Báo Công An Đà Nẵng

Phẫu thuật thành công nhiều ca bệnh khó, hiếm

Thứ tư, 25/10/2023 08:09
Hình ảnh hệ thống định vị trong mổ (Navigation).

Cắt bỏ thành công ca bệnh sang chấn thương sinh động kinh

Đơn cử gần đây nhất, tại Đà Nẵng, các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện (BV) Đà Nẵng đã phẫu thuật thành công, loại bỏ hoàn toàn khối tổn thương gây ra cơn động kinh cho nữ bệnh nhân L.T.H.N. (2004, trú H.Triệu Phong, Quảng Trị).

Được biết, cách đây 3 năm, chị H.N bắt đầu có những cơn mất ý thức khoảng 2-3 cơn/tuần. Người nhà và ngay chị H.N đều cho rằng đó là do bị ma quỷ nhập nên mời thầy cúng, nhưng tình trạng không cải thiện. H.N thường lên các cơn mất ý thức trong lúc thức, đến bất chợt, có lần đã khiến chị bị tai nạn giao thông. Cách đây 3 tháng, H.N lên cơn co giật toàn thân, gia đình đưa vào BV Tâm thần Đà Nẵng và được chẩn đoán động kinh, cho uống thuốc điều trị. Sau đó, H.N về quê và đến khám tại BV Trung ương Huế. Qua chụp MRI thì phát hiện khối tổn thương thái dương trái, đo điện não đồ giấc ngủ, chẩn đoán động kinh thái dương trong bên trái do khối tổn thương này gây ra. Sau đó, H.N được giới thiệu vào BV Đà Nẵng để điều trị.

Bác sĩ khoa Ngoại thần kinh, BV Đà Nẵng kiểm tra vết mổ và tình trạng sức khỏe bệnh nhân sau phẫu thuật.

Tại BV Đà Nẵng, qua thăm khám lâm sàng cùng các kết quả chụp MRI, đo điện não đồ video, điện não giấc ngủ, các bác sĩ nhận thấy đây là trường hợp sang thương sinh động kinh thái dương có thể phẫu thuật sớm, không cần đợi đủ điều kiện động kinh kháng thuốc mới phẫu thuật. Với sự phối hợp của các chuyên khoa nội thần kinh, ngoại thần kinh, chẩn đoán hình ảnh, gây mê hồi sức, thực hiện các test đánh giá tâm thần kinh và các test về trí nhớ, đồng thời tham khảo ý kiến từ các chuyên gia phẫu thuật động kinh từ Thái Lan, bác sĩ nội thần kinh BV TW Huế, ekíp đã thống nhất phương án phẫu thuật cắt bỏ chọn lọc sang thương và hạnh nhân (Amydala), bảo tồn các vùng não chức năng khác cho bệnh nhân. Qua hơn 3 giờ tiến hành phẫu thuật, các bác sĩ khoa Ngoại thần kinh, BV Đà Nẵng đã loại bỏ hoàn toàn vùng tổn thương gây cơn động kinh, bảo tồn các vùng não chức năng của bệnh nhân.

Hiện tại, bệnh nhân tỉnh táo, không có cơn co giật, không có khiếm khuyết thần kinh sau mổ, tiếp tục được theo dõi theo chương trình quản lý bệnh nhân động kinh.

Các bác sỹ đang phẫu thuật dị tật tịt lỗ mũi sau 2 bên hiếm gặp cho bệnh nhi sơ sinh.

BSCKII Trà Tấn Hoành - Trưởng khoa Ngoại thần kinh, BV Đà Nẵng cho biết, do khối u nằm thái dương giữa có cấu trúc phức tạp, xung quanh có nhiều mạch máu, vùng não chức năng quan trọng nên khó khăn trong việc lấy hết tổn thương mà vẫn bảo tồn các cấu trúc xung quanh. Tuy nhiên, với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bác sĩ khoa Gây mê hồi sức và khoa Ngoại thần kinh, cùng với sự tỉ mỉ, giàu kinh nghiệm của ekip phẫu thuật, các bác sĩ đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân H.N.

Theo bác sĩ Hoành, động kinh là căn bệnh phổ biến thứ 2 trong các rối loạn tâm thần kinh. Các bệnh nhân đều được điều trị bằng thuốc chống động kinh, tuy nhiên có hơn 30% bệnh nhân kháng thuốc. Phẫu thuật động kinh là một trong những lựa chọn có thể điều trị dứt điểm hoặc giảm nhẹ động kinh cho bệnh nhân. “Đây là trường hợp bệnh nhân động kinh có sang thương vùng thái dương gây động kinh được đánh giá một cách bài bản, đầy đủ trước phẫu thuật với sự phối hợp của nhiều chuyên khoa, đồng thời có ý kiến từ các chuyên gia Thái Lan góp phần lựa chọn phương án phẫu thuật tốt nhất cho bệnh nhân”- bác sĩ Hoành cho biết thêm.

Phẫu thuật thành công trẻ sơ sinh bị dị tật tịt lỗ mũi hiếm gặp

Cũng trong tháng 10 này, BV Sản Nhi Nghệ An đã phẫu thuật điều trị thành công dị tật tịt lỗ mũi sau 2 bên hiếm gặp cho bệnh nhi sơ sinh. Đây là một bệnh lý rất hiếm gặp và là ca phẫu thuật dị tật tịt lỗ mũi sau 2 bên đầu tiên triển khai tại BV này.

Trước đó (ngày 8-9), khi vừa chào đời tại BV Sản Nhi Nghệ An, bé P.T.V. (trú huyện Nghi Lộc) đã bị suy hô hấp, không thể tự thở, phải chuyển cấp cứu ngay sang khoa Hồi sức Sơ sinh. Sau khi được đặt ống nội khí quản, thở máy, các bác sĩ tiến hành hội chẩn, chỉ định nội soi mũi chẩn đoán, chụp cắt lớp vi tính hàm mặt không tiêm thuốc cản quang, xác định lỗ mũi 2 bên phần màng lúc trẻ 1 tuần tuổi. Đánh giá phim cắt lớp vi tính, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp dị tật bị tịt lỗ mũi sau 2 bên. Đường thở của trẻ bị bít tắc hoàn toàn, trong khi trẻ sơ sinh chưa có phản xạ thở bằng miệng. Ngày 3-10, bệnh nhi được can thiệp phẫu thuật mở thông lỗ mũi sau và đặt stent lúc 25 ngày tuổi dưới gây mê toàn thân trong phòng mổ. Sau phẫu thuật, bệnh nhi được chăm sóc, theo dõi tại khoa Hồi sức tích cực ngoại khoa trong 3 tuần, sau đó được rút stent, tự thở được bằng mũi, tình trạng ổn định và đã xuất viện.

Ths.BS. Bùi Viết Tuấn – khoa Tai Mũi Họng, phẫu thuật viên chính của ca mổ cho biết, tịt lỗ mũi sau là một dị tật bẩm sinh hiếm gặp, xuất hiện với tỷ lệ 1/5000-1/8000 trẻ sinh ra còn sống. Nguyên nhân là do phần màng mũi miệng không thoái triển ở tuần thai thứ 38. Các trường hợp tịt lỗ mũi sau 2 bên cần được chẩn đoán và can thiệp sớm vì trẻ sơ sinh chưa có phản xạ thở bằng miệng dẫn đến thiếu oxy, suy hô hấp. Tịt lỗ mũi sau hai bên là một bệnh lý rất hiếm gặp trong thực hành lâm sàng.

Ở những trẻ sơ sinh có biểu hiện khó thở, suy hô hấp thì các bác sĩ khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh cần nghĩ đến dị tật tịt lỗ mũi sau và gửi khám chuyên khoa Tai-mũi-họng để xác định và có biện pháp can thiệp kịp thời.

Khánh Yên - Dương Hóa