Báo Công An Đà Nẵng

Phiên họp lần thứ nhất Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII

Thứ bảy, 10/11/2018 07:10

Ngày 9-11, tại Hà Nội, Tiểu ban Kinh tế - Xã hội chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã họp Phiên thứ nhất dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban. Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; Nguyễn Văn Bình, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư; Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ; Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an. Dự phiên họp còn có các đồng chí Bí thư T.Ư Đảng, Ủy viên T.Ư Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư là thành viên của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội và lãnh đạo một số địa phương.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Hội nghị T.Ư 8 khóa XII đã quyết định thành lập 5 tiểu ban chuẩn bị Đại hội lần thứ XIII của Đảng gồm: Tiểu ban Văn kiện; Tiểu ban Kinh tế - Xã hội; Tiểu ban Điều lệ Đảng; Tiểu ban Nhân sự; Tiểu ban Tổ chức phục vụ Đại hội. Thủ tướng nêu rõ, 51 thành viên của Tiểu ban Kinh tế - Xã hội có nhiệm vụ hết sức quan trọng là xây dựng hai tài liệu: Chiến lược phát triển Kinh tế xã hội 10 năm 2021 - 2030 và Báo cáo Kinh tế xã hội giai đoạn 2021 – 2025 phục vụ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

Văn kiện về Kinh tế xã hội “phải đưa ra định hướng chiến lược cho sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới”, Thủ tướng nói và đề nghị các thành viên của Tiểu ban tập trung trí tuệ, thời gian, công sức để hoàn thành tốt nhiệm vụ nặng nề này trong thời điểm từ nay đến Đại hội.  Do đó, việc sớm đưa Tiểu ban đi vào hoạt động là rất cần thiết nhằm triển khai khối lượng công việc lớn như: Tổng kết, đánh giá kỹ thực tiễn của đất nước, đặc biệt là kết quả 10 năm, 5 năm qua; trong đó, đánh giá thẳng thắn những tồn tại, hạn chế tìm ra nguyên nhân, phân tích tình hình trong nước và thế giới, rút ra những bài học kinh nghiệm để trên cơ sở đó, đưa ra những định hướng chiến lược phát triển kinh tế  -xã hội của đất nước. Các cấp ủy Đảng trong cả nước cũng quan tâm, lắng nghe về những định hướng phát triển kinh tế  của đất nước trong thời gian tới, Thủ tướng nói.

Về việc thành lập Tổ Biên tập, Thủ tướng cho rằng đây là “nơi tinh luyện” để tổng hợp, chắt lọc đưa vào dự thảo văn kiện những ý kiến hay, chất lượng cao sau quá trình nghiên cứu. Tổ Biên tập cần phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng thành viên trong việc triển khai soạn thảo từng nội dung và tổng hợp, biên tập, hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền. Việc xây dựng văn kiện tiến hành qua nhiều vòng như khảo sát, tổ chức hội nghị, hội thảo, lấy ý kiến của cán bộ lão thành, các chuyên gia trong nước và nước ngoài, ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp, xin ý kiến Trung ương, Bộ Chính trị... trước khi trình Đại hội.

“Ý kiến nhân dân vô cùng quan trọng trong quá trình xây dựng văn kiện”, Thủ tướng nói và đề nghị các thành viên Tiểu ban, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo, nỗ lực cao nhất để hoàn thành tốt nhất, chất lượng cao nhất các nhiệm vụ, công việc của Tiểu ban được Ban Chấp hành Trung ương giao.

QUANG VŨ