ở lứa tuổi này gần như đạt tỷ lệ ngang nhau 48%-52%, trong khi đó có 30% học sinh vào mạng xã hội để giải trí. Đối với học sinh THPT, truyện tranh vẫn là loại sách các em yêu thích, sau đó mới đến sách tham khảo, việc đến thư viện của học sinh lứa tuổi này chỉ đạt tỷ lệ 10%. Một kết quả khảo sát đáng lưu tâm khác là có từ 90% đến 97% các em học sinh ở các bậc học từ tiểu học THPT cho rằng, một quyển sách hay hấp dẫn cần có nội dung mới lạ, sau đó mới đến tiêu chí những thông tin cần thiết cho việc học. Trong khi đó, các cô quản thư thư viện lại cho rằng, một cuốn sách hay đầu tiên phải là sách bổ ích cho việc học, sách của các nhà xuất bản lớn. Điều này mâu thuẫn với đánh giá của học sinh về một cuốn sách hay. Khảo sát là vậy, nhưng nhiều giáo viên tham gia buổi tọa đàm cho rằng, không ít học sinh không đọc sách, nhất là sách văn học, học sinh chỉ sử dụng sách tham khảo để làm những bài văn.

Thầy Nguyễn Minh Hùng, Phó giám đốc Sở GD và ĐT thành phố cho rằng đọc sách trong trường học hiện là bức tranh phức hợp, nhiều màu sắc và khó đánh giá. "Hiện nay phương tiện nghe nhìn hiện đại, khiến cho việc đọc sách đa dạng hơn, việc đọc sách của thầy và trò có nhiều thay đổi. Thư viện trong trường học được đầu tư xây dựng đã mang lại những hiệu ứng tích cực cho văn hóa đọc. Tuy nhiên, văn hóa đọc của thầy và trò chưa được định hướng, chưa có đủ nguồn sách để đáp ứng nhu cầu đọc đa dạng của học sinh", thầy Hùng chia sẻ.

Cần phục hưng văn hóa đọc

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật đánh giá cao việc Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức buổi tọa đàm. Ông Tiếng nói - "Bao giờ những buổi tọa đàm như thế này được tổ chức,  những Ngày hội sách được thực hiện thì văn hóa đọc vẫn còn được quan tâm. Tại Đà Nẵng đang có những khởi sắc nhất định trong việc phục hưng văn hóa đọc. Tuy nhiên để có văn hóa đọc thì chúng ta không thể thúc ép học sinh hay theo mệnh lệnh hành chính, mà phải xuất phát từ nhu cầu tự thân của các em và người đọc. Mỗi học sinh phải hình thành nhu cầu tự thân về đọc sách, lúc đó văn hóa đọc mới hết trầm luân. Muốn có được điều đó, chúng ta phải có giải pháp căn cơ và những người lớn phải gương mẫu trong việc đọc". Còn ông Huỳnh Văn Hoa, nguyên Giám đốc Sở GD và ĐT thành phố nêu thực trạng tỉ lệ người Việt đọc sách rất thấp và điều này đã được cảnh báo từ lâu. "Văn hóa đọc sách của chúng ta hiện chưa đến mức đèn đỏ, nhưng đã là đèn vàng rồi. Theo thống kê tỉ lệ người đọc sách ở Việt Nam là thấp nhất Đông Nam Á. Hiện trạng  trên đã nói hết rồi, bây giờ là tìm giải pháp. Tôi cho rằng, UBND thành phố phải thành lập một ủy ban để xây dựng chiến lược phát triển văn hóa đọc, từ đó mới có cơ may chuyển hóa về đọc và văn hóa đọc trên địa bàn Đà Nẵng. Ngoài ra, phải tổ chức thường xuyên Ngày hội sách ở tất cả các quận huyện, chứ không riêng gì Hải Châu, Sơn Trà, trao giải thưởng cho những tác phẩm hay của thầy và trò trên địa bàn thành phố...",  ông Hoa kiến nghị.

Sau khi nghe tất cả các ý kiến tại buổi tọa đàm, ông Đặng Việt Dũng, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy cho rằng, buổi tọa đàm không phải tổ chức cho có, mà sẽ tạo cơ sở để kiến nghị thành phố có những chính sách thúc đẩy văn hóa  đọc. "Theo khảo sát chỉ có 10% học sinh THPT đến thư viện điều đó rất đáng lo ngại vì vậy thành phố cần phải thúc đẩy văn hóa đọc, nhất là trong trường học. Để phát triển văn hóa đọc thì Sở VHTT và Sở Thông tin  và Truyền thông thành phố cần phải đẩy nhanh thực hiện đề án văn hóa đọc. Làm thế nào cần đưa văn hóa đọc là nhu cầu tự thân của mỗi người, của mỗi học sinh trên địa bàn thành phố", ông Dũng nhấn mạnh.

HOÀNG ANH