Báo Công An Đà Nẵng

Phiếm luận về kiệt tác Truyện Kiều: Một “tác phẩm báo chí” luôn có tính thời sự?

Thứ sáu, 23/06/2023 11:53
Các tranh minh họa về “Truyện Kiều”.

Sở dĩ như thế, vì lúc đó người ta bói Kiều. Chẳng hề có dân tộc nào trên trái đất này sử dụng kiệt tác của đất nước mình để bói, dù nó đã trở thành di sản văn hóa của cả nhân loại. Duy nhất chỉ có dân tộc Việt với Truyện Kiều. Dân tộc Ý tự hào với Thần khúc của thi sĩ Dante Alighieri viết từ thời trung cổ, nhưng người Ý không dùng để bói. Người Tây Ban Nha tự hào đã sinh ra đại văn hào Miguel de Cervantes, mới đây họ sung sướng, mãn nguyện khi tìm ra hài cốt của cha đẻ Don Quixote - nhà quý tộc tài ba xứ Mancha, nhưng kiệt tác đó không hề dùng để bói.

Tại sao Truyện Kiều được dùng để bói? Có nhiều cách lý giải. Chỉ xin nhắc lại ý kiến của Tiến sĩ Đào Nguyên Phổ. Từ năm 1895, ông cũng đã đặt câu hỏi như thế và lý giải phải chăng văn chương Truyện Kiều là một “khúc tình từ quán tuyệt thiên cổ… cho nên chẳng những làm say lòng người đọc mà còn cảm thông được thần linh nữa?”. Ít ai nhớ đến Đào Nguyên Phổ chính là bố của nhà báo cự phách Đào Trinh Nhất, cũng là một tay mê Truyện Kiều.

Thông thường khi muốn “bói Kiều”, người ta khăn áo chỉnh tề, tay cầm cuốn Truyện Kiều, thành tâm với điều mà mình muốn biết sắp xảy ra như thế nào, nhìn nén hương đang cháy nghi ngút và khấn: “Lạy vua Từ Hải, lạy vãi Giác Duyên, lạy tiên Thúy Kiều con tên là… xin cho con biết chuyện X của con sẽ như thế nào, xin ứng vào trang (phải hoặc trái), dòng thứ… (tính từ dưới lên hoặc từ trên xuống)”. Khấn xong, người bói lật trang Kiều để tìm câu ứng nghiệm, tùy theo tâm thế của mình mà suy ngẫm, so sánh, tính già tính non…

Đọc hồi ký Một cơn gió bụi của nhà sử học Trần Trọng Kim, ta biết thêm rằng, bói Kiều thuở ấy rất hay dược các nhà nho sử dụng khi họ đối mặt trước vấn đề nan giải nào đó. Ngày 1-1-1944 bị người Nhật lừa đưa qua Nam Đảo (Singapore), sang đó các ông Trần Trọng Kim, Dương Bá Trạc, Trần Văn Ân… mới bẽ bàng nhưng tìm đường về không dễ. Lại chẳng may, ông Trạc bị ốm nặng, Trần Trọng Kim kể: “Một hôm ngồi nói chuyện, ông Dương nói: “Tôi thường không tin sự bói toán, nhưng tôi nghiệm thấy bói Kiều lắm lúc hay lắm. Khi xưa tôi có đi thi Hương, bói một quẻ, biết là đỗ, mà rồi đỗ thiệt. Sau phải đày ra Côn Lôn, lại một hôm bói một quẻ, đoán là sắp được về, cách mấy ngày quả được về thiệt”. Chúng tôi nói: “Bây giờ ông thử bói một quẻ xem”. Ông nói:

- Để sáng mai.

Sáng ngày hôm sau, ông vui mừng bảo chúng tôi:

- Về, chúng ta sắp được về.

- Sao ông biết?

- Tôi vừa bói một quẻ Kiều được hai câu này:

Việc nhà đã tạm thong dong

Tinh kỳ dục dã đã mong độ về

- Theo nghĩa cái câu ấy là chúng ta sắp được về.

Thấy ông nói thế, ai nấy đều vui vẻ mừng rỡ lắm. Kể ra đối với ông Dương thì không đúng, mà đối với cả bọn chúng tôi, thì chỉ cách có mấy tháng là được về cả. Việc tin hay không tin ở quẻ bói là chuyện khác, đây tôi cốt lấy một chuyện cỏn con đó mà chứng thực cái lòng mong mỏi của chúng tôi lúc ấy là ai cũng muốn chóng được về”. Không những thế, các nhà nho lớp trước còn tin rằng, thơ văn do mình viết ra nó “vận” vào người như chơi. Phải cẩn trọng. Một ngày đầu xuân, nhà thơ trào phúng Ngyễn Quý Tân (Nghè Tân) viết câu đối khai bút. Ông viết (dịch nghĩa):

Bốn mươi lăm tuổi, một thoáng thành cổ nhân, nửa kiếp qua rồi đâu phải mộng;

Hai mươi chín tuổi, một phen trúng Tiến sĩ, ngàn thu mai nữa mãi còn danh.

Quả nhiên, trong năm đó, ngày 29-2 năm 1858, Nghè Tân về với Tổ tiên. Kể ra cũng lạ quá đi mất. Còn nhớ về trường hợp Tiến sĩ Chu Mạnh Trinh, ông bị khối u sau gáy nên năm 1905, ông phải mổ bằng phương pháp y học hiện đại tại bệnh viện Yersin. Trước lúc lên bàn mổ, ông buột miệng nói:

- Trong bài Vịnh Kiều hồi thứ tám, ta có viết “Phong trần liều với mũi dao con”, âu cũng thử xem nó “vận” vào người ra sao?

Cuộc phẫu thuật này không thành công, Chu Mạnh Trinh trút hơi thở cuối cùng. Đọc lại quyển Văn minh Việt Nam (Nam chi tùng thư XB năm 1964), Lê Văn Siêu có kể một vài mẩu chuyện tương tự: “Chẳng hạn, trường hợp Vũ Đình Dy năm 1945 sang vận động chính trị ở Nhật, xong việc thì lên máy bay về Sài Gòn và gửi một bưu thiếp về Hà Nội cho ông thân để báo tin. Bưu thiếp viết: Công tư hai lẽ đều xong/ Gót tiên chốc đã thoát vòng trần ai. Khi về nước đi xe lửa từ Sài Gòn ra Hà Nội, lúc đến Quảng Ngãi, Vũ Đình Dy gặp sự cố và chết tại đó. Người ta bảo gở tại lời viết trong bưu thiếp ấy. Một bạn văn nữa là Lãng Nhân, mồng Một tết làm quyển Lưu bút, viết lên trang đầu tiên một câu tập Kiều: Trăm năm trong cõi người ta/ Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh?/ Thôi thôi đã mắc vào vành/ Biết duyên mình biết phận mình thế thôi. Câu văn có ý triết lý đời sống là cõi mộng, và tự nhủ thầm biết duyên biết phận. Nhưng đến ngày 29 tháng Giêng năm ấy thì vô cớ bị lính Nhật đến nhà bắt. Lãng Nhân bảo: “Có lẽ gở tại câu viết ấy”.

Dù gì vẫn là những suy luận. Sự suy luận này, đúng sai thế nào cũng khó có thể biết chăng? Nhưng rõ ràng đây kiểu “bói toán” độc đáo trong văn hóa Việt.

Với một vài dẫn chứng thú vị này, chắc rằng, một khi phiếm luận Truyện Kiều là một “tác phẩm báo chí” luôn có tính thời sự - bởi xưa nay thiên hạ đã “bói Kiều”, nay cũng thế vàn sau này cũng thế ắt mọi người sẽ gật gù đồng tình chăng? Nếu không cũng cười xòa chứ nào bắt bẻ làm chi vì chúng ta cùng yêu và trân trọng Truyện Kiều.

LÊ MINH QUỐC