Phẫu thuật cắt bỏ thuỳ gan cho bệnh nhân sỏi lấp đầy đường mật
Chị H.T.L (57 tuổi, Hoà Hiệp Nam, Đà Nẵng) có tiền sử sỏi mật, nhập viện bệnh viện Đa khoa Gia Đình trong tình trạng sốt cao kèm đau bụng vùng thượng vị. Sau khi bác sĩ thăm khám và thực hiện các cận lâm sàng cần thiết. Kết quả siêu âm và CT scan bụng cho thấy hình ảnh sỏi lấp đầy đường mật vùng hạ phân thùy 2-3 của gan. Kết quả xét nghiệm công thức máu cho thấy các chỉ số nhiễm trùng tăng cao (chỉ số bạch cầu 23,05 K, tỷ lệ bạch cầu trung tính chiếm đến 93,3%, procalcitonin 1,1 ng/ml).
Các bác sĩ ngay lập tức hội chẩn và quyết định thực hiện phẫu thuật cắt thuỳ gan trái cho chị H.T.L với chẩn đoán: sỏi lấp đầy đường mật thuỳ gan trái gây biến chứng áp xe mật quản và viêm đường mật. Thạc sĩ Bác sĩ Lê Xuân Long, Khoa Ngoại, bệnh viện Gia Đình chia sẻ, nếu chậm trễ điều trị, tình trạng này của bệnh nhân có thể dẫn đến nhiễm trùng đường mật thậm chí nhiễm trùng máu.
Cuộc phẫu thuật cắt thuỳ gan diễn ra trong thời gian 3 giờ đồng hồ với sự phối hợp của của ekip bác sĩ khoa Ngoại và Gây mê Hồi sức Bệnh viện Gia Đình. Trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã tiến hành kiểm soát cuống gan, giải phóng các dây chằng cố định gan để cắt gọn được phần thùy gan trái chứa sỏi đường mật. Đảm bảo không ảnh hưởng đến các phần còn lại của gan. Kết thúc phẫu thuật, nhờ việc kiểm soát tốt kỹ thuật nên lượng máu mất trong mổ rất ít, chỉ khoảng 100ml. Thạc sĩ Bác sĩ Nguyễn Hoàng, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Gia Đình thông tin về cuộc phẫu thuật.
Ghi nhận ở giai đoạn hậu phẫu sau cắt gan, sức khỏe của chị H.T.L hồi phục nhanh chóng, có thể ăn uống bằng đường miệng, vận động đi lại sớm sau mổ. 5 ngày sau phẫu thuật, kết quả xét nghiệm kiểm tra chức năng gan thận tốt, chị H.T.L được xuất viện.
Theo Thạc sĩ Bác sĩ Lê Xuân Long, nguyên nhân gây sỏi mật thường không rõ ràng nhưng có một số yếu tố thuận lợi cho việc tạo sỏi mật là:
- Lối sống: Người ít vận động, béo phì, chế độ ăn nhiều chất béo, cholesterol và ít chất xơ, giảm cân nhanh trong một thời gian ngắn, đái tháo đường.
- Yếu tố tuổi, giới tính, người mang thai, người có tiền sử gia đình có sỏi mật.
- Sử dụng thuốc làm hạ cholesterol máu, thuốc có nồng độ estrogen cao.
Ở giai đoạn đầu, có thể nhận biết bệnh thông qua một số triệu chứng như đầy bụng, chướng bụng, chậm tiêu sau ăn. Khi sỏi gây biến chứng, có thể gặp phải một số triệu chứng điển hình như cơn đau quặn gan, sốt cao, vàng da,… Chính vì vậy khi có những triệu chứng kể trên người bệnh nên kịp thời đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị.