Báo Công An Đà Nẵng

Phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII: Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang và Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn

Thứ ba, 30/09/2014 07:00

(Cadn.com.vn) - Ngày 29-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT) Nguyễn Minh Quang; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình theo hình thức truyền hình trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì phiên chất vấn. Tại điểm cầu Đà Nẵng, ông Huỳnh Nghĩa, Trưởng Đoàn ĐBQH và các thành viên có liên quan cùng tham gia.

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang trả lời chất vấn của các ĐBQH. 

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ TNMT Nguyễn Minh Quang về trách nhiệm quản lý nhà nước trong khai thác tài nguyên, khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; tiến độ thực hiện quy hoạch đất đai, kết quả triển khai việc giao đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ), tình trạng sử dụng đất lãng phí; thực trạng sử dụng đất lúa nông nghiệp và chủ trương triển khai chuyển đổi cây trồng đối với đất trồng lúa; việc xử lý tồn đọng khiếu nại, tố cáo về đất đai..., đã có 17 đại biểu đặt 35 câu hỏi có liên quan.

Chế tài còn quá nhẹ

Đại biểu Ngô Văn Minh (Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội) đặt vấn đề: Việc xư lý vi phạm trong quản lý và sử dụng đất đai theo báo cáo của Bộ là không rõ. Theo đó, hiện nay còn 3.700 tổ chức và khoảng 23.000 ha đất có vi phạm để thất thoát, lãng phí trong các dự án sử dụng đất. Xin hỏi Bộ trưởng đến nay đã xử lý được ai và xử lý như thế nào?

Thứ hai, trong nhiều nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo thì trong báo cáo của Bộ cũng nêu, đại ý là do ban hành văn bản bất cập, thời gian ngắn nhưng ban hành nhiều văn bản, gây lúng túng; văn bản sau có lợi cho người này nhưng không có lợi cho người kia... Vậy thì chất lượng ban hành văn bản của Bộ là như thế nào?

Việc này có liên quan gì đến 30 vụ việc tồn đọng mà đến nay Bộ mới chỉ giải quyết được 17 vụ, còn 13 vụ chưa giải quyết hơn 2 đến 3 năm nay? Và để khắc phục bài ca muôn thuở như đã nói ở trên và lúc nào cũng nói trên 70% khiếu nại, tố cáo có liên quan đến đất đai thì tỷ lệ này sẽ được giảm xuống trong thời gian tới như thế nào?...

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết: Về xử lý vi phạm trong lĩnh vực đất đai có liên quan đến 2 vấn đề: Thứ nhất là đối với cơ quan, tổ chức thực hiện nhiệm vụ cấp đất và đối với các cơ quan, tổ chức sau khi nhận đất rồi mà chậm đưa vào sử dụng. Theo đó, tính đến ngày 31-21-2013 đã có 8.909 tổ chức vi phạm với diện tích 137.600 ha; đã xử lý 5.142/8.909 tổ chức với diện tích đất là 114.000ha...

Nguyên nhân là do Luật Đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành thiếu cơ chế để xử lý chi phí đầu tư vào đất còn lại của các chủ đầu tư nên dẫn đến khó khăn trong việc thu hồi đất. Quy định năng lực tài chính của chủ đầu tư còn chưa chặt chẽ, quá trình xét duyệt còn lỏng lẻo dẫn đến nhiều chủ đầu tư không có năng lực nhưng vẫn được giao đất, cho thuê đất.

Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nhiều chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính do khủng hoảng kinh tế dẫn đến chậm đưa vào sử dụng. Công tác thanh, kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện các dự án sau khi đã giao đất, cho thuê đất đối với chủ đầu tư chưa được tiến hành thường xuyên; thiếu cơ chế giám sát của cơ quan hành chính đối với các dự án đầu tư từ trước và sau khi thu hồi, giao đất, cho thuê đất.

Để khắc phục tình trạng trên, Luật Đất đai 2013 và Nghị định 43/2014 của Chính phủ đã bổ sung chế tài xử lý theo hướng cho phép gia hạn 24 tháng và chủ đầu tư phải nộp một khoản tiền tương ứng với tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời hạn đó. Sau 24 tháng nếu chủ đầu tư không đưa vào sử dụng thì sẽ bị thu hồi trắng và không được bồi thường tài sản đầu tư trên đất.

Vi phạm trong lĩnh vực đất đai có nhiều nội dung, trong đó đại biểu có đề cập một trong những nguyên nhân dẫn đến khiếu nại tố cáo trong thời gian vừa qua liên quan đến lĩnh vực đất đai lên đến 70%, Bộ trưởng cho rằng có một nguyên nhân đó là sự thay đổi văn bản qua các thời kỳ.

Theo đó, trong quá trình phát triển đất nước thì những chủ trương liên quan đến sử dụng đất, tài nguyên cũng thay đổi. Qua việc tổng kết Luật Đất đai năm 2003 thì có hơn 400 văn bản liên quan đến đất đai. Đó cũng là do tình hình thực tế, thị trường bất động sản, giá đất biến động... nên chúng ta có những điều chỉnh để sát thực tế hơn. Bộ trưởng cho rằng, sự thay đổi, ban hành nhiều văn bản có trách nhiệm của Bộ trong công tác tham mưu, tuy nhiên việc thực hiện ở các địa phương cũng hết sức quan trọng.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (Thường trực Ủy ban Tư pháp của QH) cho rằng: Việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản quá nhẹ, rất ít; kiểm điểm, rút kinh nghiệm là chính. Đại biểu nhìn nhận, đây là hành vi rút ruột quốc gia, hủy hoại đặc biệt nghiêm trọng đối với môi trường, chiếm đoạt quyền lợi của nhân dân. Vì vậy có rất nhiều ý kiến đặt ra, trong đó xin Bộ trưởng trả lời là có sự tiếp tay, thông đồng của cán bộ có thẩm quyền cấp giấy phép đối với các đối tượng khai thác trái phép hay không?

Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, việc xử lý sai phạm trong khoáng sản theo đại biểu là quá nhẹ, theo Bộ trưởng vấn đề này phải theo quy định của pháp luật. “Hiện đã có Nghị định về xử lý vi phạm trong sử dụng, quản lý tài nguyên nước, khai thác khoáng sản. Mức độ nặng hay nhẹ liên quan đến rất nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là Luật liên quan. Bộ TNMT cũng đồng tình với đại biểu là chúng ta cần phải có quy định, chế tài nghiêm hơn nữa, thậm chí không những phải thu hồi bằng hình thức phạt tiền mà còn phải quy trách nhiệm hình sự”..., Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn.

Khiếu nại, tố cáo về đất đai vẫn phức tạp

Trả lời câu hỏi của các đại biểu phản ánh tình hình khiếu nại, tố cáo liên quan tới đất đai, môi trường rất phức tạp nhưng đến nay vẫn chưa được cải thiện, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho rằng do nhiều nguyên nhân, tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân vẫn diễn ra gay gắt, phức tạp; vẫn còn nhiều vụ việc đông người, kéo dài nhiều năm như vụ khiếu nại, tố cáo của các hộ dân có đất thu hồi để thực hiện dự án khu đô thị Thương mại- Du lịch Văn Giang (Hưng Yên; Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội)...

Các nguyên nhân được Bộ trưởng đưa ra là do việc sử dụng đất thiếu ổn định (do thực hiện chính sách đất đai; do cho thuê, cho mượn, cầm cố đất, cho ở nhờ, ở đậu...). Chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai qua các thời kỳ có nhiều thay đổi bất cập, trong thời gian ngắn có nhiều văn bản được ban hành gây lúng túng trong việc tổ chức thực hiện.

Việc văn bản được ban hành sau lại quy định theo hướng có lợi hơn cho người sử dụng đất gây ra sự so bì, cố tình không bàn giao đất và nhận tiền bồi thường để khiếu nại, yêu cầu được áp dụng chính sách mới. Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng có nhiều bất cập, nhất là trong việc định giá đất bồi thường, giải quyết việc làm cho người có đất bị thu hồi.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về giải quyết khiếu nại, tố cáo một số nơi còn thiếu quyết liệt, nhận thức về pháp luật và trách nhiệm trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của một bộ phận cán bộ còn yếu, thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc chưa quan tâm đến quyền và lợi ích chính đáng của người khiếu nại. Một số khiếu nại, tố cáo khi giải quyết còn có ý kiến thiếu sự nhất quán; nhận thức của người dân về chính sách, pháp luật về khiếu nại, tố cáo nhìn chung còn nhiều hạn chế; nhiều trường hợp người dân mặc dù hiểu rõ các quy định của pháp luật, song cố tình không chấp hành...

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng) tham gia chất vấn tại đầu cầu Đà Nẵng. 

Xử lý nợ xấu còn nhiều vướng mắc

Trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình liên quan đến việc thực hiện chính sách tiền tệ, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại; kết quả xử lý nợ xấu góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát trong thời gian qua; việc cung ứng vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo tăng trưởng kinh tế trong các năm 2014-2015.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Huỳnh Nghĩa (Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng) cũng như nhiều đại biểu khác liên quan đến tình hình xử lý nợ xấu của NHNN hiện nay, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết: Để xử lý nợ xấu một cách căn bản, NHNN đã chủ trì xây dựng và được Bộ Chính trị, Chính phủ chấp thuận triển khai Đề án xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) và Đề án thành lập Công ty quản lý tài sản của các TCTD.

Theo đó, các biện pháp xử lý nợ xấu được triển khai bao gồm cơ cấu lại nợ, thu nợ, xử lý tài sản bảo đảm, bán nợ, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, tiết giảm chi phí, hạn chế tăng lương... Theo báo cáo của các TCTD, đến cuối tháng 7-2014, tổng nợ xấu nội bảng là 162,2 nghìn tỉ đồng (chiếm 4,11% tổng dư nợ). Tính từ đầu năm, tháng 7-2014 có tốc độ tăng nợ xấu thấp nhất cho thấy chất lượng tín dụng đang có chiều hướng cải thiện. NHNN tiếp tục cho phép các TCTD thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm góp phần giảm bớt gánh nặng tài chính và hỗ trợ sản xuất kinh doanh cho khách hàng vay, tuy nhiên quy định chặt chẽ hơn để tránh các TCTD lợi dụng việc cơ cấu để che giấu nợ xấu. Bên cạnh đó, các TCTD tiếp tục tích cực chủ động xử lý nợ xấu, trong 7 tháng đầu năm đã xử lý được hơn 40,8 nghìn tỉ đồng nợ xấu. 

Mặc dù hoạt động hệ thống TCTD an toàn, việc triển khai quyết liệt các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các TCTD, xử lý nợ xấu đạt được kết quả quan trọng, tuy nhiên, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho rằng vẫn còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do khuôn khổ pháp lý chưa hoàn thiện, thiếu các nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, quản trị, thủ tục, trình tự xử lý và thương lượng giữa các nhà đầu tư mất nhiều thời gian.

Khuôn khổ pháp lý về dân sự, kinh tế, đầu tư, tài chính, ngân hàng còn chưa rõ ràng, đồng bộ; trình tự, thủ tục xử lý tài sản, tố tụng và thi hành án phức tạp, kéo dài gây tốn kém thời gian và chi phí cho TCTD. Việc hình sự hóa trong lĩnh vực ngân hàng làm giảm khả năng thu hồi vốn, tài sản cho Nhà nước và nhân dân; việc xử lý nợ xấu thời gian qua chủ yếu là những giải pháp nội bộ của hệ thống các TCTD, đã và đang làm cho năng lực tài chính của hệ thống TCTD giảm, nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng đến an toàn, vững mạnh của hệ thống TCTD...

Doãn Hùng (ghi)