Phe nổi dậy Syria đứng sau vụ tấn công khí độc?
* ĐOÀN THANH SÁT LHQ SẼ TRỞ LẠI SYRIA
(Cadn.com.vn) - Tranh cãi về việc ai đứng sau vụ tấn công vũ khí hóa học (VKHH) hôm 21-8 ở Syria làm lu mờ phiên họp của 5 quốc gia thường trực HĐBA LHQ hôm 18-9.
5 phái viên của Nga, Mỹ, Anh, Pháp và Trung Quốc cùng ngồi lại để bàn một nghị quyết do Paris soạn thảo về tiêu hủy VKHH tại Syria. Dự thảo của Pháp viện dẫn Chương VII của Hiến chương LHQ, qua đó cho phép sử dụng vũ lực để phá hủy “cỗ máy chiến tranh” của chế độ Damascus nếu nước này không tuân theo kế hoạch giải giáp VKHH.
Trong khi đó, đoàn thanh sát LHQ có kế hoạch trở lại Syria để điều tra cáo buộc sử dụng VKHH. Ake Sellstrom, người đứng đầu đoàn thanh tra cho rằng, chuyến thăm lần thứ hai này có thể diễn ra vào đầu tuần tới, được cho là để tìm hiểu rõ ràng hơn, ai đứng sau vụ tấn công ngày 21-8.
Quân chính phủ Syria đã trao bằng chứng về việc phe nổi dậy đã dùng khí độc sarin tấn công người dân. Ảnh: CNN |
PHÁP - NGA KHẨU CHIẾN
Tuy nhiên, không khí căng thẳng bao trùm phòng họp khi Pháp và Nga “khẩu chiến” liên tục đứng lên bảo vệ quan điểm của mỗi nước sau khi LHQ công bố báo cáo về việc sử dụng VKHH ở Syria.
Điện Kremlin cho rằng, Tổng thống Syria Bashar al-Assad vô tội còn Điện Élysée khẳng định ngược lại. Ngồi bên cạnh Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius tại cuộc họp báo ở Moscow, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, báo cáo không chứng minh rằng quân đội của ông Assad thực hiện các cuộc tấn công và rằng Điện Kremlin vẫn còn nghi ngờ phe nổi dậy là thủ phạm. Ông Fabius có quan điểm trái ngược, nói rằng, bản báo cáo là bằng chứng rõ ràng cho thấy, chính quyền ông Assad đứng sau vụ tấn công hôm 21-8, vốn giết chết hơn 1.400 người.
Trong khi đó, Mỹ cáo buộc Nga phớt lờ các sự kiện xung quanh vụ tấn công VKHH ở Damascus, làm nổi bật những căng thẳng giữa phương Tây và Điện Kremlin trong việc cùng tiêu hủy VKHH của Syria. Mặc dù hai cựu đối thủ thời Chiến tranh Lạnh đạt thỏa thuận nhằm giải giáp kho VKHH Syria, nhưng cả hai dường như vẫn không thể tìm thấy tiếng nói chung trong đánh giá về vụ tấn công ngày 21-8. Cuối cùng, cuộc họp kết thúc trong thất bại khi không đạt được thỏa thuận nào về kế hoạch loại bỏ VKHH của Syria.
Hiện vẫn chưa rõ liệu có diễn ra một cuộc bỏ phiếu về việc giải quyết vấn đề này hay không. Nhưng theo giới quan sát, sự lằng nhằng trong việc đi đến một dự thảo nghị quyết của LHQ có thể dẫn đến hậu quả là chính quyền ông Assad sẽ không hợp tác nữa. Hiện tại, để “kêu oan”, chính quyền Syria ngày 18-9 trao cho Nga những bằng chứng mới về việc phe nổi dậy đứng sau vụ tấn công VKHH hôm 21-8.
TỔNG THỐNG ASSAD VẪN PHẢI RA ĐI
Bất chấp thỏa thuận bước ngoặt với Nga, Tổng thống Barack Obama, “kiến trúc sư” kế hoạch tấn công quân sự Syria khẳng định, cuối cùng vẫn phải có một quá trình chuyển đổi chính trị ở Syria, trong đó ông Assad phải từ bỏ quyền lực.
“Thật khó để tưởng tượng rằng, cuộc nội chiến có thể kết thúc nếu trên thực tế, ông Assad vẫn nắm quyền”, ông Obama nói. Ông Obama cho biết, mục tiêu của ông là “chuyển tiếp” ông Assad để bảo vệ tôn giáo thiểu số và đảm bảo những kẻ cực đoan Hồi giáo không có đất hồi sinh ở Syria. “Nhưng bạn biết đấy, chúng ta sẽ thực hiện việc này từng bước một. Bước đầu tiên ngay bây giờ là phải đảm bảo có thể đối phó với các vấn đề VKHH”, ông chủ Nhà Trắng khẳng định.
Trong khi đó, Israel cũng bất ngờ chuyển từ quan điểm “không can thiệp” sang bày tỏ mong muốn thấy chế độ Tổng thống Assad bị lật đổ. Michael Oren, Đại sứ Israel tại Mỹ, thể hiện rõ quan điểm của quốc gia Do Thái trong cuộc phỏng vấn với tờ Bưu điện Jerusalem. “Chúng tôi luôn muốn Bashar Assad phải ra đi”, ông Oren nói.
Israel và Syria là những kẻ thù cũ, nhưng mối quan hệ vẫn ổn định kéo dài dưới thời ông Assad. Israel thậm chí theo đuổi đàm phán hòa bình với Tổng thống Assad với hy vọng cách ly Damascus khỏi Iran và nhóm Hezbollah ở nước láng giềng Lebanon vốn được Tehran tài trợ.
Khả Anh