Báo Công An Đà Nẵng

Phe biểu tình Thái Lan ra “tối hậu thư ”

Thứ bảy, 14/12/2013 11:51

(Cadn.com.vn) - Người biểu tình Thái Lan thuộc phe Áo vàng đang ngày càng được thế lấn tới khi “khuyên” Thủ tướng Yingluck Shinawatra nên chủ động từ chức.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 13-12, thủ lĩnh biểu tình Suthep Thaugsuban lớn tiếng yêu cầu Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra nên từ chức, nếu không sẽ bị ép phải từ chức.

Theo ông Suthep, bà Yingluck cần phải từ chức để tạo ra khoảng trống chính trị, mở đường cho việc thiết lập chính phủ tạm quyền mới mà không có chính khách nhằm giúp “Hội đồng nhân dân” - theo ý tưởng đề xuất của ông - rảnh tay vạch ra kế hoạch cải cách. Theo ông Suthep, đó là “lối thoát êm ái” cho bà Yingluck.

Người biểu tình chống chính phủ Thái Lan đang ngày càng yêu sách. Ảnh: AP

QUYẾT TÂM NGĂN CẢN BẦU CỬ

Trong nỗ lực nhằm chấm dứt các cuộc biểu tình đường phố, Thủ tướng Yingluck hôm 9-12 đã giải tán Quốc hội, tuyên bố tổ chức bầu cử sớm vào ngày 2-2-2014.

Nhưng với nhận thức rõ rằng, phe của bà Yingluck chắc chắn sẽ giành thắng lợi trong mọi cuộc bầu cử, ông Suthep đòi thành lập một “Hội đồng nhân dân” không qua bầu cử để chèo lái đất nước và thề sẽ ngăn cản cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Thủ lĩnh Suthep cũng tuyên bố, cuộc bầu cử sắp tới, dự kiến vào ngày 2-2-2014, sẽ phải hoãn lại nếu tiến trình cải cách dân chủ chưa được hoàn thành đúng hạn. Theo giải thích của ông Suthep trước báo giới, nếu tổ chức bầu cử, các chính trị gia tham nhũng sẽ có cơ hội trở lại Quốc hội và vẫn chưa thể giải quyết xung đột. Do vậy, cuộc bầu cử cần phải hoãn lại.

Tuyên bố này được đưa ra trong cuộc gặp giữa ông Suthep và 7 hiệp hội kinh doanh tại Thái Lan, trong đó ông ta giải thích, cuộc bầu cử cần được trì hoãn vì Thái Lan đang trong tình trạng “bất thường”. Cuộc gặp này được tổ chức nhằm giải thích mục đích thực hiện cải cách chính trị của người biểu tình, đồng thời tiết lộ chi tiết về “Hội đồng nhân dân” mà những người biểu tình luôn nói tới trên đường phố trong những ngày qua.

Theo đó, hội đồng này sẽ gồm 300 thành viên được lựa chọn từ tất cả các nhóm đại diện và khoảng 100 chuyên gia được bổ nhiệm để cùng nhau thực hiện việc cải cách chính trị. Họ sau đó sẽ bị cấm hoạt động chính trị trong năm nay khi hoàn thành xong nhiệm vụ này. Nhiều người lo ngại hội đồng này sẽ không được người dân công nhận, song ông Suthep khẳng định sẽ xúc tiến kế hoạch và kêu gọi những người phản đối “Hội đồng nhân dân” không được lên tiếng, làm người biểu tình mất niềm tin.

PHE BIỂU TÌNH ĐƯỢC QUÂN ĐỘI “BẬT ĐÈN XANH”?

Trọng tâm cuộc khủng hoảng chính trị của Thái Lan hiện là cuộc gặp gỡ giữa giới quân đội quyền lực Thái Lan và thủ lĩnh biểu tình Suthep cùng “các bên liên quan khác”, theo tuyên bố của quân đội về cuộc hội thảo do họ chủ trì nhằm “tìm một lối thoát cho Thái Lan”.

Reuters dẫn lời ông Suthep cho biết, trong cuộc gặp giới lãnh đạo quân đội, họ sẽ trình bày yêu sách của những người biểu tình. Phe biểu tình cũng sẽ giải thích với các sĩ quan cấp cao trong quân đội và đại diện khu vực tư nhân để họ tự quyết định đứng về phía “nhân dân” hay chính phủ tạm quyền. Trong khi đó, phe biểu tình bác bỏ lời mời của bà Yingluck về việc tham dự một hội thảo về các cải cách hậu bầu cử vào ngày 15-12. “Lời mời của bà Yingluck không có gì mới. Chúng tôi không chấp nhận. Chúng tôi sẽ không đàm phán”, ông Suthep nói với các phóng viên.

Quân đội quyền lực của Thái Lan từng tổ chức 18 cuộc đảo chính trong 80 năm qua, bao gồm cả việc lật đổ ông Thaksin năm 2006. Nhưng mục tiêu của họ giờ đây không rõ ràng. Cho đến nay, họ vẫn tuyên bố đứng trung lập và từ chối tham gia vào cuộc khủng hoảng và chỉ đứng vai trò trung gian hòa giải. Cuộc xung đột chính trị ở Thái Lan với “tâm chấn” là cựu Thủ tướng Thaksin, vẫn đeo bám nước này trong 8 năm qua. Số lượng người biểu tình trên đường phố đã thu nhỏ chỉ còn vài ngàn người so với con số từ 160.000 người vào hôm 9-12 khi bà Yingluck công bố bầu cử sớm. Nhưng tại sao ông Suthep vẫn chưa bỏ cuộc và ngày càng yêu sách hơn?

Nhiều người đã nghĩ đến khả năng phe biểu tình được quân đội quyền lực “bật đèn xanh” cho những yêu sách của phe biểu tình.

Khả Anh