Báo Công An Đà Nẵng

Phiên họp thứ 20 Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Cân nhắc quy định về Quỹ Phòng thủ dân sự

Thứ tư, 15/02/2023 09:43
Đại biểu quân đội tham dự buổi thảo luận.

Hai phương án về Quỹ Phòng thủ dân sự

Báo cáo về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, về Quỹ Phòng thủ dân sự (Điều 44), hiện có hai loại ý kiến. Loại ý kiến thứ nhất, đề nghị giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình, vì cho rằng, hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, xử lý những vấn đề quan trọng tầm quốc gia liên quan đến phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh; phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh; bảo vệ nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân. Quỹ thực hiện trên nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc; được sử dụng trong điều kiện nguồn ngân sách Nhà nước không đáp ứng kịp thời, trong khi yêu cầu tài chính, nguồn lực khi có sự cố, thảm họa xảy ra là rất lớn, cấp thiết để góp phần hạn chế ảnh hưởng của sự cố, thảm họa. Hiện nay có nhiều dạng sự cố hiện không có nguồn quỹ để sử dụng khi xảy ra.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị bỏ quy định này với lý do: Hằng năm, ngân sách thường xuyên đã bố trí gồm cả nguồn dự toán ngân sách và nguồn dự phòng để thực hiện các nhiệm vụ chi cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh… Nhiệm vụ chi của Quỹ phòng thủ dân sự trong một số trường hợp có thể trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước. Hiệu quả của Quỹ này không cao vì khi xảy ra thiên tai sẽ cần kinh phí rất lớn, nên nếu để số dư ở mức nhỏ sẽ không đáp ứng được yêu cầu, nếu dư Quỹ lớn sẽ lãng phí vì không thường xuyên sử dụng. Việc khắc phục hậu quả vẫn chủ yếu là ngân sách Nhà nước.

Cơ quan soạn thảo tán thành với loại ý kiến thứ nhất và đề nghị giữ quy định như dự thảo Chính phủ trình, có chỉnh lý một số nội dung. Trong khi đó, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị không quy định Quỹ Phòng thủ dân sự mà thiết kế phương án hình thành quỹ trong trường hợp thật sự cần thiết.

Thường trực Ủy ban xây dựng hai phương án xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cụ thể, phương án 1: Giữ quy định về Quỹ Phòng thủ dân sự như dự thảo Chính phủ trình (tại điểm b khoản 2 Điều 43 và Điều 44). Phương án 2: Bỏ Điều 44 dự thảo Luật Chính phủ trình (Quỹ Phòng thủ dân sự) và sửa điểm b khoản 2 Điều 43 (Tài chính, lực lượng, phương tiện, dữ trữ cho phòng thủ dân sự) thành "Trong trường hợp cấp bách, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập quỹ theo quy định của pháp luật để quản lý, sử dụng các nguồn tài trợ, hỗ trợ, đóng tự nguyện bằng tiền, tài sản của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác cho hoạt động phòng, chống, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố".

Đảm bảo công khai, minh bạch

Phát biểu tại phiên họp, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, việc quản lý và sử dụng Quỹ trong thực tế có xuất hiện những vướng mắc, bất cập, chồng chéo. Tuy nhiên, nhu cầu thực tế cho thấy, cần thiết phải có Quỹ này. Do đó, cần thiết kế phương án để kết hợp các nội dung của phương án 1, phương án 2, đưa ra quy định phù hợp, đảm bảo Quỹ này được quản lý và sử dụng một cách hiệu quả, đáp ứng yêu cầu thực tế đặt ra.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, theo phương án như Chính phủ trình sẽ không phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, bởi hằng năm ngân sách thường xuyên đã bố trí gồm cả nguồn dự toán ngân sách và nguồn dự phòng để thực hiện các nhiệm vụ chi cho phòng, chống thiên tai, dịch bệnh… Nhiệm vụ chi của Quỹ Phòng thủ dân sự trong một số trường hợp có thể trùng với nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật bày tỏ ủng hộ phương án: trong trường hợp cấp bách, Chính phủ thành lập quỹ theo thẩm quyền.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu quan điểm, dù theo phương án nào cũng cần có quỹ để thực hiện phòng thủ dân sự. Tuy nhiên, vấn đề đại biểu quan tâm là làm thế nào để minh bạch, công khai trong sử dụng quỹ.

Giải trình tại phiên họp, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, việc thành lập Quỹ Phòng thủ dân sự là cần thiết, phù hợp với Nghị quyết số 22/NQ-TW của Bộ Chính trị.

"Hoạt động phòng thủ dân sự có phạm vi rất rộng, liên quan đến nhiều lĩnh vực đời sống xã hội. Một khi đã xảy ra sự cố, thảm họa thì gây ra ảnh hưởng rất lớn. Do đó, nếu có sẵn nguồn lực trong tay, khi sự cố, thảm họa xảy ra, chúng ta có thể sử dụng ngay để giải quyết được vấn đề cấp thiết trước mắt", Thượng tướng Nguyễn Tân Cương chỉ rõ.

PHAN PHƯƠNG