“Phép màu” của Bồ Đào Nha
Dù là nước láng giềng với Tây Ban Nha và bao quanh bởi Italia, Pháp, Anh –những ổ dịch lớn ở Châu Âu, nhưng Bồ Đào Nha đã tránh được thảm họa khủng khiếp của đại dịch Covid-19. Tính đến ngày 18-4, Bồ Đào Nha đã báo cáo 19.685 ca nhiễm với 687 người chết. Đây là con số tương đối thấp so với các quốc gia lân cận. Bí quyết nào giúp nước này ít bị ảnh hưởng như vậy?
Trước tiên là nhờ chính phủ nước này thực hiện các biện pháp cách ly từ sớm, ngay khi bùng nổ đại dịch. Thứ hai là nhờ ý thức cộng đồng rất tốt mang lại đủ thời gian và không gian cho hệ thống y tế của đất nước có thể phục vụ tất cả những người bị mắc bệnh. Và tất cả đang tạo ra “phép màu” của Bồ Đào Nha.
Trên thực tế, hệ thống y tế của Bồ Đào Nha thuộc hàng yếu kém nhất Châu Âu, tỷ lệ giường bệnh trên 100.000 dân chỉ là 4,2 giường, thấp nhất Châu Âu. Ngân sách cũng ít hơn so với các nước khác do cuộc khủng hoảng nợ năm 2011. Ngoài ra, Bồ Đào Nha cũng là quốc gia có nhiều người trên 80 tuổi hơn bất kỳ nước nào ở Liên minh Châu Âu (EU), chỉ sau Italia và Hy Lạp. Tất cả những điều này khiến Bồ Đào Nha không có nhiều lợi thế khi phải đối đầu với dịch bệnh.
Vì vậy, cho đến nay, các chuyên gia đều chung một nhận định rằng, cuộc chiến Covid-19 của Bồ Đào Nha đã thành công, mặc dù họ vẫn nói còn quá sớm để tuyên bố “chiến thắng” trước đại dịch. Và cũng thật không ngoa khi trong một tuyên bố mới đây, chính Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa ca ngợi thành tích trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 của nước này là một “phép màu”. “…Nhưng chúng tôi biết rằng đó không phải là một phép màu. Đó là kết quả của rất nhiều sự hy sinh của người Bồ Đào Nha, là thành quả của tất cả chúng ta, chúng ta luôn đoàn kết và huy động”, ông nói trong bài phát biểu quốc gia trên truyền hình, thông báo về tuyên bố gia hạn tình trạng khẩn cấp.
Ca mắc bệnh đầu tiên được phát hiện ở Bồ Đào Nha vào ngày 2-3 và ngay lập tức, chính quyền ở Bồ Đào Nha bắt đầu đề xuất các biện pháp cách ly xã hội. Khi WHO chỉ khuyến nghị các biện pháp ngăn chặn, Bồ Đào Nha đã hành động mạnh hơn. Hôm 16-3, khi mới có 245 ca nhiễm, nước này đóng cửa trường học, đóng cửa biên giới với Tây Ban Nha. Thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha cấm tất cả các cuộc tụ tập đông người ngay từ giai đoạn đầu của dịch, trong khi ở Tây Ban Nha vẫn cho phép hơn 100.000 người dự tuần hành ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3. Khi số ca nhiễm là 448, Bồ Đào Nha tuyên bố tình trạng khẩn cấp, phong tỏa toàn quốc. Số ca nhiễm cho đến nay vẫn ổn định trong 3 tuần ở Bồ Đào Nha, cho thấy căn bệnh này đã lên đến đỉnh điểm và sắp bắt đầu rút lui.
Mặc dù vậy, giới lãnh đạo Bồ Đào Nha tiếp tục gia hạn tình trạng khẩn cấp lần 2 hôm 16-4, sẽ tiếp tục cho đến ngày 2-5. Ngoài việc đánh giá rủi ro của đại dịch, một trong những yếu tố góp phần “phép màu” của Bồ Đào Nha trong việc kiểm soát đại dịch là vị trí địa lý của nó. Vì đất nước nằm ở cực tây Châu Âu, có đủ thời gian để quan sát những gì đang xảy ra ở các nước láng giềng, đóng cửa biên giới với Tây Ban Nha và đình chỉ các chuyến bay với Italia khi bắt đầu bùng phát virus. Hơn nữa, Covid-19 tấn công Bồ Đào Nha vào thời điểm “mùa thấp điểm” của du lịch. Kết quả là, có ít chuyến bay đến từ nước ngoài và ít người nước ngoài đi du lịch khắp đất nước, và do đó đất nước này không có nhiều “ca nhiễm nhập khẩu”.
THANH VĂN