Báo Công An Đà Nẵng

Phép thử quan hệ Pháp-Mỹ

Thứ ba, 24/04/2018 09:41

Tổng thống Emmanuel Macron ngày 23-4 bắt đầu rời Pháp để đến Mỹ, một chuyến thăm được đánh giá là nhằm thử thách “tình bạn” của ông với người đồng cấp Donald Trump khi cả hai nhà lãnh đạo đang nỗ lực giải quyết những khác biệt sâu sắc trong thỏa thuận hạt nhân Iran và nhiều vấn đề quan trọng khác.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron có mối quan hệ thân thiết.    Ảnh: AFP

Hôm nay (24-4), Tổng thống Donald Trump sẽ tiếp đón người đồng cấp Pháp  Emmanuel Macron theo nghi lễ chính thức - nghi thức bắn 21 phát đại bác chào mừng, nhân kỷ niệm gần 250 năm quan hệ Mỹ-Pháp.

Lãnh đạo nhiều nước đã đến Nhà Trắng sau khi ông Trump nhậm chức năm 2017, nhưng ông Macron là người đầu tiên được tiếp đón theo nghi lễ chính thức này. Điều này cho thấy mối quan hệ khá thân thiết giữa hai nhà lãnh đạo. Trên thực tế, Paris và Washington đang tiến đến mối quan hệ gần gũi hơn rất nhiều so với những ngày đầu của cuộc chiến tranh Iraq, nhất là khi cả hai vừa bắt tay không kích ở chiến trường Syria.

Vì vậy, theo giới phân tích, chuyến thăm này được đánh giá là nhằm thử thách “tình bạn” của ông Macron với người đồng cấp Trump, khi cả hai nhà lãnh đạo đang nỗ lực giải quyết những khác biệt sâu sắc trong thỏa thuận hạt nhân Iran và nhiều vấn đề quan trọng khác. Ông cũng có nhiệm vụ không thể phủ nhận là thu hẹp khoảng cách ngày càng xa giữa hai bờ Đại Tây Dương kể từ khi ông Trump lên nắm quyền.

“SỰ QUYẾN RŨ” CỦA ÔNG MACRON…

 Trong số các nhà lãnh đạo quyền lực ở Liên minh Châu Âu (EU), chỉ ông Macron mới có đủ sức làm say đắm ông Trump.

Nhà lãnh đạo của một cường quốc khác của EU - Angela Merkel - vẫn đang gặp nhiều khó khăn trong việc tiến gần hơn đến ông Trump. Bà Merkel, vốn có mối quan hệ rất thân thiết với người tiền nhiệm Barack Obama, luôn bị ông Trump dè chừng ngay từ đầu. Những khó khăn của bà Merkel trong việc thành lập chính phủ liên minh đã làm suy yếu vị thế quốc tế của bà. Điều đó, cùng với những bất đồng với Tổng thống Trump về chi tiêu quốc phòng và thặng dư thương mại của Đức, đã khiến hai nhà lãnh đạo chìm vào khoảng thời gian “khủng hoảng” kéo dài 5 tháng, khi cả hai không ai nói chuyện với nhau. Bà Merkel dự kiến sẽ đến Washington để gặp ông Trump chỉ vài ngày sau ông Macron, với nội dung trọng tâm bàn về thỏa thuận hạt nhân Iran.

Trong khi đó, sự nhiệt tình của nhà lãnh đạo trẻ tuổi của Pháp và hình ảnh “người chiến thắng” của ông - khi ông được bầu chọn với đa số 66% và tiếp sau đó là chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử Quốc hội - đã thật sự quyến rũ và gây ấn tượng với ông chủ Nhà Trắng. Hơn nữa, nền kinh tế Pháp đang phục hồi và những nỗ lực cải cách trong nước của Tổng thống Macron cũng được Nhà Trắng chú ý. Cả hai nhà lãnh đạo cũng chia sẻ nhiều quan điểm tương tự khi nói đến cách giải quyết những thách thức kinh tế do sự nổi lên của Trung Quốc.

Tuy nhiên, lý do quan trọng nhất cho mối quan hệ gần gũi hơn giữa Mỹ-Pháp là sức mạnh quân sự. Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới về quân sự trong khi Pháp - thành viên của nhóm P5 (gồm Pháp, Nga, Anh, Trung Quốc và Mỹ), và có thể là quốc gia quyền lực hạt nhân duy nhất tại EU - trở thành đối tác đáng tin cậy trong con mắt của cả chính quyền Obama và Trump.

Tổng thống Trump đã dành phần lớn chiến dịch tranh cử của mình để chỉ trích các quốc gia NATO vì chi quá ít cho liên minh này, vì vậy ông hài lòng khi chi tiêu quốc phòng của Pháp gần với mục tiêu 2% của NATO, mà ông Macron đã cam kết đạt đến năm 2025. Quân đội Pháp cũng triển khai lực lượng ở Iraq, Syria và hợp tác với Washington trong cuộc chiến chống khủng bố ở Mali. Tất cả những điều này khiến ông Macron chiếm trọn vị trí duy nhất để có thể truyền đạt mối quan tâm của cả Châu Âu đến Nhà Trắng.

... CÓ THỂ GIÚP CỨU ĐƯỢC THỎA THUẬN HẠT NHÂN IRAN?

Pháp rất lo ngại cho vấn đề Syria vì bản thân họ đang đối mặt với các cuộc tấn công của nhóm khủng bố IS ở nhà. Ngoài các cuộc không kích gần đây nhằm vào chính quyền Tổng thống Assad, Mỹ và Pháp cũng phải bắt tay lên kế hoạch cho một Syria thời hậu IS, bao gồm quá trình chuyển đổi chính trị. Ông Trump đã có dấu hiệu không muốn cam kết thực hiện một chương trình cải cách và tái thiết rộng rãi, buộc Pháp có thể phải làm việc với các đối tác Châu Âu và Vùng Vịnh để chia sẻ gánh nặng tài chính.

Tuy nhiên, Syria là nhiệm vụ lâu dài. Nhiệm vụ cấp thiết nhất cho ông Macron hiện nay là cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran. Không ai trong số các quốc gia E3 (Pháp, Anh, Đức) muốn Mỹ rút khỏi thỏa thuận này. Nhưng ông Trump đang đi theo xu hướng này và cần phải có quyết định cuối cùng trước ngày 12-5. Và Tổng thống Macron là nhà lãnh đạo thế giới duy nhất hiện nay nắm nhiều khả năng cứu vãn thỏa thuận này nhất - hoặc ít nhất là câu giờ cho đến khi có một giải pháp thỏa đáng hơn. Trong số E3, Paris luôn sẵn sàng thúc đẩy các điều khoản khó khăn hơn nhằm đáp ứng nhu cầu của ông Trump về chương trình tên lửa đạn đạo của Iran, trong khi tìm cách gìn giữ thỏa thuận.

Nhưng nói gì thì nói, đây vẫn là nhiệm vụ khó khăn. Nhiều người lo ngại, với những quyết định sắp xảy đến về một số vấn đề - từ Syria, thỏa thuận hạt nhân của Iran, cho đến tranh cãi về thuế quan thương mại, “mối liên minh lãng mạn” giữa Macron-Trump có thể không kéo dài lâu hơn nữa.

KHẢ ANH