Báo Công An Đà Nẵng

Phép thử quyền lực Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ hai, 17/04/2017 08:42

(Cadn.com.vn) - Hơn 55,3 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ có quyền bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về những thay đổi sâu rộng đối với vai trò của tổng thống. Nếu cử tri nói “có”, quyền lực của Tổng thống Tayyip Erdogan sẽ mạnh mẽ hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nào kể từ sau người sáng lập đất nước Mustafa Kemal Ataturk và người kế nhiệm Ismet Inonu.

Hơn 167.000 điểm bỏ phiếu trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu mở cửa vào lúc 7 giờ (11 giờ Việt Nam) ngày 16-4 để đón người dân tham gia cuộc trưng cầu ý dân được chờ đợi về sửa đổi hiến pháp, theo đó tăng quyền lực cho tổng thống.

Cuộc trưng cầu dân ý lần này được xem là phép thử quyền lực của Tổng thống Erdogan, và giúp xác định vận mệnh chính trị trong tương lai của quốc gia này. Tuy nhiên, vẫn còn đó quá nhiều áp lực, tranh cãi và chia rẽ. Phe đối lập cáo buộc, cuộc trưng cầu dân ý diễn ra với các điều khoản không công bằng khi các áp phích “có” phổ biến khắp nơi trên đường phố và tiếng nói phản đối bị các phương tiện truyền thông “đè bẹp”. Cuộc trưng cầu cũng diễn ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đang duy trì tình trạng khẩn cấp và có 47.000 người bị bắt trong một cuộc trấn áp chưa từng có sau đảo chính bất thành.

Người dân Thổ Nhĩ Kỳ chia rẽ trong cuộc trưng cầu dân ý quan trọng này. Ảnh: AFP

Căng thẳng gia tăng

Hơn 55,3 triệu người Thổ Nhĩ Kỳ nắm trong tay quyền quyết định số phận Tổng thống Erdogan. Nếu cử tri nói “có”, quyền lực của Tổng thống Erdogan sẽ mạnh mẽ hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nào khác kể từ sau người sáng lập đất nước Mustafa Kemal Ataturk và người kế nhiệm Ismet Inonu.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy, số cử tri đồng ý có nhỉnh hơn song với tỷ lệ cũng khá sít sao. Khi các đảng đối lập vẫn đang nỗ lực để đánh tiếng đối với những cử tri còn do dự, Tổng thống Erdogan tự tin dự đoán về một chiến thắng bước ngoặt. Cuối ngày 15-4. Tổng thống Erdogan kêu gọi những người ủng hộ tham gia “ồ ạt” vào cuộc trưng cầu lần này. Nếu được thông qua, dự thảo cải cách Hiến pháp lần này sẽ không chỉ thay đổi mạnh mẽ nền chính trị quốc gia này mà còn có thể tạo nên những bước ngoặt trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai. Hệ thống chính quyền mới của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không còn chiếc ghế thủ tướng và tập trung toàn bộ vào phủ tổng thống, cho ông Erdogan quyền trực tiếp chỉ định các bộ trưởng.

Hệ thống mới sẽ có hiệu lực sau cuộc bầu cử tháng 11-2019. Ông Erdogan, người lên nắm quyền tổng thống năm 2014, được cho là sẽ tìm kiếm thêm 2 nhiệm kỳ nữa, tức là kéo dài đến năm 2029.

Một chiến thắng làm tan giấc mơ EU

Cuộc trưng cầu lần này còn có ý nghĩa rộng lớn hơn đối với thành viên chính của NATO này, mà trong nửa thế kỷ qua đã đặt tầm nhìn về con đường gia nhập Liên minh Châu Âu (EU).

Ông Erdogan đã cảnh báo Brussels rằng trong trường hợp cử tri nói “có”, ông sẽ ký bất kỳ dự luật nào được Quốc hội thông qua để khôi phục án tử hình, một động thái sẽ tự động chấm dứt việc gia nhập EU của Ankara. Tổng thống Erdogan cũng từng tuyên bố sẽ cho tổ chức một cuộc bỏ phiếu khác để chấm dứt việc xin gia nhập EU, vì Châu Âu cố tình ngăn cản tiến trình này.

Phản ứng của phương Tây đối với kết quả trưng cầu dân ý sẽ rất quan trọng khi Tổng thống Erdogan tố cáo các đồng minh không thể hiện đủ tình đoàn kết sau cuộc đảo chính bất thành 15-7-2016. Tình hình hiện nay đặt EU vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Trên thực tế, liên minh này phản đối mạnh mẽ các cuộc trấn áp của chính quyền Tổng thống Erdogan. Nhưng mặt khác, EU lại không thể làm đổ vỡ quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ bởi nước này không chỉ là chìa khóa quan trọng giúp liên minh này giải quyết khủng hoảng người tị nạn mà nắm giữ vai trò địa chính trị quan trọng tại cửa ngõ Châu Âu.

Khả Anh

Thổ Nhĩ Kỳ bắt 49 nghi can IS

Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16-4 tuyên bố đã bắt giữ 49 đối tượng được cho là có liên hệ với tổ chức cực đoan IS, bị nghi ngờ lên kế hoạch cho “các vụ tấn công gây chấn động” phá hoại cuộc trưng cầu dân ý.

Theo Anadolu, sau khi nhận được tin báo, cảnh sát mở hàng loạt chiến dịch cùng lúc tại 7 quận thuộc thành phố Istanbul. Trong số những đối tượng bị bắt có 41 người nước ngoài. Anadolu cho rằng, các đối tượng trên cũng có liên quan tới thủ phạm vụ tấn công một hộp đêm tại Istanbul vào đêm Giao thừa vừa qua. Trước đó, IS kêu gọi tấn công nhằm vào cuộc trưng cầu dân ý ở Thổ Nhĩ Kỳ.